Ngay sau khi Liên minh cầm quyền Nhật Bản nhất trí thông qua quyền phòng vệ tập thể, mở đường cho phép Nhật Bản chủ động phát động tấn công để bảo vệ các nước đồng minh, nhiều nước đã có phản ứng về sự kiện này.
Phát biểu trước báo giới tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho rằng: “Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng sẽ bảo vệ sinh mạng và sự tồn tại hòa bình của nhân dân Nhật Bản. Trên cương vị thủ tướng, tôi mang trọng trách lớn lao này. Với quyết tâm trên, nội các đã thông qua chính sách nền tảng đối với an ninh quốc gia. Có một sự hiểu lầm rằng Nhật Bản sẽ can dự vào các cuộc chiến để bảo vệ một quốc gia khác, nhưng điều này là không chấp nhận được. Nó chỉ là một biện pháp phòng vệ để bảo vệ người dân. Chúng tôi sẽ không sử dụng vũ lực để bảo vệ lực lượng nước ngoài. Sẽ không có thay đổi gì trong nguyên tắc của chúng tôi về việc không cho phép triển khai lực lượng ở nước ngoài, đồng thời giúp ổn định an ninh khu vực châu Á”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ủng hộ quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản. |
Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc là những nước đầu tiên có phản ứng về bước ngoặt lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản. Chính phủ Mỹ lên tiếng hoan nghênh và ủng hộ nỗ lực theo đuổi quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản, đồng minh lớn nhất của Washington tại châu Á. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói, chính sách an ninh mới cho phép Nhật Bản tham gia tác chiến ở phạm vi rộng lớn hơn, theo đó Tokyo sẽ có quyền đáp trả quân sự trong trường hợp quốc gia có mối quan hệ mật thiết với nước này bị tấn công, đe dọa an ninh quốc phòng của Nhật. Hơn nữa, “quyền tự vệ tập thể” của Nhật giúp cho liên minh Mỹ - Nhật hiệu quả hơn.
Chính phủ Hàn Quốc tỏ ra thận trọng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kwang-il hối thúc Nhật Bản đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực theo khuôn khổ của liên minh Mỹ - Nhật, trong khi vẫn giữ được tinh thần của hiến pháp hòa bình đã được duy trì trong suốt 60 năm qua. Đồng thời Hàn Quốc cũng cảnh báo sẽ không chấp nhận việc Nhật Bản triển khai quyền phòng vệ tập thể gây ảnh hưởng tới tình trạng an ninh trên bán đảo Triều Tiên mà không có yêu cầu hoặc thỏa thuận từ trước.
Trong khi đó, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh phản đối việc Tokyo “cố tình ngụy tạo Trung Quốc như một mối đe dọa để phục vụ các mục đích chính trị quốc nội”. Theo ông Hồng Lỗi, Nhật Bản phải tôn trọng các mối quan tâm về an ninh của những nước láng giềng, không xâm phạm chủ quyền quốc gia và an ninh của Trung Quốc, và không phương hại tới hòa bình và ổn định khu vực.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, Hiến pháp chủ hòa 1947 được tu chính theo chiều hướng cho phép quân đội Nhật quyền tự vệ tập thể, thay vì chỉ được nổ súng tự vệ khi bị tấn công, nay quân đội Nhật có thể can thiệp bên ngoài lãnh thổ và có quyền ra tay trước để bảo vệ một đồng minh bị huy hiếp. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc tăng cường vũ trang và công khai tranh giành biển đảo với Nhật và các nước khác trong vùng.
NAM VIỆT