Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trong năm học mới 2016-2017 của Bộ GD-ĐT và sau đó được Sở GD-ĐT nhấn mạnh là đẩy mạnh phân luồng, nâng dần chỉ tiêu để có ít nhất 30% học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Nói thì dễ, nhưng thực tế triển khai thực hiện hoàn toàn khác.
Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vẫn là bài toán nan giải và chưa có lối ra. Ảnh: XUÂN PHÚ |
Những điều trông thấy
Đọc những con số HS bỏ học giữa chừng các năm học gần đây trong một báo cáo của Sở GD-ĐT, nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh có lý do để lo lắng. Năm học 2012-2013, cả tỉnh có 4.180 HS bỏ học; đến năm học 2013-2014 con số bỏ học là 3.175 và năm học 2014-2015 là 3.083. Năm học 2015-2016 vừa qua, số lượng HS bỏ học tiếp tục giảm xuống còn 2.489. “Số lượng HS bỏ học hiện nay dù có giảm so với các năm trước nhưng cũng rất đáng báo động, trong đó phần lớn là HS bậc THPT như năm học qua có đến 1.850 em bỏ học, chiếm tỷ lệ 3,3%. Ngân sách của tỉnh chi cho mỗi HS là 4 triệu đồng/năm thì với con số gần 2.500 HS bỏ học thì mỗi năm tỉnh mất đứt hơn cả chục tỷ đồng. Đây rõ ràng là một sự đầu tư không hiệu quả, lãng phí lớn” - cô Sương phân tích.
Số lượng HS hỏng tốt nghiệp THPT trong 2 năm gần đây cũng khiến cho nhà giáo ưu tú hết lòng với sự nghiệp giáo dục đất Quảng này nhiều băn khoăn. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 - năm đầu tiên Bộ GD-ĐT đổi mới công tác tổ chức thi bằng việc cho HS dự thi tại 2 hội đồng khác nhau (HS chỉ thi lấy kết quả tốt nghiệp thi tại địa phương, còn lấy điểm tuyển sinh đại học thi tại Đà Nẵng), Quảng Nam có 2.034 em hỏng tốt nghiệp trong tổng số 18.776 HS dự thi. Năm học 2015-2016 vừa qua, Bộ GD-ĐT lại đổi mới cách tổ chức, HS được thi ngay tại địa phương, rất thuận lợi trong việc đi lại cũng như tâm lý của các em. Dù vậy, kết quả vẫn không có chuyển biến. Cả tỉnh có 16.229 HS dự thi nhưng có đến 2.053 em không thể tốt nghiệp THPT. Coi như 12 năm đèn sách đã “bỏ sông bỏ biển”!
Theo nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương, từ câu chuyện quá nhiều HS không đỗ tốt nghiệp THPT cần phải xem lại cách dạy và học, kể cả việc phân tuyến tuyển sinh lớp 10 hiện nay vì “có nhiều bất cập”. Cô Sương dẫn chứng: Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) năm qua có đến 90 HS hỏng tốt nghiệp trong khi Trường THPT Hà Huy Tập chỉ có 11 em. Cả một số trường có thương hiệu của tỉnh lâu nay song số lượng HS hỏng tốt nghiệp khá cao như THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn) lên đến 115 em, THPT Huỳnh Ngọc Huệ (Đại Lộc) 101 em hay THPT Tiểu La (Thăng Bình) 92 em. “Bỏ học và hỏng tốt nghiệp khá nhiều - những con số này cho thấy hiệu quả đào tạo thấp, mà một trong những nguyên nhân chính là do phân tuyến tuyển sinh, tỷ lệ tuyển sinh quá cao và cách giáo dục của các trường. Trường THPT Hà Huy Tập lâu nay tuyển sinh “vét” HS trên địa bàn Tam Kỳ. Dù vậy, các thầy cô ở đây rất tận tình chỉ bảo cho học trò và có phương pháp giáo dục thích hợp. Nhờ đó đã giúp các em học tập tiến bộ và năm nay tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn một số trường có thương hiệu” - cô Sương nói.
Bài toán nan giải
Một trong những nhiệm vụ mà Sở GD-ĐT đề ra ở năm học mới 2016-2017 là tập trung đẩy mạnh thực hiện phân luồng HS sau trung học. Thật ra phân luồng không phải là câu chuyện bây giờ mới đặt ra. Trước đây, đã có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Bộ GD-ĐT đề cập khá kỹ về phân luồng. Chỉ thị số 10 (5.12.2011) của Bộ Chính trị và sau này Nghị quyết 29 (4.11.2013) của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục cũng nhấn mạnh đến yêu cầu phân luồng nhằm tạo nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vấn đề là đến nay việc phân luồng “nói nhiều mà làm chẳng bao nhiêu” nên vẫn chưa tạo được chuyển biến tích cực. Tại hội nghị tổng kết công tác giáo dục chuyên nghiệp năm 2015 do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây đã nêu lên một thực trạng là các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thu hút được rất ít HS diện “phân luồng” vào học. Với Quảng Nam, theo ông Lê Đình Dưỡng - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp Sở GD-ĐT, việc phân luồng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2015, cả tỉnh chỉ có 109 HS chưa tốt nghiệp THPT và 147 HS tốt nghiệp THCS vào học nghề, trung cấp chuyên nghiệp so với quy mô 6.000.
Một thực tế hiện nay mà nhiều người lo ngại là phân luồng nhưng không có “luồng” để đi. Ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn bày tỏ băn khoăn với mục tiêu phân luồng 30% HS đi học nghề sau khi học xong THCS bởi các em học ở đâu, trường nào đào tạo là những câu hỏi chưa có lời giải. Đó là chưa kể gia đình chẳng thể an tâm khi con em mình còn quá nhỏ, mới 15 tuổi phải xa gia đình. Ngay cả tâm lý của phụ huynh hiện nay cũng mong muốn cho con em mình học xong để có tấm bằng tốt nghiệp THPT trong tay rồi mới tính đến chuyện học nghề. Theo ông Ngọc, chủ trương là đúng nhưng mục tiêu, giải pháp thì chưa ổn. “Tỉnh nên có đề án phân luồng, đề ra những giải pháp về chỗ ăn, ở, học tập rồi mới nói đến chuyện phân luồng hiệu quả” - ông Ngọc đề nghị. Đối với các trường nghề hay trung cấp chuyên nghiệp, thật sự họ vẫn chưa coi trọng việc tuyển sinh đối với đối tượng tốt nghiệp THCS mà quan tâm chủ yếu là tốt nghiệp THPT. Con số 250 HS đành phải chọn con đường học nghề vì không đủ khả năng tốt nghiệp THPT trong năm 2015 là một minh chứng.
Phân luồng không hiệu quả, HS tốt nghiệp THCS bao năm qua vẫn “dồn toa” vào các trường THPT. Từ đó dẫn đến thực trạng HS bậc THPT bỏ học nhiều do không theo kịp chương trình, tỷ lệ hỏng tốt nghiệp THPT nhiều, gây lãng phí rất lớn cho gia đình và xã hội. Rõ ràng, phân luồng vẫn là bài toán nan giải và chưa có lối ra.
XUÂN PHÚ