Phập phồng dưới chân Hòn Kẽm

Phóng sự:  HỮU PHÚC 28/04/2014 10:14

Nơi đầu nguồn sông Thu Bồn, bao đời nay đã neo đậu một xóm vạn đò đặc biệt dưới chân Hòn Kẽm (thuộc xã Quế Lâm, Nông Sơn). Sự tách biệt với thế giới bên ngoài đã đẩy người dân nơi đây vào tình cảnh nghèo khó triền miên.

“Làng” trên sông

Chiều, nắng vàng ánh chiếu lung linh trên mặt nước cũng là lúc trong các khoang thuyền neo đậu dưới chân Hòn Kẽm – Đá Dừng tỏa mùi khói bếp. Trên thuyền, người lớn chụm lửa nấu nướng và vá lại tấm lưới chuẩn bị cho một đêm đánh bắt; dưới bãi; lũ trẻ chạy đùa nghịch. Hơn 10 con thuyền neo sát nhau trên bến Thu Bồn (đoạn qua thôn Tứ Nhũ, xã Quế Lâm), lâu nay là nơi “ăn đời ở kiếp” của bao phận người lênh đênh trên sông nước. Nhiều cư dân địa phương không nhớ nổi “làng” lập khi nào, có điều bất kể mưa sa bão táp, họ cũng nương náu trên những ghe. Ông Lê Liên (thôn Thạch Bích, xã Quế Lâm) với hơn 30 năm ăn ở, sinh hoạt, đánh bắt cá trên thuyền cười nói: “Cha mẹ kể lại rằng, tôi chào đời trên ghe trong một đêm trăng thanh khi ông bà đang thả lưới giăng câu. Cái số “ba chìm bảy nổi” đã vận vào người tôi từ nhỏ. Quê cha đất tổ nằm ở bãi Đá Ngang nhưng thực tế thì nơi chôn rau cắt rốn là xóm vạn đò Tứ Nhũ”. Đêm đánh cá, ngày tận dụng lúc rảnh rỗi, vợ chồng ông Liên xuôi thuyền về bến Trung Phước (xã Quế Trung, Nông Sơn) để mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày rồi ngược về neo đậu ở bến sông để bán lẻ lại cho cư dân sở tại. “Nghề sông nước rày đây mai đó mưu sinh, nhưng cái thói quen tìm về bến quê để neo đậu thuyền đã ăn sâu vào máu thịt. Cho nên dù có ngược xuôi khắp các bãi Đá Ngang, Đá Mài, Đá Bàn, Dùi Chiêng, Tí, Sé, Cà Tang… nằm phía thượng nguồn sông, xóm vạn đò tôi cũng quây quần dưới chân Hòn Kẽm” – bà Ba (vợ ông Liên) nói xen vào lời chồng.

Để có cái chữ, học trò ở làng Tứ Nhũ (xã Quế Lâm) phải đi đò vượt sông Thu Bồn.
Để có cái chữ, học trò ở làng Tứ Nhũ (xã Quế Lâm) phải đi đò vượt sông Thu Bồn.

Mỗi gia đình ở xóm vạn đò này thường trang bị hai phương tiện. Một thuyền máy lớn trên thân có gắn mui làm chỗ che mưa che nắng, sinh hoạt, nghỉ ngơi cho gia đình và thuyền nhỏ để đánh bắt và chở con cái lên bờ đi học. Không một tấc đất cắm dùi, vợ chồng ông Huỳnh Trọng và bà Trần Thị Thùy (thôn Thạch Bích, xã Quế Lâm) xem thuyền là ngôi nhà duy nhất của mình. Ông Trọng bảo, dân miền sông nước có cuộc hành trình lập “làng” đặc trưng. Họ chọn đoạn sông ưng ý gần với làng cũ để dừng lại lập vạn đò mưu sinh với nghề chài lưới và thương hồ trên dòng Thu Bồn. Nhiều người được chính quyền sở tại cấp đất làm nhà ở dưới chân núi, nhưng vì có đất ở nhưng lại thiếu diện tích sản xuất nên họ đành bỏ làng viễn xứ trên sông. “Không đất trồng trọt, bao đời dân vạn đò ở dưới Hòn Kẽm lấy ghe làm nhà, dựa những lùm cây nơi chỗ sông khuất gió neo đậu. Dân tôi chỉ thả lưới kiếm sống qua ngày, dành dụm tiền lo con ăn học đến nơi đến chốn là đủ rồi. Lo nhất khi chết đi không có chỗ nằm, phải lén lút chôn ở bìa rừng như những nấm mộ vô danh” – ông Trọng đau đáu. Đang gọt mướp phụ giúp cha mẹ cho bữa cơm chiều, Huỳnh Thị Thanh Thủy (học lớp 9, Trường Tiểu học và THCS Quế Lâm 1) thổ lộ: “Cháu chỉ ước mơ cha mẹ xây nhà lên bờ sinh sống như tụi bạn đồng trang lứa tuổi. Sống trên ghe thuyền thiệt thòi lớn là không có ánh điện, tụi cháu phải tranh thủ học bài ban ngày”. Lâu nay xóm vạn đò dưới Hòn Kẽm chỉ rộn rịp khi mặt trời tắt nắng, bởi thời điểm này lũ trẻ đi học về, người lớn sau một ngày ngược xuôi mưu sinh cũng trở về neo đậu để đón lũ trẻ lên. Những cơn gió thốc cứ làm cho thuyền chồm lên, chao đảo. Chập choạng tối, ánh điện đã bắt đầu tỏa ra từ các ngôi làng nằm dưới núi, còn ở xóm vạn đò trên thượng nguồn sông Thu này chỉ lay lắt những ngọn đèn dầu.

Với em Huỳnh Thị Thanh Thảo, học sinh lớp 9 Trường Tiểu học và THCS Quế Lâm 1 ghe thuyền này cũng là nhà ở.
Với em Huỳnh Thị Thanh Thảo, học sinh lớp 9 Trường Tiểu học và THCS Quế Lâm 1 ghe thuyền này cũng là nhà ở.

 Ông Trần Văn Sang – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Lâm xác nhận, dưới chân Hòn Kẽm – Đá Dừng có một xóm vạn đò hơn 10 hộ dân tồn tại hàng chục năm nay. Họ lấy ghe làm nhà và phần lớn đều rơi vào đối tượng hộ nghèo. Không phải chính quyền không tuyên truyền, vận động người dân lên bờ, nhưng vì họ sống bằng nghề chài lưới, thương hồ dọc sông nên gần như suốt ngày lênh đênh trên nước.

Những tiếng thở dài…

Con đường từ trung tâm xã Quế Lâm về bến đò làng Thạch Bích (xã Quế Lâm) phải mất hơn 30 phút qua một cây cầu, rồi lượn lờ trên những đồi núi lô nhô, băng qua cánh đồng rộng lớn. Núi rừng đang san ủi để mở đường nên nhiều đoạn nham nhở, lưu thông trầy trật. Mất hơn một giờ đồng hồ từ trụ sở UBND xã về nhà nằm ở làng Tứ Nhũ bên kia sông Thu Bồn, nhưng ông Trần Văn Sang – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Lâm vẫn bảo, bây giờ giao thông như thế này tạm ổn rồi, chứ cách đây vài năm, khi đến cơ quan làm việc, cán bộ phải đi lúc 5 giờ sáng, đến 19 giờ tối mới về lại nhà. “Nhiều cán bộ xã hiện vẫn đi làm bằng đò ngang. Trước đây, khi báo chí phản ánh về sự xa xôi, cách trở của vùng đất Quế Lâm, Trung ương, tỉnh đã đầu tư hạ tầng đáng kể, nhưng nhiều nơi vẫn còn biệt lập với thế giới bên ngoài” – ông Sang trăn trở. Năm 1999, cơn đại hồng thủy càn quét bao làng mạc nơi thượng nguồn, khiến con đường cứu trợ cho nhân dân vùng lũ gặp ách tắc. Vì vậy, Báo Thanh niên đã hỗ trợ cho chính quyền địa phương một chiếc ghe đưa đón cán bộ và nhân dân qua lại. Tuy nhiên, phương tiện này giờ không hoạt động do hư hỏng.

Ở xóm vạn đò dưới Hòn Kẽm, người dân trang bị một thuyền lớn làm nơi sinh hoạt, ăn ở và thuyền nhỏ để đánh bắt cá. Ảnh: H.P
Ở xóm vạn đò dưới Hòn Kẽm, người dân trang bị một thuyền lớn làm nơi sinh hoạt, ăn ở và thuyền nhỏ để đánh bắt cá. Ảnh: H.P

Quế Lâm là xã đặc biệt khó khăn của huyện Nông Sơn được hưởng lợi Chương trình 135 của Trung ương, bây giờ tiếp tục được hưởng theo Quyết định 116 của Thủ tướng Chính phủ. Cây cao su đã về tận nơi, nhưng nghịch lý là năm nay tâm lý người dân muốn bỏ nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ cây này vì giá nhân công rẻ. Dân trồng một héc ta cao su tiểu điền, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, nhưng nhiều năm địa phương chỉ phủ xanh vỏn vẹn gần 20ha. Trên con đò nhúc nhích cùng người dân vượt sông trở về nhà, ông Trần Văn Sang chỉ tay về phía ngôi làng lẩn khuất trong núi, rồi thở dài: “Nhà tôi cũng ở kề chân Hòn Kẽm bốn bề là núi, là sông, quanh năm chỉ với vài ba sào ruộng chờ nước trời. Thời gian qua, hộ thoát nghèo trên địa bàn xã đa số rơi vào đối tượng cán bộ, gia đình chính sách, còn người dân thì vẫn còn xa vời. Có nơi hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 81% như thôn Tứ Nhũ”.

Đò ngang cách trở càng nới xa đường đến trường của các em học sinh nơi đây. Hằng năm, mỗi học trò làng Tứ Nhũ bên kia bờ Thu Bồn phải bỏ ra hàng trăm nghìn đồng chi phí tiền đò qua lại sông đi học. Không có trường tại chỗ, toàn bộ học sinh ở thôn Tứ Nhũ phải đi đò đến điểm trường trung tâm của xã để học. Thầy giáo Phan Văn Trung – Hiệu phó Trường Tiểu học và THCS Quế Lâm 1 cho biết, trường có tổng cộng 9 lớp học (5 lớp tiểu học và 4 THCS) chủ yếu học sinh của hai thôn Thạch Bích và Tứ Nhũ. Ngoài dạy chữ, giáo viên còn có trách nhiệm nhắc nhở các cháu không quên mặc áo phao khi qua sông. Vì phần lớn học trò có hoàn cảnh khó khăn và bị cảnh lụy đò nên chất lượng học tập không cao. Năm nay, trường có đến 5 em bậc THCS nghỉ học giữa chừng. Theo thầy Trung, chính quyền và nhà trường đang làm hết sức để tất cả học sinh đều phổ cập THCS. Nhưng thú thật, nhiều hoàn cảnh quá khó khăn, các em phải cùng cha mẹ tất tả mưu sinh nên bất đắc dĩ bỏ học giữa chừng.
Màn đêm buông nhanh. Núi sông Thu Bồn vẫn trầm mặc, xóm vạn đò dưới chân Hòn Kẽm tịch liêu và buồn bã.

Phóng sự:  HỮU PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phập phồng dưới chân Hòn Kẽm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO