Cái thế gân gà là một thế tiến thoái lưỡng nan nhưng phần thoái lại nhiều hơn phần tiến. Sau phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA), Trung Quốc cũng đang “gặm” một cái gân gà như vậy.
|
Chống chế
Tiểu thuyết Tam quốc chí có một đoạn thuật về câu chuyện Tào Tháo gặm gân gà. Tướng Dương Tu đến xin mật khẩu khi Tào Tháo đang ăn tối, cầm một chiếc xương gà và gặm mãi. Tào Tháo cho mật khẩu “Kê cân” - gân gà. Dương Tu được mật khẩu, bèn cho quân sĩ thu dọn lều trại. Tả hữu hỏi tại sao, Dương Tu giải thích: Gân gà là món khó nhai; ăn thì không nuốt được nhưng bỏ đi thì uổng. Thế nào Tào Tháo cũng rút quân; thu dọn doanh trại là vừa.
Nay, Trung Quốc thực hiện chủ nghĩa bá quyền, muốn độc chiếm Biển Đông biến thành ao nhà của họ; thường xuyên dùng quyền lực quân sự và áp lực ngoại giao, kinh tế để đe dọa các nước láng giềng khu vực Biển Đông và ngoài Biển Đông. Những gì diễn ra vừa qua cho thấy Trung Quốc muốn chia rẽ nội bộ khối ASEAN bằng cách kiếm trong khối này một vài quốc gia ủng hộ lập trường đàm phán song phương của họ thay vì đàm phán đa phương với các quốc gia ở Biển Đông và các nước khách mời theo thông lệ quốc tế.
Bãi cạn Scarborough hiển thị trên Google Maps. |
Phán quyết 12.7.2016 của PCA đã bẻ gãy ý đồ độc chiếm Biển Đông qua nội dung căn bản “đường chín đoạn do Trung Quốc tuyên bố là không có cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử” - tức là vô giá trị trước công pháp quốc tế. Trung Quốc từng tham gia ký Công ước về Luật Biển 1982, là một nước thành viên của UNCLOS thì không thể hành động đi ngược lại Công ước này và cũng không thể không tuân thủ phán quyết của PCA.
Sau khi PCA ra phán quyết, Trung Quốc đã có những phản ứng nhằm phản đối Tòa. Họ phải phản ứng bởi nếu không phản ứng thì… coi không được. Ngoài lời tuyên bố “không chấp nhận phán quyết” của hai ông Tập Cận Bình và Vương Nghị, Tân Hoa xã đưa tin hai máy bay dân dụng của hai hãng China Southern Airlines (Trung Quốc Nam Phương hàng không) và Hainan Airlines (Hải Nam hàng không) ngang nhiên đáp xuống hai thực thể Vành Khăn và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 13.7, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân họp báo, dọa sẽ lập Vùng nhận diện hàng không (ADIZ) trên Biển Đông và gọi bản án của PCA là “giấy lộn”. Cũng theo “truyền thống” Trung Quốc, ông bôi nhọ năm vị thẩm phán của Tòa này là “đã bị chi phối bởi tiền bạc”(?); y như năm vị thẩm phán này là người Trung Quốc không bằng!
Các tờ Nhân dân nhật báo, Trung Hoa nhật báo (China Daily), Hoàn cầu thời báo (Global Times) thay phiên nhau đưa ra những bài bình luận sặc mùi tệ hại với một ngôn ngữ… không giống ngôn ngữ báo chí chút nào. Tờ Nhân dân nhật báo gọi PCA là “đầy tớ của các thế lực bên ngoài”! Tờ Hoàn cầu thời báo thì dọa rằng người Trung Quốc sẽ “mạnh mẽ ủng hộ chính phủ tung đòn trả đũa”! Có thật vậy chăng? Trạng thái của họ hiện nay là hoang mang như cá vào lưới; những phản ứng trên là bình thường như trước nay họ vẫn làm nhưng cái chính là họ đang gặm phải gân gà khó xơi nhất.
Cú thất bại ngoại giao
“Ông trùm” bản đồ thế giới sẽ loại bỏ chữ “Trung Quốc” ra khỏi tên Biển Đông? Theo BBC, Google Maps vừa bỏ tên tiếng Trung của một bãi cạn đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông trên dịch vụ bản đồ Google Maps. Theo đó, tên Huangyan (Hoàng Nham) được thay bằng tên quốc tế bãi cạn Scarborough. Trước đó, Google Maps xác định bãi cạn Scarborough là một phần của cái mà Bắc Kinh gọi là quần đảo Zhongsha (Trung Sa) ở Biển Đông. Thay đổi trên được tiến hành sau khi có một bản kiến nghị trên mạng cho rằng việc dùng tên Trung Quốc Huangyan không hợp lý bởi khu vực này đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila. Philippines gọi đây là Panatag Shoal. Họ yêu cầu Google Maps thay đổi tên gọi và ngừng xem Scarborough là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Bản kiến nghị thu hút được hàng nghìn chữ ký. Đáp lại, Google nói trong thư gửi tới hãng tin BBC: “Chúng tôi hiểu rằng các địa danh có thể gây tác động tâm lý sâu sắc. Đó là lý do chúng tôi nhanh chóng xử lý ngay khi được biết về vấn đề này”. Tuyên bố trên của Google được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII vừa đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, các yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).T.B (theo phunuonline.com.vn) |
Phán quyết của PCA là “phán quyết sau cùng” buộc Trung Quốc phải chấp nhận. Trung Quốc đang ở trong tư thế không thể tự biến mình thành một quốc gia chống lại cộng đồng quốc tế và luật pháp quốc tế. Sự phá sản của công trình “đường chín đoạn” đã khiến âm mưu bá quyền của họ trên Biển Đông thất bại nặng nề.
Cái đau khổ nhất của họ hôm nay là cả thế giới không có một quốc gia nào lên tiếng phản bác phán quyết của PCA và ủng hộ lập trường độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Rõ ràng, đó là một thất bại toàn tập về ngoại giao mặc dù họ đã bỏ ra rất nhiều tiền để… ngoại giao. Họ làm một thứ chính trị cô đơn xiết bao giữa một thế giới đầy rẫy lương tâm của loài người tiến bộ. Những ai ngày hôm qua ủng hộ Trung Quốc “nói chuyện song phương”, sau phán quyết này cũng im hơi lặng tiếng.
Phía sau lưng họ là một cộng đồng dân số 1,4 tỷ người; nhu cầu thực phẩm, lương thực cao hơn bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Nền kinh tế của họ được công nhận là lớn thứ hai trên toàn thế giới nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã có khuynh hướng muốn chuyển địa bàn đầu tư bởi sợ nạn tham nhũng, sách nhiễu, tình hình nội trị của Trung Quốc bất ổn. Thị trường chứng khoán, tài chính khổng lồ của họ khi trồi khi sụt nhưng căn bản sụt nhiều hơn trồi. Môi trường sống của họ ô nhiễm nhất, nhì thế giới. Liệu họ có thể lãng quên được những điều đó để đương đầu với cộng đồng quốc tế?
Nhiều vị nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng ngoại giao và các nhà bình luận chính trị quốc tế đã hoan hô phán quyết của PCA và khuyên các bên liên quan hãy bình tĩnh, tự kiềm chế, không dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa. Nói “các bên liên quan” chỉ là một cách nói lịch sự chứ thực chất đó chỉ là lời khuyến cáo dành riêng cho Trung Quốc; bởi lẽ trước nay các quốc gia khác trong khu vực Biển Đông đều ứng xử một cách hòa bình và triệt để tôn trọng những cam kết quốc tế.
Chúng ta khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tất cả những gì mà Trung Quốc xây dựng, bồi đắp, làm biến dạng trên những thực thể của hai quần đảo này là bất hợp pháp. Ngư dân Việt Nam có quyền đánh bắt cá, khai thác hải sản trên vùng biển của hai quần đảo này. Những hành động của Trung Quốc dùng tàu quân sự và tàu bán quân sự rượt đuổi, đâm thủng tàu cá, cướp lưới, cướp cá của ngư dân Việt Nam là vô nhân đạo, đi ngược lại những nguyên tắc quốc tế, cần phải chấm dứt ngay.
Vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc mở ra một tiền lệ thực thi công pháp quốc tế vô cùng sáng sủa. Cái án lệ ấy vô cùng giá trị; chứng minh rằng trong thế kỷ 21 này không một quốc gia to lớn nào có quyền dọa nạt, o ép một quốc gia nhỏ khác. Thế kỷ 21 cũng không cho phép tư tưởng của các chủ nghĩa đế quốc, thực dân, bá quyền trỗi dậy. Trung Quốc nên nhận ra điều đó để có một cách ứng xử phải phép, tôn trọng, văn minh hơn đối với các lân bang, trong đó có các quốc gia ở khu vực Biển Đông.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN