Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 với nhiều chính sách mới, được xem là đột phá đối với công tác bảo vệ môi trường.
Một trong những điểm rất đáng chú ý là quy định về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân (Điều 60) và quy định cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định (Điều 77).
Những bất hợp lý trong việc tính phí rác thải theo cách cào bằng trước đây nay được Luật Bảo vệ môi trường quy định: giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo nhiều căn cứ, trong đó có dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại (Điều 79).
Những quy định này rất cần và lẽ ra phải được áp dụng từ rất sớm, khi môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng và nhiều khu xử lý rác thải quá tải. Tuy nhiên, vẫn không khỏi băn khoăn về tính khả thi trên thực tế của quy định nêu trên cũng như giải pháp để đưa các quy định đó đi vào cuộc sống. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra nhưng nhiều vấn đề chưa được giải quyết, trong khi luật đã có hiệu lực trên thực tế hơn một tuần qua.
Ví dụ, lực lượng, phương tiện, cơ sở nào… để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc người dân phân loại rác thải; cơ sở thu gom có đủ phương tiện, lực lượng để tính khối lượng rác thải của từng hộ gia đình, cá nhân hay không? Về việc tính khối lượng rác thải để thu phí dịch vụ, đâu là cách cân đo đong đếm đảm bảo chính xác? Không thể áng chừng, ước lượng để thu tiền; càng không thể yêu cầu công nhân vệ sinh môi trường cân khối lượng rác mỗi ngày cho từng nhà...
Từ khi chưa quy định nêu trên, gia đình tôi đã tự phân loại rác thải trong khả năng của mình. Rác hữu cơ chôn lấp làm phân bón, những loại có khả năng tái sử dụng thì để riêng tặng công nhân môi trường, còn lại bỏ thùng rác công cộng. Chỉ cần phân loại sơ như vậy, gia đình tôi đã giảm được đáng kể lượng rác thải ra môi trường, nhưng đó là kiểu phân loại tự phát.
Chung quanh vấn đề quản lý chất thải rắn và xử lý rác thải, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu xử lý, giải quyết kịp thời, không để xảy ra điểm nóng phức tạp và cũng chi ngân sách khá lớn để thu gom, vận chuyển rác thải (mới đây nhất, cuối năm 2021, UBND tỉnh cấp bổ sung hơn 7 tỷ đồng cho 9 địa phương để thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải).
Không riêng Quảng Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường, bãi rác thải quá tải xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Nếu thực thi nghiêm túc và đồng bộ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Việt Nam sẽ giảm được khá nhiều chi phí để xử lý rác thải và cũng giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.