Phán quyết lịch sử của PCA - Kỳ 1: Diễn biến vụ kiện lịch sử

VŨ ĐỨC SAO BIỂN 14/07/2016 10:32

Chiều 12.7.2016 tính theo giờ Việt Nam, Tòa trọng tài thường trực (PCA) đóng trụ sở tại The Hague (Le Havre) Hà Lan đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách cái gọi là “đường chín đoạn” mà Trung Quốc gọi là “căn cứ lịch sử” của nước này trên các hải đảo vùng Biển Đông.

Nhân dân toàn thế giới và các chính phủ, các chế độ chính trị tha thiết với lẽ công bằng nghe được một phán quyết nghiêm minh, dứt khoát về một khía cạnh thực thi các công ước quốc tế, nổi bật là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Diễn tiến vụ kiện

Ngày 22.1.2013, chính phủ Philippines ra thông báo tiến hành vụ kiện đối với Trung Quốc nhằm chống lại tuyên bố của Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý ở Biển Đông, dựa trên căn cứ pháp lý được UNCLOS xác định năm 1982. PCA ghi nhận vụ kiện của Philippines.

Ngày 27.82013, PCA yêu cầu Philippines nộp đơn khởi kiện. Nước này đã nộp đơn ngày 30.3.2014.  Hồ sơ khởi kiện của Philippines gồm 15 điểm, trong đó nổi bật 4 nội dung căn bản:

- Trung Quốc không có quyền thực hiện cái mà họ gọi là “quyền lịch sử” đối với các vùng biển, hải đảo và vùng đất dưới đáy biển bên ngoài giới hạn mà nước này được hưởng.

- Hình ảnh được Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” xâm hại vào các hải đảo, vùng lãnh hải và quyền chủ quyền của nhiều quốc gia châu Á - trong đó có cả Việt Nam và Philippines, là hoàn toàn vô giá trị và vô căn cứ.

Một nhóm người Philippines tuần hành ngay trước thời điểm PCA công bố phán quyết. (Ảnh: Rappler)
Một nhóm người Philippines tuần hành ngay trước thời điểm PCA công bố phán quyết. (Ảnh: Rappler)

- Những cấu trúc ở Biển Đông (gồm các bãi đá ngầm và những gì mà Trung Quốc đổ đất xây dựng lên) không phải là các đảo để Trung Quốc được hưởng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

- Trung Quốc đã vi phạm Công ước UNCLOS khi can thiệp vào quyền thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines trên bãi cạn Scarborough.

- Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại to lớn, không thể phục hồi đối với môi trường biển ở những nơi Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng các công trình.

Ngày 3.6.2014, PCA yêu cầu Trung Quốc nộp đơn phản biện, sau đó cho biết đã nhận được tuyên bố của Trung Quốc không chấp nhận vụ kiện.

Ngày 17.12.2014, PCA yêu cầu Philippines trình lập luận bằng văn bản, làm rõ các vấn đề thẩm quyền xét xử của Tòa và những nội dung chính trong đơn.

Ngày 7.7.2015, PCA nhóm phiên đầu tiên xét xử vụ kiện với Hội đồng thẩm phán gồm 5 vị trên. Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đại diện nguyên đơn cùng đoàn luật sư quốc tế ra trước tòa; bị đơn Trung Quốc vắng mặt. Các nước Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan và Indonesia cử quan sát viên đến dự. Dù Trung Quốc không tham gia, PCA vẫn cho phép nước này đưa ra những lập luận bằng văn bản chống lại các lập luận của Philippines. Phiên xử kéo dài một tuần.

Ngày 29.5.2015, PCA ra quyết định công bố thẩm quyền xét xử 7 trong số 15 kiến nghị của Philippines.
Ngày 24.11.2015, PCA nhóm phiên xử lần thứ hai, kéo dài đúng một tuần. Trung Quốc vẫn kiên trì quan điểm không chấp nhận vai trò tố tụng của PCA, gọi những phiên xử này là “trò hề vô giá trị”.

Ngày 29.6.2016, PCA thông báo sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện vào ngày 12.7.2016.

Ngày 12.7.2016, PCA chính thức ra phán quyết lịch sử. Philippines thắng lợi giòn giã; Trung Quốc thua trắng trước dư luận quốc tế.

Nội dung phán quyết

Có thể nói chưa bao giờ, một quốc gia lớn như Trung Quốc lại bị một đòn choáng váng, tổn thương uy tín chính trị nghiêm trọng như khi đón nhận phán quyết lịch sử của PCA. Tất cả những nhà chính trị, những cơ quan truyền thông thông tin của Trung Quốc và những ai từng lên tiếng “ủng hộ” hoặc không lên tiếng phản đối các hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông (trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) đều phải xấu hổ khi nghe phán quyết này.

Tòa trọng tài thường trực
PCA được thành lập năm 1899, là một tổ chức liên chính phủ gồm 121 quốc gia tham gia; trong đó có Việt Nam, Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Singapore… cùng tham gia. PCA là một thể chế trọng tài quốc tế hiện đại, có chức năng tiến hành tố tụng, thụ lý và giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia liên quan đến hai luật công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế. Chủ trương của PCA là đưa ra những phán quyết mang tính hòa bình nhưng nghiêm minh; những quốc gia là thành viên tham dự PCA phải có nghĩa vụ tôn trọng các phán quyết ấy.
Hội đồng trọng tài PCA hiện tại gồm thẩm phán Thomas A. Mensah (người Ghana), thẩm phán Jean Pierre Cot (người Pháp), thẩm phán Stanislaw Pawlak (người Ba Lan), giáo sư luật học Alfred Soons (người Hà Lan) và thẩm phán Ridiger Wolfrum (người Đức).

Về “đường chín đoạn” do Trung Quốc vẽ ra, PCA cho rằng đó không phải là bằng chứng lịch sử, vô giá trị. Phán quyết của PCA nhấn mạnh rằng dù các nhà thám hiểm, thương nhân hay ngư dân Trung Quốc từng nhìn thấy hay ghé lại các hải đảo trên Biển Đông (như người của nhiều quốc gia khác từng nhìn thấy hay ghé lại) thì điều đó cũng không phải là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã kiểm soát độc quyền về lịch sử đối với các vùng biển, các hải đảo và nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Tòa tuyên bố không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc tự nhận có quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên trong các khu vực biển ở cái gọi là “đường chín đoạn”.

Về các thực thể (bãi đá ngầm), PCA kết luận “Các bãi đá không thể duy trì sự cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”. Điều này có nghĩa là Trung Quốc chiếm bãi đá Scarborough của Philippines để làm vùng đặc quyền kinh tế (rộng 200 hải lý) rồi xác lập thềm lục địa là vô giá trị.

Về những thiệt hại Trung Quốc đã gây ra cho Philippines, PCA vạch rõ Trung Quốc đã ngăn cản việc khai thác dầu mỏ và quyền đánh cá của ngư dân Philippines; xây dựng các bãi bồi nhân tạo; tỏ ra bất lực trong hành động ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong khu vực; có hành động bất hợp pháp khi để các tàu “chấp pháp” của Trung Quốc va chạm và cản trở các tàu của Philippines.

Về việc xây dựng các bãi đá ngầm, PCA cho rằng việc Trung Quốc lấn chiếm và xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông là không phù hợp với nghĩa vụ của một quốc gia trong suốt quá trình giải quyết các tranh chấp. Hành động của Trung Quốc gây ra thiệt hại đối với môi trường hàng hải quốc tế, phá hủy bằng chứng đối với các thực thể trên Biển Đông.

Về việc phá hoại môi trường biển, PCA phán quyết rằng Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo tại 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa đã gây ra thiệt hại đối với các rặng san hô, vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái biển. Trung Quốc biết ngư dân của họ khai thác các loài rùa biển, san hô, ngọc trai khổng lồ bằng cách đánh bắt hủy diệt nhưng không thực hiện nghĩa vụ phải nghiêm cấm các hành vi hủy diệt ấy.

Sau cùng, PCA kết luận rằng chính Trung Quốc đã làm nghiêm trọng thêm tình hình tranh chấp ở Biển Đông giữa lúc nhiều quốc gia đang tìm cách giải quyết hòa bình các tranh chấp ấy trên cơ sở luật pháp quốc tế.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phán quyết lịch sử của PCA - Kỳ 1: Diễn biến vụ kiện lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO