Phan Trân - một nhà Nho ưu thời mẫn thế

LÊ THÍ 14/06/2020 07:00

Sự xung đột cũ - mới xảy ra trong các gia đình làm cho nhiều người phải “ưu thời mẫn thế” đã từng xảy ra ở nước ta vào những năm đầu thế kỷ 20. Gia đình cụ Phó bảng Phan Trân ở làng Bảo An, Điện Bàn là một điển hình!

Mộ Phan Trân trong khu mộ tiền hiền tộc Phan tại Duy Châu.
Mộ Phan Trân trong khu mộ tiền hiền tộc Phan tại Duy Châu.

Phó bảng Phan Trân

Phan Trân sinh năm 1862 tại làng Bảo An, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn (nay là thôn Bảo An, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn). Ông là con trai thứ 8 của cụ Phan Khắc Nhu và bà Huỳnh Thị Nhuận. Cụ Phan Khắc Nhu còn gọi là Phan Nhu, Phan Trinh, đỗ Cử nhân khoa 1847, từng làm Án sát Nam Định, sau bỏ về.

Từ nhỏ Phan Trân đã tỏ ra là một học sinh xuất sắc, được nhiều người quý mến. Năm 17 tuổi, ông lọt “mắt xanh” cụ Hoàng Diệu. Cụ đưa Phan Trân ra Hà Nội học và hứa gả con gái cưng là Hoàng Thị Lệ cho.

Tại Hà Nội, Phan Trân học với Cử nhân Ngô Văn Dạng, thường được gọi là Cử Kim Cổ (quê cụ Dạng ở làng Kim Cổ). Tại đây ông có một bạn đồng môn là Vũ Hán Bích. Ông Bích là bác ruột của nhà văn Vũ Ngọc Phan, vì vậy sau này Vũ Ngọc Phan cưới nữ sĩ Hằng Phương là cháu ngoại của Phan Trân (Hằng Phương là con của nhà văn Sở Cuồng Lê Dư và Phan Thị Diệm, con gái Phan Trân).

Phan Trân đỗ Á khoa Cử nhân khoa Mậu Tý, 1888 tại trường thi Thừa Thiên. Phan Thị Miều (con gái Phan Khôi, cháu nội Phan Trân) trong tác phẩm Những nhân vật lịch sử Điện Bàn giai đoạn trước 1945 (UBND huyện Điện Bàn xuất bản năm 2012) cho biết, trong khoa này văn bài của ông đạt điểm cao nhất nhưng ông không được lấy đỗ thủ khoa mà chỉ đỗ bình thường vì ông học ở Hà Nội nên Quảng Nam và kinh sư  ít người biết tiếng.

Khoa Ất Mùi 1893, ông đỗ Phó bảng.

Sau khi thi đỗ được bổ làm quan nhưng ông từ chối vì không muốn “vào luồn ra cúi” chốn quan trường thời ấy. Triều đình ép mãi ông đều từ chối lấy cớ gia đình đơn chiếc, vợ vừa mới mất. Cuối cùng không thể từ chối, vì cha bỏ việc, cha vợ tử tiết, năm 1896 ông phải nhận chức Tri phủ Diên Khánh, Khánh Hòa. Được hai năm ông làm đơn xin cáo quan về trí sĩ ở quê nhà khi mới 36 tuổi.

Tác giả Phan Thị Miều trong tác phẩm vừa dẫn có kể hai giai thoại liên quan đến việc từ quan của Phan Trân. Một lần Công sứ Pháp tổ chức bữa tiệc ở Nha Trang có mời các quan phủ huyện. Đang giữa tiệc, một số Tây, đầm kéo nhau ra khiêu vũ, từng cặp từng cặp dìu nhau nhảy nhót. Lại có một cô Tây trẻ ẳm một con chó lông xù vào lòng mà vuốt ve, hôn hít. Phan Trân cho là chướng mắt, thiếu lễ giáo, không tôn trọng thuần phong mỹ tục. Lần khác, nhân có việc cần gặp Công sứ Khánh Hòa ông ăn mặc chỉnh tề áo the, giày hạ vào dinh Công sứ. Tên lính gác dù biết ông là Tri phủ Diên Khánh vẫn bắt phải cởi giày để ở ngoài mới cho vào. Ông cho đó là bị làm nhục, người Tây coi quan lại Việt Nam như tôi tớ.

Phan Trân cho cách đối xử của người Pháp đối với một ông quan như vậy là điều sỉ nhục không chỉ đối với cá nhân họ mà còn với cả dân tộc Việt Nam. Ông phản ứng bằng một hành động tiêu cực là… từ quan!

Nhận xét về Phan Trân, Phan Thị Mỹ Khanh viết: “Ông tôi là một nhà Nho yêu nước, thương nòi, ghét Tây, không muốn hợp tác với họ, không muốn luồn cúi. Nhưng ông lại nhát gan, thiếu lòng dũng cảm, không dám giao tiếp với những người có tư tưởng cách mạng, mặc dù ông cũng đóng góp vào “Hiệp thương” là một  tổ chức do các hưu quan tiến bộ bí mật thành lập để giúp đỡ các nhà văn thân Quảng Nam hoạt động lúc bấy giờ” (Nhớ cha tôi Phan Khôi, Nxb Đà Nẵng, 2001, trang 18, 19).

Phan Trân mất ngày 12 tháng 4 năm Ất Hợi (1937), thọ 73 tuổi. Mộ ông hiện nay ở thôn Tân Phong, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên.

Phụ tử phân học thuật

Phan Trân thuộc loại nhà Nho bảo thủ, đối với ông Nho học là khuôn vàng thước ngọc, là cốt tủy của đạo lý dân tộc. Còn người con trai duy nhất của ông là nhà báo Phan Khôi lại là nhà Nho tiến bộ do chịu ảnh hưởng của phong trào Duy tân. Phan Khôi là nhà Nho chính thống lại viết bài đả phá đạo Nho cho đó là một đạo bảo thủ, phản tiến hóa. “Phan Khôi là nhà Nho đã phụ bạc một cách tàn bạo Nho học để đi theo Tây học” (nhận xét của Lưu Trọng Lư - dẫn trong Nhớ cha tôi Phan Khôi). Vì vậy giữa hai cha con ông có nhiều bất đồng về quan điểm. Học giả Nguyễn Văn Xuân cho biết: “Giữa ông Phan Trân và Phan Khôi, các cụ vẫn còn kể những vụ cãi nhau rất kinh động. Rốt cuộc cha thường vác roi rượt con chạy tơi bời. Điều này dễ hiểu bởi ông Phó bảng Phan Trân bênh vực cổ nhân như các bậc đại khoa thời ấy; ông Phan Khôi chống lại vì ông đọc Tân thư, tin ở dân quyền. Mà tính ông đã cãi thì cãi đã, quên hết người đối thoại, kể cả cha mình” (Phong trào Duy tân, Nxb Đà Nẵng, 1996, trang 73)

Chuyện kể, vào cuối đời Phan Trân “lo buồn trong lòng không lúc nào yên, ưu tư mãi về nhiều mối nguy cơ sẽ phát sinh, nào là kỷ cương xã hội bị đảo lộn, nào là tôn ti trật tự ngàn xưa sẽ bị xoá bỏ. Cụ rất bi quan trước sự đổi thay đang xảy ra ngay trong gia đình mình” (Phan Thị Mỹ Khanh, sđd, trang 49, 50).

Nghĩ đến ngày cuối đời trong tâm trạng đó ông đã làm câu đối, dặn con cháu khi nào ông mất thì treo lên trước linh cữu và bàn thờ. Câu đối như sau:

Thậm hỷ ngô đức suy, phụ tử gia đình phân học thuật.
Thương tai thời cuộc biến, tôn tầng xã hội thục cương duy.

Dịch:

Ngán nỗi đức ta suy, tình cảnh cha con học thuật chia đôi vậy.
Thương thay thời cuộc biến, nhân quyền xã hội cầm nắm biết ai đây!

Phan Khôi là người con chí hiếu nhưng mãi đeo đuổi sự nghiệp văn chương, sự nghiệp Duy tân không có điều kiện và cũng khó mà giải tỏa được mối mâu thuẫn về tư tưởng, học thuật với người cha vốn nặng lòng với Nho học, làm cho cha phải lo buồn đến nỗi khi sắp vĩnh biệt cõi đời lòng cũng không được thanh thản. Vì vậy nên khi đọc câu đối của cha, ông luôn bị nỗi khổ tâm dằn vặt. Chuyện kể, khi viết câu đối để thờ cha, Phan Khôi đã nhiều lần cầm bút lên rồi đặt bút xuống, nước mắt ướt cả áo tang. Viết xong ông đã ngất đi, sau đó bị hiện tượng lãng trí, cả ngày nói lảm nhảm, phải điều trị cả tháng trời mới bình phục. Câu đối của Phan Khôi đã nói hết nỗi lòng của ông:

Từ quan vị tứ thập, nghi nhàn cảnh bất nhàn, ưu hoạn tầng niên duyên nữ tử.
Phụ tội ức tam thiên, dục hiếu do vô hiếu, bi toan hà xứ tố cao thiên.

Dịch:

Từ quan tuổi chửa bốn mươi, đáng nhàn mà chẳng được nhàn, lo lắng mãi vì con cái cả.
Mang tội nặng quá ba ngàn, muốn hiếu nhưng chưa tròn hiếu, đau thương kêu với đất trời hay.

Chuyện hai cha con Phan Trân, không biết ai đáng thương hơn ai nhưng đã từng có một giai đoạn lịch sử như vậy!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phan Trân - một nhà Nho ưu thời mẫn thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO