Liệt sĩ Phan Nhung, người con anh hùng của vùng đất Thăng Bình kiên cường bất khuất vừa được Ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước quyết định truy tặng.
Đốc công, dạy học và tham gia cách mạng
Phan Nhung sinh ra tại làng Thanh Ly, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học. Những năm 1932 - 1936, ông là học sinh trường Kỹ nghệ Huế, tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào thanh niên, học sinh ở Huế, thường dẫn đầu phong trào đấu tranh học sinh trong trường học. Sau khi tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1936, tham gia hoạt động cách mạng ở Xứ ủy Trung kỳ những năm 1936 - 1938, trực tiếp hoạt động tại các cơ sở sản xuất mía, cơ khí ở Nha Trang, Phan Thiết...
Bia tưởng niệm liệt sĩ Phan Nhung ở Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang. |
Từ đầu năm 1939 đến cuối năm 1940, Xứ ủy Trung kỳ giới thiệu Phan Nhung vào công tác Sài Gòn - Chợ Lớn. Xứ ủy Nam kỳ giao ông làm Bí thư Khu ủy khu I thuộc Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai làm Bí thư Thành ủy), là Thành ủy viên, được phân công phụ trách công vận của Thành ủy. Thời gian này, ông vừa tham gia giảng dạy tại trường Bách nghệ Sài Gòn (trường Thương mại và kỹ nghệ), vừa trực tiếp lãnh đạo phong trào hoạt động cách mạng của trường, tham gia vận động phong trào đấu tranh của học sinh, trí thức, công nhân, chống chính sách khủng bố, đàn áp của đế quốc Pháp. Đồng thời, với vai trò đốc công, ông còn trực tiếp và thường xuyên liên lạc với các cơ sở đảng ở Ba Son, F.A.C.I và nhiều xí nghiệp khác trong thành phố, những nơi này có nhiều cán bộ kỹ thuật, đa số tốt nghiệp trường bách nghệ. Đặc biệt, ông đã móc nối, liên kết và tạo được một số cơ sở cách mạng của ta trong cơ quan hậu cần của địch.
Những năm này, đế quốc Pháp thực hiện đàn áp mạnh Đảng ta và phong trào cách mạng của nhân dân khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Cơ quan lãnh đạo Trung ương Đảng và Xứ ủy đóng tại Sài Gòn bị những tổn thất nặng nề. Xứ ủy Nam Kỳ vẫn đóng tại thành phố, thường xuyên di chuyển, lúc ở Sài Gòn, lúc ở Chợ Lớn. Tháng 8.1940, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn thành lập lại, Phan Nhung tiếp tục được đề cử và phân công làm Thường vụ Thành ủy phụ trách công tác công vận, chuẩn bị vũ khí trang bị cho dân quân du kích thành phố, và cung cấp cho Xứ ủy Nam kỳ tiến hành các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, trong đó có Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23.11.1940. Sau cuộc họp Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn vào trưa ngày 22.11.1940 để chuẩn bị mọi công tác và chờ mệnh lệnh hành động khởi nghĩa, thì tối hôm đó, Phan Nhung cùng với đồng chí Phan Đăng Lưu bị Pháp bắt. Sau đó, Tòa án binh Pháp kết án tù khổ sai chung thân, đày Phan Nhung đi nhà tù Côn Đảo vào tháng 1.1941.
Những năm 1941 - 1945, bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, mặc dù bị tra tấn đánh đập dã man nhưng Phan Nhung vẫn một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ, giữ vững khí tiết của người cộng sản, giữ lòng kiên trung với cách mạng, bất khuất với kẻ thù... Tháng 9.1945, Phan Nhung cùng với hơn 2.000 tù chính trị đã nổi dậy giải phóng nhà tù, giành quyền làm chủ và được đón về đất liền. Từ đó đến năm 1946, ông được Xứ ủy phân công làm Giám đốc Xưởng cơ khí đồn điền Bảy Ngàn (Cần Thơ), tiếp tục chuẩn bị vũ khí kháng chiến cho bộ đội, du kích.
Hành động anh hùng
Trước ngày Pháp tái chiếm Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) - 15.4.1946, Phan Nhung được phân công sang Xiêm (Thái Lan) gặp các đồng chí cán bộ lãnh đạo của ta để chuẩn bị cho nhiệm vụ kháng chiến. Trên đường từ đất liền ra đảo để sang Xiêm, ông dừng chân ở Dương Đông, Phú Quốc. Quận Phú Quốc lúc bấy giờ dân số khoảng năm nghìn người. Làng Dương Đông là nơi đặt trung tâm hành chính, có trụ sở chính quyền cai trị của Pháp, có dinh quận, nhà đoan, nhà dây thép, trại lính mã tà của Pháp đóng gần dinh quận.
Lịch sử Khởi nghĩa Nam kỳ xuất bản tháng 7.2001, ghi: “Đồng chí Phan Nhung làm Thường vụ Thành ủy phụ trách công vận, chuẩn bị vũ khí, khí tài cho lực lượng vũ trang khẩn trương và tích cực hành động Khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23.11.1940”. Ông cũng là người có nhiều đóng góp tích cực cho các cuộc đấu tranh, khác trong giai đoạn trước và sau ngày cách mạng giành chính quyền, giữ chính quyền. Ông là tấm gương sáng về tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường, mưu trí, dũng cảm trước kẻ địch, trong mọi trường hợp, ngay cả trong nhà tù của địch. Khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng, chuẩn bị vũ khí cho bộ đội và du kích để chống đế quốc Pháp. Ông đã trực tiếp tổ chức chiến đấu với địch và đã anh dũng hy sinh. |
Thời gian này, một số cán bộ của các tỉnh, các khu và cấp trên từ đất liền tìm ra đảo. Một số đồng chí trên đường sang Xiêm (Thái Lan) dừng chân lại Phú Quốc, một số ít đến Phú Quốc công tác... Dù hoàn cảnh nào, trong thời gian ở đảo họ đều được nhân dân đùm bọc, che chở như người thân ruột thịt trong nhà. Có một số đồng chí tạo được thế hợp pháp, ăn ở sinh hoạt công khai trong một số gia đình ngay tại quận lỵ.
Trong thời gian ở Dương Đông, Phan Nhung cải trang thành người đi làm mướn cho gia đình một người tên Kiết. Ông hoạt động vừa bí mật, vừa công khai, đã liên hệ móc nối với các đảng viên và thanh niên yêu nước ở Phú Quốc, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang chiến đấu chống Pháp. Sau 2 tháng hoạt động, tuyên truyền giác ngộ lý tưởng cách mạng và tập hợp thanh niên yêu nước trên đảo, Phan Nhung bàn kế hoạch ám sát tên quận trưởng người Pháp và cướp chính quyền.
Sáng 5.6.1946, sau khi thống nhất kế hoạch hành động với một số cán bộ, đảng viên ở Dương Đông, Phan Nhung quyết định tổ chức tập kích tiêu diệt tên quận trưởng Arriguit tại nơi làm việc. Tính toán các phương án và bố trí bộ phận yểm trợ xong, lợi dụng sơ hở của địch, Phan Nhung xông thẳng lên lầu, vào tận phòng làm việc của Arriguit, chĩa súng ngắn vào người tên quận trưởng hô lớn: “Haut les mains!” (Giơ tay lên!). Tên quận trưởng đưa hai tay lên nhưng lừa sơ hở, hắn chạy xuống cầu thang. Phát súng đầu tiên nhắm vào hắn không nổ, phát thứ hai nổ chệch hướng. Lập tức toàn khu báo động. Phan Nhung buộc rút lui vào điểm hẹn cây số 1, Dương Đông. Tên quận trưởng Arriguit quàng tiểu liên đạp xe đuổi theo. Chạm mặt, khoảng cách quá gần không có cơ hội dùng súng, cả hai dùng vũ lực quật nhau. Hai bên giằng co, quần nhau quyết liệt hồi lâu chưa phân thắng bại, bất ngờ, một tên cai ở đâu chạy đến rút súng bắn đồng chí Phan Nhung và trao súng cho tên quận trưởng Arriguit bắn bồi. Trước khi hy sinh, đồng chí Phan Nhung còn kịp hô lớn: “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”.
Thi thể đồng chí Phan Nhung được anh em đồng chí, đồng đội và bà con nhân dân Phú Quốc âm thầm đưa về mai táng trên bờ biển Bà Kèo, cạnh các liệt sĩ vì nước quên thân vì dân quên mình ở đảo. Về sau, nhân dân trên đảo tưởng nhớ đến đồng chí Phan Nhung nên đặt bài vè: “Phan Nhung tử mạng nằm dài lộ trung/Thương thay một đấng anh hùng!”.
Cuộc tập kích tiêu diệt tên quận trưởng Arriguit của đồng chí Phan Nhung và lực lượng vũ trang không thành, nhưng hành động anh hùng, dũng cảm và sự hy sinh của đồng chí Phan Nhung đã gây tiếng vang lớn, cổ vũ tinh thần kháng chiến các tầng lớp nhân dân trên đảo, nhất là trong lớp thanh niên của những ngày cách mạng giành chính quyền những năm 1946 và về sau. Trong chống Pháp, tên của đồng chí Phan Nhung được đặt tên cho Đảng bộ quận đảo Phú Quốc: Quận bộ Phan Nhung.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Phú Quốc đã dựng Bia tưởng niệm đồng chí Phan Nhung ngay tại thị trấn Dương Đông - nơi ông hy sinh, để tưởng nhớ một con người đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc.
Với công lao và thành tích đặc biệt tiêu biểu, xuất sắc trong thời kỳ chống đế quốc Pháp và hành động anh hùng, ngày 25.4.2013, liệt sĩ Phan Nhung đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là niềm tự hào và vinh dự lớn cho gia đình, gia tộc, quê hương Thăng Bình - Quảng Nam và Phú Quốc - Kiên Giang.
BÌNH NGUYÊN