Thời gian dài gần đây, người dân ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) rất bức xúc trước việc phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty TNHH T.Đ.T (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn) xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm kéo dài
Phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của công ty TNHH T.Đ.T thành lập cách đây gần chục năm trên địa bàn thôn Thái Sơn, xã Điện Tiến, tiếp giáp với xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang của TP.Đà Nẵng. Theo phản ảnh của người dân địa phương, dù nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam nhưng thực tế là nhiều năm qua hoạt động xả nước thải (nước mạ kẽm) của phân xưởng này đều xả vào đầu nguồn kênh mương thủy lợi tưới tiêu đồng ruộng từ xã Điện Tiến đổ về thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến. Vào năm 2014, người dân xã Hòa Tiến đã nhiều lần phản ảnh và kiến nghị về việc phân xưởng nhúng nóng mạ kẽm của Công ty TNHH T.Đ.T thỉnh thoảng lén lút xả thải chưa xử lý ra môi trường. Nước thải từ hoạt động sản xuất của phân xưởng này có màu vàng đậm, được đưa vào một hồ chứa tạm chỉ lót bạt ni lon dưới đáy và đắp đất xung quanh. Khi có mưa lớn, bể chứa chất thải tạm bợ này lại tràn ra ngoài và theo con kênh tràn vào khu vực đồng ruộng của thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến.
Bể chứa chất thải được đào tạm bợ của phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng thuộc Công ty TNHH T.Đ.T (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn). |
Trước kia, khu vực Bàu Dơn (tên gọi của lạch nước mà phân xưởng đổ chất thải ra) quanh năm trong vắt, người dân địa phương thường xuyên khai thác cá tự nhiên. Nhưng thời gian gần đây, dòng nước ở khu vực này chuyển sang màu đục ngầu, ở một số thời điểm còn xảy ra hiện tượng cá chết nổi lềnh bềnh. Gần nhất vào tháng 7.2016, gia đình ông Đặng Quang Đằng (thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến) có nuôi đàn vịt đẻ hơn 500 con và chăn thả tại khu vực trên thì có hiện tượng vịt chết hàng loạt mỗi ngày 20 - 30 con không rõ nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y TP.Đà Nẵng cho biết đàn vịt của nhà ông Đằng không hề bị nhiễm cúm gia cầm.
Vùng nước và đồng ruộng của thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến có thông số kẽm vượt ngưỡng cho phép. |
Trước thông tin phản ảnh và bức xúc của người dân, Sở TN-MT TP.Đà Nẵng đã phối hợp với Phòng TN-MT huyện Hòa Vang tiến hành khảo sát, lấy mẫu nước tại khu vực để phân tích chất lượng nước. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, nguồn nước tại kênh dẫn tự nhiên bên cạnh phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty TNHH T.Đ.T có thông số sắt (Fe) và kẽm (Zn) lần lượt vượt 2,3 lần và 2,9 lần ngưỡng cho phép. Mẫu nước lấy tại khu vực đồng ruộng thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến thông số sắt (Fe) cũng vượt 0,4 lần ngưỡng cho phép.
Chưa giải quyết triệt để
Thời gian qua, phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng này đã tiến hành đào thêm một bể chứa mới tương tự ngay bên cạnh bể chứa tạm bợ cũ do quá tải lượng nước xả thải. Ông Lê Đức Loại, Trưởng phòng TN-MT huyện Hòa Vang cho biết: “Cách đây hai năm đơn vị đã nắm bắt được thông tin và phối hợp cùng Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.Đà Nẵng kiểm tra hiện trường. Năm ngoái, vụ việc đã được phản ánh qua điện thoại đến Phòng TN-MT thị xã Điện Bàn, tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm”.
Người dân địa phương càng lo hơn khi mùa mưa đã cận kề, các đợt mưa lớn sẽ dễ gây hư hại bể chứa nước thải tạm bợ này và phân xưởng trên có thể lợi dụng những cơn mưa to để lén lút xả chất thải ra ngoài. Giờ đây, không người dân nào trong khu vực này dám chăn thả vịt ở khu vực đồng ruộng thôn Nam Sơn nữa, ngay cả việc đi làm đồng cũng khiến họ bất an bởi tiếp xúc với môi trường nước bị ô nhiễm. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân xã Hòa Tiến cũng đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này lên các cơ quan có thẩm quyền. Sở TN-MT TP.Đà Nẵng đã hai lần gửi công văn đến UBND thị xã Điện Bàn đề nghị chính quyền thị xã tổ chức kiểm tra, yêu cầu phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng thuộc Công ty TNHH T.Đ.T phải thực hiện xử lý nước thải sản xuất đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường, không để tình trạng này tái diễn.
Theo ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, nhận được thông tin trên, vừa qua ông và một đoàn cán bộ đã bước đầu tiến hành kiểm tra hiện trường và xác nhận quy trình xử lý nước thải của phân xưởng trên không đảm bảo. Hiện tại, UBND thị xã Điện Bàn đã chỉ đạo Phòng TN-MT làm báo cáo gửi Sở TN-MT, đồng thời phúc đáp cho phía Sở TN-MT TP. Đà Nẵng. Cũng theo ông Dũng, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử phạt hành chính, đồng thời buộc phân xưởng trên phải thay đổi công nghệ xử lý nước thải đảm bảo, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
HÀ SẤU