(QNO) - Nhận xét về Phan Châu Trinh, Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng đã viết: “Nhân cách tiên sinh, học thức cao, tài trí đủ, tính chất bền, ngôn luận giỏi, ai cũng biết cả... Than ôi! Như tiên sinh, không những là một người chí sĩ yêu nước mà thôi, mà thật là một nhà chính trị cách mạng đầu tiên nước Việt Nam ta vậy".
Tiên sinh họ Phan, tên Châu Trinh, tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hi Mã; quê ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (trước là huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình - nay là thôn Tây Hồ, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam).
Tử Cán: Tử là con, còn có nghĩa là thầy giỏi chữ Khổng Tử, Mạnh Tử. Ngụ ý nói về Tử Cống và Tử Lộ là hai học trò giỏi của Đức Khổng Tử. Tử cống giỏi việc kinh doanh thương mãi. Tử Lộ thì rất có hiếu với mẹ. Cán: là đảm đang công việc; Tử cán: được hiểu là bậc chân nhân gánh vác việc đời.
Tây Hồ: Tây là phương Tây, miền Tây, nỗi niềm riêng. Hồ: là vũng nước sâu, rộng, còn có nghĩa là người trượng phu có khí khí hào hiệp (hồ hải), hay ám chỉ người có chí lập công phương xa (hồ thỉ). Tây Hồ cũng chính là quê hương của Cụ Phan Châu Trinh. Tây Hồ: có ý ngĩa là đem tài trí của mình dấn thân lập công nơi đất nước xa xôi. Hi Mã: Hy vọng làm được việc như nhà yêu nước Mã Chí Nê (Mazzini) người Ý.
Gia thế Phan Châu Trinh là một nhà vọng tộc trong huyện. Thân phụ là Phan Văn Bình là một võ quan giữ chức Quản cơ sơn phòng (trông coi công việc ở biên giới vùng núi), hưởng ứng phong trào Cần Vương do Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo, giữ chức chuyển vận sứ.
Mẹ là Lê Thị Trung, con nhà danh tộc làng Phú Lâm (xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước ngày nay), có đức hiền lành, hiểu biết khá nhiều về văn học Trung Quốc.
Phan Châu Trinh sinh ra trong thời kỳ loạn lạc: Bắc kỳ và Trung kỳ là hai xứ bảo hộ, còn Nam kỳ là thuộc địa của Pháp. Trong khi đó, triều đình nhà Nguyễn bất lực trước cảnh kẻ thù xâu xé đất nước. Suốt thời kỳ Nghĩa hội (1885-1887) chống Pháp ở Quảng Nam, tuy còn nhỏ tuổi, Phan Châu Trinh cũng đã trực tiếp góp công sức nhỏ của mình vào công cuộc diệt thù cứu nước. Chính trong thời gian ở chiến khu, ông đã học võ nghệ: bắn cung, cưỡi ngựa... qua một chiến sĩ trẻ Cần Vương, đã giúp ông có một bản lĩnh vững chải của một chiến sĩ trên mặt trận quân sự trước khi trở thành một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng... (Nguyễn Q. Thắng: Phan Châu Trinh cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn học, 2001, tr.50, 51).
Sau khi phong trào Cần Vương tan rã, ông quyết tâm quay lại việc đèn sách và luôn được thầy yêu bạn mến bởi tư chất thông minh, hoạt bát, học giỏi, thơ hay. Năm 1900 - Canh Tý, Phan Châu Trinh tham gia thi Hương và đỗ Cử nhân. Năm sau, dự thi Hội, ông đỗ Phó bảng.
Khi nói về Phan Châu Trinh, những bạn đồng môn đều nhất trí với cụ Huỳnh Thúc Kháng rằng: “...trong thời gian học ở trường tỉnh, ông Phan học ít, hiểu nhiều, đọc sách có con mắt riêng, làm văn tạo xuất cách mới, không làm lối tìm câu bắt chữ, vẽ bóng pha màu, thích đọc sách Luận ngữ, Mạnh tử, cùng các món sử về Kinh thư, Xuân thu có xem đến, còn các Kinh, Truyện khác thì không thèm để mắt. Phan Châu Trinh học đã giỏi lại có tài lanh lợi tháo vát, hết lòng giúp đỡ anh em, nên được anh em kính nể, mến phục, coi như bậc đàn anh”. (Giáo sư Huỳnh Lý: Phan Châu Trinh - Thân thế và sự nghiệp, NXB Đà Nẵng).
Năm 1903, ông được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ. Thời gian này, ông chuyên tâm nghiên cứu chính trị, Tây học và liên hệ với hoàn cảnh hiện tại của nước nhà; trong khi đó quan lại xung quanh ông vẫn rất bàng quan. Thấy vậy, ông liền mượn lối chơi cờ để châm biếm cảnh bù nhìn, bất lực của họ: "Một tướng lác đứng trong cung/ Sĩ tượng khoanh tay chẳng vẫy vùng.".
Học giả Hoàng Xuân Hãn phân tích: “Sau khi phong trào Cần vương bị đàn áp tan rã hoàn toàn, Phan Châu Trinh đã đi sâu nghiên cứu những nhược điểm cơ bản về văn hóa, xã hội Việt Nam. Cụ thấy rõ nguyên nhân sâu xa đã đưa đến mất nước là sự thua kém của xã hội ta so với phương Tây. Phan Châu Trinh đã đưa ra một đường lối mới để tìm lối thoát cứu nước...”.
Trong thời gian làm quan ở Huế, Phan Châu Trinh được tiếp xúc với sách vở của những tư tưởng canh tân đất nước như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch và đặc biệt là tác phẩm “Thiên hạ đại thế luận” của Nguyễn Lộ Trạch. Cùng với đó, là những sách mới (tân thư) của các nhà văn hóa và tư tưởng của Cách mạng Pháp và một số tác phẩm của các nhà tư tưởng tiến bộ của Trung Hoa như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Sau khi phát hiện được các kho báu về tri thức đó, ông đã đưa ngay hai bạn tâm giao là Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp để cùng đọc, trao đổi bàn bạc, đi đến xác định đường lối duy tân, phương pháp hành động. (Lê Thị Kinh: Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới, NXB Đà Nẵng, 2021).
Để chuyên tâm vào sự nghiệp cứu nước, năm 1905, Phan Châu Trinh quyết định từ quan, đồng thời cùng với những người bạn là Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng vào Nam xem xét dân tình, tìm bạn cùng chí hướng. Khi đi ngang qua trường thi Bình Định - nơi có trường thi Hương dành cho các thí sinh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, cả ba cải trang và mạo danh tham gia khảo hạch. Cụ Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm bài phú Lương ngọc danh sơn, Phan Châu Trinh làm bài thơ Chí thần thông thánh ký tên là Đào Mộng Giác, chống đối lối học khoa cử, phê phán chính quyền đương thời đồng thời cổ động tân học cùng chủ trương duy tân của mình.
Sau đó, các ông tiếp tục du hành vào Nam. Ở những nơi đã đi qua, "bộ ba" đều hô hào duy tân cải cách, mở trường học, lập hội buôn, công ty...
Mục tiêu của nhóm Duy Tân là giáo dục và kinh tế. Về giáo dục thì lập ngay thư xã để cổ động và giảng học. Theo đó, trường Dục Thanh được thành lập tại từ đường "Ngọa du sào" của Nguyễn Thông ở Phan Thiết, đồng thời hình thành Công ty Liên Thành.
Theo bút ký của Trần Lệ Chất chữ Liên Thành được hiểu là thành hoa sen, nguyên là tên lịch sử của tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lỵ Bình Thuận xưa ở quận Hòa Đa, có một hồ sen nay còn di tích và miếu thờ Đức Khổng Tử tại làng Xuân Hội, phía trên chợ Lầu, quận Hòa Đa. Lấy hai chữ Liên Thành để mệnh danh cho công ty là có ý "hoài niệm tôn cổ" vậy... (Lê Thị Kinh: Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Nxb Đà Nẵng, 2021, tập 1, tr.58)
Sau cuộc Nam du, Phan Châu Trinh ra Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội để gặp gỡ, hội ý với các sĩ phu tiến bộ, ghé thăm chiến khu Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, rồi thẳng đường sang Trung Quốc để gặp Phan Bội Châu, qua Nhật Bản để tham quan, nghiên cứu chính sách duy tân tự cường của Nhật.
Sau khi từ Nhật Bản về, ông cùng các thân sĩ miền Bắc chính thức lập trường Đông kinh nghĩa thục ở Hà Nội. Đặc biệt, với phương châm "tự lực khai hóa" và tư tưởng dân quyền, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp Quảng Nam và các tỉnh lân cận để thực hiện cuộc vận động duy tân với khẩu hiệu là "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Trước tình hình đó, Toàn quyền Đông Dương phải tìm mọi cách đối phó với Phan Châu Trinh. Vì vậy, mỗi bước chân của ông đều bị mật thám theo dõi sát sao. Năm 1908, khi phong trào chống thuế ở Trung kỳ nổ ra, Phan Châu Trinh bị bắt ở Hà Nội rồi giải về Huế. Tòa Khâm sứ Huế và triều đình khép ông vào tội chết, nhưng cuối cùng đày ông ra Côn Lôn. Lúc này, Phan Châu Trinh có đọc bài thơ: "Xiềng gông cà kệ biệt đô môn/ Khẳng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn/ Đất nước đắm chìm nòi giống mỏn/ Thân trai nào sợ cái Côn Lôn" (Huỳnh Thúc Kháng dịch).
Tháng 8.1910, Phan Châu Trinh được trả tự do, nhưng vẫn bị quản thúc ở Mỹ Tho, tình cảnh không khác gì ngoài Côn Lôn. Ông bèn yêu cầu Chính phủ Pháp được trở lại đảo hoặc sang Pháp. Trước yêu cầu của Phan Châu Trinh, đồng thời cũng muốn cách ly ông với cách mạng trong nước, thực dân Pháp bèn đồng ý cho ông sang Pháp.
Tại Pháp, Phan Châu Trinh tiếp tục đấu tranh, tố cáo chính sách bóc lột của thực dân Pháp ở Đông dương. Năm 1914, ông bị bắt giam vào ngục La Santé rồi được thả tự do vào tháng 7.1915. Ông có mối liên hệ đặc biệt với nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1917-1923 và rất kỳ vọng vào con đường cứu nước mà Nguyễn Ái Quốc theo đuổi.
Có thể thấy rằng, tuy ở nước ngoài nhưng Phan Châu Trinh luôn một lòng hướng về Tổ quốc và tìm mọi cách để được về nước hoạt động, nhưng thực dân Pháp và chính quyền trong nước lúc bấy giờ luôn tìm mọi cách để ngăn cản. Đến năm 1925, nhận thấy sức khỏe của Phan Châu Trinh đã yếu, nhà cầm quyền Pháp mới cho phép ông được trở về quê hương.
Tuy bệnh tình rất nặng, ông vẫn cố gắng tham gia diễn thuyết và rồi đến ngày 24.3.1926, Phan Châu Trinh đã trút hơi thở cuối cùng tại Sài Gòn (nay là TP.Hồ Chí Minh) trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân cả nước.
Ngày 11 tháng 2 năm Bính Dần, 9 giờ rưỡi tối, tiên sinh mất tại Sài Gòn, sống được 55 tuổi. Đồng bào cả nước ba kỳ cất lễ tang chung ngày 22 tháng 2, an táng tại nghĩa địa Gò Công, làng Tân Sơn Nhứt, hạt Gia Định.
Chứng kiến đám tang vĩ đại được tổ chức trang trọng, trật tự, ngoại kiều ở Sài Gòn còn bảo nhau “Dân tộc Việt Nam đã tỉnh giấc, tỉnh giấc thật rồi!”.
Tang lễ Phan Châu Trinh có thể gọi là một "big bang" (vụ nổ lớn đã tạo ra vũ trụ) của tinh thần yêu nước Việt Nam, một sự thức tỉnh mạnh mẽ có tác động rất rộng, rất sâu trong nhân dân (lời của học giả Hoàng Xuân Hãn).
Theo Nguyễn Kim Đính trong tác phẩm Gương chí sĩ Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên (NXBb Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2016): "Khi Phan Châu Trinh tạ thế, các nhà trí thức trong Nam lập ngay một bàn Hội đồng trị sự để lo đám táng cho ông, linh cữu để tại nhà số 54 đường Pellerin (nay là đường Pasteur), từ ngày 24 Mars tới ngày 4 Avril, nghĩa là từ ngày ông mất tới ngày cất đám ông, trước nhà lúc nào cũng đông nghịt những người đến lạy và chịu tang. Lớn, bé, già, trẻ, sang, hèn, giàu, nghèo, không thiếu một hạng người nào, người Trung Bắc vô cũng nhiều, người lục tỉnh lên đã lắm, mấy người khách trú có cảm tình với ông cũng đến điếu tế, những bài ai điếu đọc suốt ngày không dứt, những người phủ phục trước hương án không lúc nào ngơi. Cái tình thương của dân tộc Việt Nam đối với ông tưởng cũng xứng đáng với cái tấm lòng của ông thương dân tộc Việt Nam vậy".
Có thể khẳng định rằng, đám tang và phong trào đình công, bãi khóa, để tang Phan Châu Trinh, nhà chí sĩ cách mạng một đời “vị quốc vong thân” lúc bấy giờ là một sự kiện lịch sử, dấy lên làn sóng yêu nước và tranh đấu chấn động trong cả ba miền khiến thực dân Pháp phải run sợ; một đám tang lớn chưa từng có ở Sài Gòn, đám tang thể hiện sự giác ngộ của quần chúng, đám tang là tấm lòng của đồng bào đối với nhà ái quốc suốt đời chỉ nghĩ đến dân.
Mấy chục bức ảnh do Khánh Ký tự tay chụp đã lưu lại những nét mặt cương nghị đầy cảm xúc của bà con đi trong hàng ngũ trong đám tang sau cả rừng trướng liễn ghi lời phúng viếng và nêu rõ tên đơn vị của mình trên biểu ngữ. Báo cáo mật thám đưa con số 10 nghìn người, có bài báo đưa con số 100 nghìn người, có bài ước tính khoảng 40 nghìn, tả dòng người như một con suối chảy dài trên 2 cây số.
Có một bài báo không thấy tên tác giả đã ghi lại, linh cữu Phan Châu Trinh đi theo con đường dài đưa ông đến mảnh đất mẹ, nơi ông sẽ yên giấc ngàn thu, giữa bầu trời chói chang của tháng tư với mùa xuân nhiệt đới đang nở rộ… Tất cả các cây cối, mấy hôm trước còn phủ đầy bụi xám, nay đã có lá xanh mới. Hàng cây me đung đưa các cành lá non trong nắng sớm. Hồn của Phan Châu Trinh đã cất cánh lên trong lúc xuân đang về trên đất nước.
Trong bài cổ động của Đông Pháp thời báo có ghi: “Ông Phan Châu Trinh chết rồi! Nước Nam mất một người chí sĩ rồi! Cái nỗi thương tiếc cái tình đau đớn của dân tộc Việt Nam đối với một người chí sĩ, cũng như trong vườn có một nhành hoa, ai chẳng nâng niu quý hóa, vậy mà bỗng chốc nhành hoa ấy úa héo đi, thì ai chẳng buồn rầu thương tiếc…”.
Hôm nay khi tìm đọc, nghiên cứu những trang viết về đám tang của Tiên sinh chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động lẫn tự hào. “Đúng 6 giờ khởi hành, cứ như lời yết thị mà bàn Hội đồng trị sự đã sắp đặt trước, thì mỗi hàng 4 người, đi về mé tay mặt, không được hút thuốc và nói chuyện, và khi đi đến những chỗ ngã ba ngã tư đường gặp xe ngựa thì phải dừng lại rồi mới đi qua, đối với một đám đông sáu bảy chục ngàn người như đám tang cụ phan đây, ai cũng tưởng rằng khó lòng giữ cho có trật tự được, vậy mà không thế, ai đã đến dự đám tang đây, thì ai cũng đã biết bổn phận mình, nên không cần phải biện Tây dẹp đường hay là mã tà xô đuổi, mà đội nào hàng nấy, đi đứng rất nghiêm trang tới lui có trật tự, bốn bề im lặng, chia chung một mối cảm tình…”.
Có rất nhiều bài điếu văn, câu đối chữ Hán, câu đối Nôm, nhiều chữ đại tự tại đám tang cụ Phan Châu Trinh và lễ truy điệu cụ cũng được tổ chức long trọng ở cả Bắc kỳ - Trung kỳ - Nam kỳ; trong đó cụ Huỳnh Thúc Kháng - một trong bộ ba Duy Tân đã tỏ lời ai điếu: “…Vẫn biết kiếp người dường khách tạm, sanh tử là lẽ thường. Tiên sanh chính là người đạt giá, chẳng bao giờ lấy làm quan tâm, nhưng mà trong lúc hiện thời nầy xã hội Việt Nam đặng một người ái quốc nhiệt thành như Tiên sanh, tài học lịch duyệt như Tiên sanh, nghị lực như Tiên sanh, khí tiết như Tiên sanh chắc là ít có. Vậy thì cái sống cái chết của Tiên sanh chẳng là có quan hệ cho dân tộc ta lắm ru?... Ôi! Một người như Tiên sanh mà chí chưa thành tựu mà đã vội vàng già rồi, vội vàng chết rồi, đáng kính mến thay, đáng thương tiếc thay!...Thôi đất vàng một nắm, giấc mộng ngàn thu, sự nghiệp anh hùng, ngày nay hết cuộc, chúng tôi chỉ mong mai sau nầy những người kế chí Tiên sanh, làm cho vẻ vang dân tộc Việt Nam ta, thì linh hồn Tiên sanh sẽ được yên ổn ngậm cười nơi chín suối vậy”.
Phó bảng Nguyễn Sinh Huy - Nghệ An, bạn đồng khoa Cụ Phan Châu Trinh có câu đối: “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức/ Nam phương tịnh độ hậu siêu sinh”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trong bài tổng kết Tọa đàm nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Nhà Chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh nhận định: “…con đường cứu nước của cụ tuy dở dang nhưng là nền tảng cho sự thành công của sự nghiệp cách mạng của dân tộc". Cuộc đời và sự nghiệp của cụ, tư tưởng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, tấm lòng trung dân ái quốc của cụ đã “để lại lòng son với sử xanh”, mãi mãi sáng chói cho hôm nay và cả mai sau.
Năm nay, tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9.9.1872 - 9.9.2022), chúng ta cùng nhớ về Người với tất cả tấm lòng tôn kính và cùng nhắc nhau rằng, tư tưởng canh tân mà Phan Châu Trinh khởi xướng vẫn còn nguyên giá trị trong xu thế của thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân xứ Quảng phải ý thức sâu sắc rằng, để phát triển Quảng Nam giàu đẹp, văn minh mỗi chúng ta phải chung sức, chung lòng, tiếp tục khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh bằng những chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, không hô hào chung chung, không làm hình thức chiếu lệ, không đánh trống bỏ dùi... hay chỉ dừng lại ở việc tổ chức hội thảo...
Phải xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh; thực sự phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ trong Đảng, trong nhân dân, trong từng cơ quan, đơn vị; cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu phải thực sự nêu gương, thực sự vì nước, vì dân, "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh"; phải thực sự "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".
Tiếp tục phát huy truyền thống của vùng đất học như tinh thần của Phan Tây Hồ tiên sinh là "chi bằng học"; chăm lo, đầu tư xứng đáng và có hiệu quả cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, văn hóa, khoa học công nghệ; có nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là nhân dân ta ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.