Phan Thanh Thủ - sáng ngời phẩm chất kiên trung

HOÀNG LIÊN 07/05/2023 09:52

Phan Thanh Thủ (SN 1921, còn gọi là Phan Văn Phòng, bí danh: Đỗ, Phan Phòng), quê Đại Hồng, Đại Lộc là một người cộng sản tài ba, kiên trung.  Ông đã giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Đại Lộc nhiều thời kỳ, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Địa đạo Phú An - Phú Xuân nơi vùng B Đại Lộc. Ảnh: H.L
Địa đạo Phú An - Phú Xuân nơi vùng B Đại Lộc. Ảnh: H.L

Sinh trưởng tại làng Ngọc Kinh, xã Đại Hồng, Phan Thanh Thủ đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng tham gia giành chính quyền tại địa phương vào năm 1945 và thoát ly theo cách mạng, về sau được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ xã Đại Hồng. Cuộc đời ông có hơn 50 năm hoạt động cách mạng với những dấu ấn nổi bật.

Người cộng sản kiên trung

Theo nguồn sử liệu, năm 1954, trong bước đường hoạt động, Phan Thanh Thủ bị địch bắt và bị dẫn đi thủ tiêu cùng các đồng chí: Ngô Lưu, Phan Thanh Long, Nguyễn Đức Tám, Trần Xưởng.

Bọn địch lợi dụng đêm khuya để dẫn các đồng chí đi xử bắn vì sợ quần chúng phát giác hành vi hèn hạ của chúng. Phan Thanh Thủ bị bắn trúng vào bả vai, ngã xuống; Nguyễn Đức Tám và Phan Thanh Long hy sinh, còn Trần Xưởng và Ngô Lưu bị bắn trượt nên chạy thoát.

Phan Thanh Thủ phần bị trói, phần bị trọng thương, máu tuôn xối xả, nhưng đứng trước lằn ranh sự sống và cái chết, bản chất kiên cường của người chiến sĩ cách mạng trỗi dậy mạnh mẽ. Ông đã cà dây trói vào đá, tự cởi trói rồi bò dọc lòng khe ra đến bờ sông Vu Gia, được nhân dân phát hiện, cưu mang. Về sau ông được tổ chức đồng ý cho ra miền Bắc... 

Năm 1959, Phan Thanh Thủ trở về hoạt động tại huyện Đại Lộc. Tháng 1/1965, ông giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy, rồi được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Đại Lộc. Năm 1968, ông được điều động về tỉnh giữ các nhiệm vụ quan trọng. Năm 1971, ông tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Đại Lộc.

Tháng 8/1974, Phan Thanh Thủ tham gia chỉ đạo và trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch giải phóng Thượng Đức. Sau đó, ông tiếp tục được điều động về tỉnh phụ trách Ban Dân vận, Trưởng ty Lương thực Đặc khu ủy Quảng - Đà. Đến tháng 9/1975, ông được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Đại Lộc và đến 8/1982, ông nghỉ hưu theo chế độ. Năm 1996, ông qua đời do bạo bệnh.

Không chỉ là một vị lãnh đạo tài ba, Phan Thanh Thủ còn một anh hùng trong kháng chiến khi được giao nhiệm vụ chỉ huy việc xây dựng Địa đạo Phú An - Phú Xuân (xã Lộc Quý, nay là xã Đại Thắng) - “thành đồng” của cách mạng. Địa đạo được xây dựng và hoàn thành trong những ngày khốc liệt. 

Tháng 3/1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ. Lúc này, tại Đại Lộc, quân ngụy ráo riết củng cố xây dựng đồn bốt, ra sức càn quét, đánh phá lấn chiếm vùng giải phóng, “xúc tát” dân vào khu dồn, hòng chia cách quân và dân ta.

Huyện ủy Đại Lộc lúc đó do Phan Thanh Thủ chỉ đạo lực lượng cách mạng gấp rút chuẩn bị cơ sở, phương tiện để bộ đội, du kích bám trụ chiến đấu bảo vệ xóm làng. Địa đạo Phú An - Phú Xuân thuộc xã Lộc Quý đã hoàn thành vào năm 1967.

Địa đạo từng là nơi đứng chân của Huyện ủy Đại Lộc, Đặc khu ủy Quảng Đà, Mặt trận 44 suốt 7 năm (1965 - 1972). Địa đạo từng là nơi trú chân an toàn của nhiều đồng chí lãnh đạo Khu V như: Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy; Chu Huy Mân - Phó bí thư, Tư lệnh quân khu... cùng nhiều vị lãnh đạo, tướng lĩnh tại chiến trường Quảng Đà. Trong đó có đồng chí Phạm Đức Nam - Chủ tịch UBND cách mạng, Chủ tịch Hội đồng tiền phương tỉnh Quảng Đà lúc bấy giờ...

Trong chiến dịch Thượng Đức, dưới sự chỉ đạo của Quân khu V, đồng chí Phan Thanh Thủ cùng đồng chí Trần Hùng Vĩ - Huyện đội trưởng cử nhiều cán bộ, đảng viên, du kích huyện làm nhiệm vụ trinh sát dẫn đường cho bộ đội; trực tiếp chỉ đạo Chi bộ xã Đại Lãnh vẽ sơ đồ Thượng Đức.

Hàng ngàn dân công của các xã dưới sự chỉ đạo của ông đã vận chuyển 13.000kg hàng hóa, vũ khí phục vụ chiến trường, góp phần cùng với bộ đội giải phóng hoàn toàn Thượng Đức, mở ra cục diện mới trên chiến trường Quảng Nam và là một trong những cơ sở để Bộ Chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm giải phóng miền Nam (1975 - 1976)...

Huyền thoại cho đất

Trên đất Đại Thạnh, nơi từng là địa bàn hoạt động của đồng chí Phan Thanh Thủ và cán bộ cách mạng của tỉnh, huyện nay vẫn còn dấu ấn đậm nét về ông. Địa danh “dốc Ông Thủ”, con dốc cheo leo hiểm trở của thôn An Bằng, xã Đại Thạnh (Đại Lộc) ra đời từ đó.

Để đến dốc ông Thủ, phải đi bộ đường rừng 4 giờ đồng hồ. Dốc Ông Thủ liên kết với nhiều địa điểm như: Trại an dưỡng A3 của tỉnh Quảng Đà, Khe Hoa, Dốc Nghé, qua D2 vùng giáp ranh với Thạnh Mỹ, Kho lương thực ở dốc Đất Sét thôn An Bằng, có Bệnh viện B2 Đại Lộc, Bệnh viện Y10, Bệnh viện 76, Bệnh viện Trung đoàn 78...

Cựu binh Phan Thanh Dũng (sống tại xã Đại Thạnh) vào những năm 1964 - 1969, là du kích xã, về sau làm công tác giao liên nên thông thuộc vùng hoạt động của cách mạng và vùng căn cứ kháng chiến ở đây.

“Năm 1972, tôi bị thương, nên phải về nằm tại Trại an dưỡng thương binh Quảng Đà (A3) ngày trước, nằm trên dốc Ông Thủ một chút. Sở dĩ người ta đặt tên con dốc này như vậy bởi đồng chí Phan Thanh Thủ đã có quá trình hoạt động và có nhiều dấu ấn ở đây” - ông Dũng kể.

Ông Nguyễn Quốc Mên - nguyên Trưởng Công an huyện Đại Lộc từng nhắc về đồng chí Phan Thanh Thủ: “Đường dây giao liên của huyện từ Dốc Kiền (Đông Giang) đến Đại Hồng (Đại Lộc), Nam Giang là con đường được anh Thủ và anh Trương Đinh (nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc) dày công xây dựng trong thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất, đó là con đường tương đối an toàn nhất. Tất cả thanh niên giác ngộ đều được điều về cánh bắc của huyện để thành lập Đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên của huyện Đại Lộc. Anh Thủ vẫn một mình một núi gây dựng cơ sở”.

Năm 1962, khi lực lượng đủ mạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng quyết định xuống vùng B Đại Lộc, làm hậu cứ cho các trận đánh sau này. Cũng thời kỳ này, Phan Thanh Thủ được giao trọng trách chỉ huy xây dựng Địa đạo Phú An - Phú Xuân - một biểu tượng của “Thành đồng Tổ quốc”...

Đồng chí Phan Thanh Thủ giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy nhiều lần, cả trong thời kỳ đấu tranh cách mạng cho tới thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý. Với những chiến công và phẩm chất sáng ngời của một người cộng sản, đồng chí Phan Thanh Thủ đã để lại dấu ấn đậm nét với đất và người Đại Lộc. Tên tuổi ông khắc ghi huyền thoại cho đất...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phan Thanh Thủ - sáng ngời phẩm chất kiên trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO