Phập phồng giao thông đường thủy nội địa

CÔNG TÚ 26/05/2020 13:25

Chưa tính ghe thô sơ còn bỏ ngỏ kiểm soát, hoạt động của phương tiện đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khác đang khiến ngành chức năng lo lắng bởi tình trạng không tuân thủ quy định về an toàn giao thông (ATGT).

Tổ kiểm tra liên ngành cấp tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm đối với bến đò ngang chở khách. Ảnh: C.T
Tổ kiểm tra liên ngành cấp tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm đối với bến đò ngang chở khách. Ảnh: C.T

Nhiều vi phạm

Muốn khai thác gỗ keo, đánh bắt thủy sản, sản xuất trên mảnh đất, nương rẫy nằm giữa hoặc bên kia các lòng hồ thủy lợi hay thủy điện, người dân hằng ngày sử dụng phương tiện gia dụng để đi lại. Loại phương tiện này không được chủ thể đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT - ông Trương Văn Sơn nêu thêm một thực trạng đáng lo khác liên quan đến vận tải khách du lịch. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện một số hộ dân tại địa bàn xã Tân Hiệp (Hội An) và xã Tam Hải (Núi Thành) sử dụng tàu cá để vận chuyển khách du lịch tham quan quanh đảo Cù Lao Chàm, khu đảo Bàn Than. Đáng nói, hầu hết phương tiện khai thác sai mục đích này đều không có đăng ký, đăng kiểm.

Còn theo Ban ATGT tỉnh, ven bờ các tuyến sông Thu Bồn, Hội An, Cẩm Thanh, Cổ Cò (Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên), sông Bàn Thạch (Tam Kỳ) và sông Trường Giang (Núi Thành), bến tự phát xuất hiện chở khách tham gia các điểm du lịch nhưng chưa được chính quyền sở tại kiểm soát, xử lý đúng thẩm quyền (Báo Quảng Nam đã phản ánh).

Thực thi nhiệm vụ năm 2019, Tổ Kiểm tra liên ngành ĐTNĐ cấp tỉnh phản ánh thực tế nhiều vụ vi phạm liên quan đến hạ tầng giao thông, người điều khiển, phương tiện. Năm nay, người có trách nhiệm tiếp tục cảnh báo để địa phương quan tâm chấn chỉnh, tiến hành hậu kiểm việc khắc phục.

Đơn cử tuyến sông Thu Bồn, đoạn chảy qua xã Quế Trung (Nông Sơn), bến đò ngang Đại Bình - Trung Phước mỗi ngày chở hàng trăm lượt hành khách là học sinh, người dân và cả du khách đi học, buôn bán, lao động và tham quan, vậy nhưng nhiều năm rồi bến bên bờ phải chưa có giấy phép hoạt động.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cấp tỉnh kiến nghị chính quyền sở tại lưu ý kiểm tra phương tiện nào nằm trong “sổ đen” đã tiến hành kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hay chưa mới cho đưa vào sử dụng.

Đối với TP.Hội An cần quan tâm kiểm tra đội ngũ thuyền viên đảm nhiệm chức danh máy trưởng tàu cao tốc chở khách, cấp đăng kiểm SB, sức chở từ 30 người trở lên (tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên) hoạt động tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm liệu đã đáp ứng tiêu chuẩn máy trưởng hạng 1 hay chưa...

Tiếp tục chấn chỉnh     

Sở GTVT cho biết, các tuyến sông Trung ương ủy thác cho địa phương quản lý gồm có: Thu Bồn, Trường Giang, Hội An, Cù Lao Chàm, Vĩnh Điện. Các tuyến sông địa phương là Thu Bồn II, Vu Gia, Yên, Cổ Cò, Duy Vinh, Bà Rén, Tam Kỳ, An Tân, Bàn Thạch, Đò, Cẩm Thanh, ven biển phía tây Cù Lao Chàm, quanh xã đảo Tam Hải.

Địa bàn Quảng Nam có các tuyến sông Trung ương ủy thác cho địa phương quản lý dài 165,2km và các tuyến sông địa phương dài 203,04km.

Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho hay, hệ thống sông nhìn chung đều có độ dốc, thế nên mùa mưa lưu lượng lớn, nước chảy xiết; mùa khô thì cạn, tàu thuyền đi lại khó khăn; luồng ra, vào tuyến sông tại cửa biển thường bồi lấp, dịch chuyển thay đổi trong năm (Cửa Đại - Cù Lao Chàm). Do vậy, giao thông thủy nhằm vận tải hàng hóa, hành khách chủ yếu diễn ra trên tuyến ĐTNĐ quốc gia do Trung ương ủy thác cho địa phương quản lý.

Thống kê cuối năm 2019, toàn tỉnh có 1.136 phương tiện đã được đăng ký chủ yếu của doanh nghiệp và tư nhân; trong đó phương tiện chở người chiếm 740 và chở hàng hóa là 396. Vậy nên, ngoài hoạt động vận chuyển hành khách, ghe thuyền dùng để chở hàng hóa cũng là đối tượng cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Đơn cử, tình trạng ghe vận chuyển cát, sỏi chở quá vạch dấu mớn nước an toàn thường xuyên diễn ra trên một số tuyến sông.

Nhằm tiếp tục chấn chỉnh tồn tại, Ban ATGT tỉnh sẽ triển khai kiểm tra liên ngành ĐTNĐ trong thời gian tới. Theo đó, lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông ĐTNĐ, các văn bản pháp luật có liên quan; vận động chủ phương tiện, chủ bến khách, người tham gia giao thông trang bị, sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh; tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2. Triển khai tổng điều tra phương tiện thủy nội địa trên địa bàn toàn tỉnh và thuyền viên, người lái phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải thủy đến các địa phương theo chương trình của Bộ GTVT.

Tổ liên ngành còn tiến hành kiểm tra việc cấp lại bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện đối với trường hợp báo mất xin cấp lại; nắm số lượng phương tiện gia dụng tự đóng; rà soát các bè nổi hoạt động kinh doanh nhà hàng, sự kiện trên ĐTNĐ nhằm tham mưu công tác quản lý. Cạnh đó, việc rà soát, đánh giá, xác định các vị trí nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn giao thông để tham mưu, đề xuất giải pháp phòng ngừa; đồng thời phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng sẽ được quan tâm tiến hành.

Tuy nhiên, ngoài nỗ lực vào cuộc của ban, ngành chức năng cấp tỉnh, địa phương sở tại cần phải phát huy vai trò đầu tàu quản lý, xử lý hành vi vi phạm ĐTNĐ theo phân cấp. Nếu không, nguy cơ bùng phát tai nạn sẽ lại diễn ra, mà 2 vụ việc thương tâm xảy ra vào 2 buổi chiều ngày 25.2 và ngày 8.5 vừa qua khiến 11 người chết là hệ lụy đau lòng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phập phồng giao thông đường thủy nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO