Nhiều năm nay, mỗi khi đến mùa mưa bão, tình trạng sạt lở đất ở huyện Đại Lộc lại đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều hộ dân sống bên bờ các con sông Thu Bồn, Vu Gia. Đã có hàng nghìn khối đất trôi tuột xuống sông trong cái nhìn bất lực của những người dân nơi đây.
Bất an…
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT Đại Lộc, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 11 xã nằm trong diện sạt lở mạnh, tổng chiều dài gần 22km. Những điểm sạt lở này đã gây ảnh hưởng đến khoảng 1.600 hộ dân và hơn 260ha đất màu, cây trồng. Nặng nề nhất là thôn Quảng Đại 1 (xã Đại Cường) và xóm Ấp Bắc (thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong) với tổng cộng gần 80 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, xóm Ấp Bắc bị ảnh hưởng nhiều nhất khi 12ha đất sản xuất sau dồn điền đổi thửa nay sạt lở chỉ còn 6ha. Không chỉ ảnh hưởng đến đất canh tác, sạt lở cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây. Để tránh sạt lở và ổn định cuộc sống, từ năm 2006 đến năm 2013 địa phương đã tổ chức 3 đợt di dời, tái định cư cho 135 hộ dân vào xóm mới. Tuy vậy, hiện vẫn còn 34 hộ đang trong quá trình phê duyệt sắp xếp di dời chỗ ở an toàn, trong khi mùa mưa lũ cận kề. Theo người dân nơi đây, trong 10 năm qua xóm Ấp Bắc đã mất hơn 300m đất sản xuất và con số này sẽ không dừng lại ở đó dù người dân và chính quyền địa phương đã ra sức kè chống, trồng tre nhưng tất cả đều bị nước cuốn trôi đi.
Nguy cơ sạt lở của các dòng sông tại Đại Lộc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và cuộc sống người dân. |
Tương tự, thôn Quảng Đại 1 do có vị trí địa lý phức tạp, là nơi tiếp giáp giữa hai con sông Thu Bồn và sông Vu Gia nên trong những năm qua luôn xảy ra tình trạng sạt lở đất, nhất là đến mùa mưa bão. Chỉ riêng trong 2 cơn bão lũ năm 2007, 2013 đã có hàng trăm khối đất sản xuất hoa màu bị sạt lở cuốn trôi ra sông. Đặc biệt, 43 hộ dân của thôn cũng đang nằm trong diện sạt lở nghiêm trọng, mất diện tích đất canh tác. Hiện tại, hầu hết người dân trong thôn đều sống trong những ngôi nhà tạm bợ vì không dám đầu tư xây dựng kiên cố vì lo sạt lở. Ông Quỳnh Tin, người sống hơn 30 năm nơi đây cho biết, trước đây sông cách nhà ông vài trăm mét nhưng nay nhà chỉ còn cách sông gần 50m. “Thời tiết ngày càng phức tạp, diễn biến thất thường, khó lường nên hễ tới mùa mưa bão gia đình tôi phải chuyển đến khu văn hóa làng Quảng Đại ở. Tình trạng sạt lở này không biết kéo dài đến bao giờ, gia đình không thể làm ăn chi được vì cứ phấp phỏng miết” - ông Tin nóỉ.
Phòng chống cấp bách
Theo ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Cường, trước đây những thôn trong xã như Quảng Đại 1, Quảng Đại 2, Thanh Vân…, đất đai canh tác rất màu mỡ do được sông bồi đắp phù sa qua những mùa mưa lũ nên bà con trồng bắp, đậu phụng, mè và các hoa màu tươi tốt. Nhưng hơn 10 năm trở lại đây, qua mỗi mùa mưa lũ, sông trở nên hung dữ, gây xói lở làm đất sản xuất cứ mất dần. Có nơi, dòng sông ăn sâu vào bờ từ 5 - 10m đất, lấn vào cả khu dân cư. “Chúng tôi không biết nguyên do sạt lở là gì, nhưng người dân địa phương thường rất lo sợ mỗi khi mùa mưa bão cận kề” - ông Phương nói. Thực tế, từ năm 2010 đến nay, tuy không có lũ lớn nhưng dọc bên bờ sông tình trạng sạt lở vẫn diễn ra âm ỉ và đang ngoạm dần vào từng mét đất canh tác. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho rằng, một trong những nguyên nhân gây sạt lở đất là vì biến đổi khí hậu. “Mưa cường độ lớn, tốc độ dòng chảy mạnh trong khi lòng sông lại hẹp và có nhiều nơi uốn khúc, nên khi mưa lớn ở thượng nguồn, nước chảy về đến những đoạn sông hẹp này thường gây lũ quét làm mất đất sản xuất và ảnh hưởng đến nơi ở của người dân dọc ven sông” - ông Lĩnh phân tích.
Cũng theo ông Lĩnh, để ứng phó trước mùa mưa lũ năm nay, huyện Đại Lộc đang cùng chính quyền các xã tiếp tục triển khai biện pháp phòng chống cấp bách tạm thời như sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn; chuẩn bị các phương án, kế hoạch, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo về tính mạng, tài sản của nhân dân; tiến hành bố trí nhân lực, tăng cường công tác theo dõi và cắm mốc giới cảnh báo ở những vị trí sạt lở, nguy hiểm… để người dân chủ động phòng chống trong thời gian chờ triển khai đầu tư kè chống xói lở khẩn cấp khu dân cư thôn Quảng Đại 1 và phê duyệt di dời dân xóm Ấp Bắc. “Hiện nay, dự án kè chống xói lở bờ sông khu vực Quảng Đại 1 với tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh đã được Sở NN&PTNT đề xuất tỉnh đồng ý thực hiện. Đây chỉ là một trong những điểm cần phải kè chắn cấp bách vì hiện nay không chỉ sông Thu Bồn mà nhiều vùng ven sông Vu Gia, sông Yên, sông Côn cũng bị sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống người dân nhưng do khó khăn kinh phí, nên việc kè chắn đến nay vẫn chưa được tiến hành triệt để được” - ông Lĩnh cho biết.
MINH PHƯỜNG - GIA KHANG