Quảng Nam là một trong những địa phương được cảnh báo đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng cấp độ cao nên ở khu vực miền núi, công tác phòng chống “giặc lửa” đã triển khai rất cấp bách.
Một vụ dập lửa do cháy rừng. Ảnh: TRẦN HỮU |
Báo động nguy cấp cháy rừng
Từ cuối tháng 4 đến nay, nhiều nơi trong tỉnh nhiệt độ ngoài trời đã lên đến gần 40 độ C. Vào đầu mùa khô, đã xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi. Cuối tháng 4, gần 5ha rừng ở thôn Trung An (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn), giáp ranh với xã Đại Thạnh (Đại Lộc) đã bị cháy. Trước đó, hơn một tuần, “bà hỏa” cũng gây thiệt hại gần 6ha rừng tại thôn Xuân Hòa (xã Phước Ninh, Nông Sơn). Có vụ cháy rừng do sơ ý đốt thực bì làm rẫy của người dân xảy ra ở xã Duy Sơn (Duy Xuyên). Thời tiết hanh khô kéo dài nhiều ngày là nguyên nhân khiến nguy cơ cháy rừng rất cao. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang, nguy cơ cháy rừng luôn lơ lửng, nhất là vào những tháng trọng điểm mùa khô (từ tháng 5 đến tháng 8). Bất cập là các dụng cụ chữa cháy chuyên dụng như máy phun nước, máy thổi gió vẫn chưa được trang bị nên rất khó xử lý nếu cháy lớn xảy ra. Vào mùa khô, các khe suối cạn kiệt, việc tìm kiếm nguồn nước để ứng cứu, dập cháy không đơn giản chút nào.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh đưa ra một số quy định bắt buộc trong mùa nắng hạn như, khi sử dụng lửa để đốt nương làm rẫy, xử lý thực bì trồng rừng, phát quang đường giao thông, các tổ chức, đơn vị, người dân phải thực hiện nghiêm túc phương án PCCCR và phải đăng ký về thời gian, địa điểm với trưởng thôn, lực lượng hợp đồng bảo vệ rừng và PCCCR, kiểm lâm địa bàn... |
Tại rừng phòng hộ Phú Ninh, theo cán bộ kiểm lâm, lo nhất là lá cành cây khô ngổn ngang tầng lớp dày đặc. Một số khu vực xa hơn, cây sau khi bị đốn ngã qua thời gian đã khô mục được người dân đốt lấy than, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Nhiều ngôi làng ở các xã Tam Đại (Phú Ninh), Tam Sơn, Tam Trà (Núi Thành) tồn tại trong khu rừng phòng hộ nên khá phổ biến tình trạng người dân sử dụng lửa tùy tiện, nếu gặp gió mạnh dễ gây phát tán nhanh trong rừng. Trong khi đó, ở các khu rừng đặc dụng, phòng hộ vùng tây, đối tượng khai thác lâm, khoáng sản trái phép đổ về càng nhiều, họ trú ẩn, sinh sống, dùng lửa nấu ăn dài ngày trong rừng cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, diễn biến thời tiết khô hạn năm nay vô cùng phức tạp nên nhiều khu rừng xung yếu rất dễ xảy ra cháy. Các khu vực dễ cháy đã được khoanh vùng. Trước mắt xác định vùng rất xung yếu cháy rừng gồm khu vực rừng ở 73 xã thuộc 9 huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Đại Lộc; các địa bàn còn lại thuộc vùng xung yếu. Đến nay, kiểm lâm đã xây dựng bản đồ trọng điểm cháy rừng cho 14 huyện và 2 ban quản lý rừng.
Cảnh giác, chủ động
Giai đoạn 2003 - 2013, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 81 vụ cháy rừng trên tổng diện tích 350ha, thiệt hại hơn 3 tỷ đồng. Hầu như vào mùa khô năm nào cũng xảy ra cháy rừng, thiệt hại nhiều nhất là rừng trồng của nhân dân. Hiện Ban chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan, các hạt kiểm lâm và chủ rừng thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Lực lượng kiểm lâm cũng báo động các khu vực Cù Lao Chàm (Hội An), Hiệp Đức, Phú Ninh, Tiên Phước, Nông Sơn, Quế Sơn, Núi Thành, Duy Xuyên, Đại Lộc, Nam Giang, Điện Bàn, Thăng Bình nguy cơ cháy rừng đang ở cấp nguy hiểm. Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, đến nay lực lượng kiểm lâm đã tổng kiểm tra, rà soát phương án và các biện pháp triển khai phương án PCCCR ở cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”. “Chúng tôi sẽ đảm bảo chế độ trực ban 24/24 giờ trong ngày, bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm, không để lửa phát sinh. Ngành sẽ tăng cường tần suất tuyên truyền giúp nhân dân có thông tin, chủ động đối phó với “giặc lửa” trong mùa khô hạn này” – ông Tuấn nói.
Ngoài hướng dẫn cho người dân cách phòng chống cháy rừng, thời gian qua, ngành kiểm lâm đã tham mưu cho tỉnh nhiều giải pháp căn cơ PCCCR hiệu quả. Cụ thể nghiêm cấm đốt lửa, sử dụng lửa trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, phân khu phòng hộ rất xung yếu; ở các khu rừng dễ cháy, nơi có thảm thực vật khô vào mùa hanh khô. Cấm sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, hạ cây rừng đốt để lấy than, lấy mật ong, lấy phế liệu; đốt nương rẫy, đốt xử lý thực bì sau khai thác rừng và các hành vi đốt lửa, sử dụng lửa trái phép khác trong rừng và ven rừng; cấm xâm hại các công trình PCCCR... Từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có trách nhiệm, xử lý số liệu từ các trạm quan trắc khí tượng để cập nhật phần mềm cảnh báo cháy rừng và chuyển thông tin cảnh báo nguy cơ cấp cháy rừng (từ cấp IV, cấp V) đến các phương tiện thông tin đại chúng.
TRẦN HỮU