Phất cờ nương tử...

ĐĂNG QUANG 05/12/2016 10:30

Câu chuyện về công tác phụ nữ đã được nhìn nhận trong Báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11 - NQ/TW (27/4/2007) của Trung ương và Chương trình hành động số 09- CTr/TU (26/6/2007) của Tỉnh ủy. Rất nhiều việc khó kể hết, với nhiều thành tựu và không ít hạn chế. Ở đây, chỉ nói về chuyện xây dựng cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Về thành tựu, có nhận xét đáng chú ý là tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp có tăng lên so với trước. Hiện, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, nhiệm kỳ 2015-2020 cấp tỉnh 7,14%, cấp huyện và tương đương 13,4%, cấp xã 17,87%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 cấp tỉnh 20%, cấp huyện 23,67%, cấp xã 23,04%. So với nhiệm kỳ 2010 - 2015, cấp tỉnh tăng 1,69%, cấp huyện tăng 3,04%, cấp xã tăng 1%.

Về hạn chế, cũng bằng những con số thuyết minh rằng nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình số 09-CTr/TU chưa đạt yêu cầu, nhất là chỉ tiêu về cán bộ nữ đạt thấp, một số chỉ tiêu có chiều hướng giảm so với nhiệm kỳ trước; việc luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức; cán bộ nữ đảm nhiệm các chức danh đứng đầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, bí thư, chủ tịch huyện, thị xã, thành phố, trưởng, phó phòng và tương đương ở các cấp đạt tỷ lệ thấp. Cụ thể hơn, không có cán bộ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV (khóa XIII đạt 12,5%); nữ đại biểu HĐND tỉnh đạt 20% (thấp hơn chỉ tiêu 15%) và giảm 0,69% so với nhiệm kỳ trước; cấp huyện đạt 23,76% (thấp hơn chỉ tiêu 11,24%), cấp xã đạt 23,04% (thấp hơn chỉ tiêu 11,96%); nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 cấp tỉnh thấp hơn chỉ tiêu 17,86%, cấp huyện thấp hơn chỉ tiêu 11,6%, cấp xã thấp hơn chỉ tiêu 7,13%; các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh có cán bộ nữ đảm nhiệm chức vụ chủ chốt chỉ chiếm 10,66%; chỉ có 4/18 UBND huyện, thị xã, thành phố có nữ đảm nhận chức vụ chủ chốt, tỷ lệ 27,77%.

Rõ ràng, với riêng mặt công tác về xây dựng cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, thì hạn chế quá nhiều. Lớp trước đã từng có cán bộ lãnh đạo tỉnh như chị Hồ Thị Thanh Lâm, Phạm Thị Minh Chiến, hay những gương mặt khá ấn tượng như bà Hà Thị Thu Sương, Nguyễn Thị Một... Vậy vì sao hiện nay lại có những hạn chế như đã nói là vấn đề cần mổ xẻ. Cũng không thể là do trình độ. Lớp cán bộ nữ những năm đầu tái lập tỉnh chắc không có điều kiện học hành tốt như sau này. Chỉ nói về trình độ chuyên môn, tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh, cán bộ nữ có trình độ thạc sĩ có 322/1.173 tổng số thạc sĩ, tỷ lệ 27,5%, tiến sĩ 7/25 tổng số tiến sĩ, tỷ lệ 28%. Về chủ trương, chính sách thì các cấp đều quan tâm, tỉnh tính quy hoạch cơ cấu không dưới 15% cán bộ nữ. Tuy nhiên, chỉ tiêu cán bộ nữ đạt thấp do việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, nhất là công tác quy hoạch đạt tỷ lệ quá thấp so với chỉ tiêu của Chương trình số 09-CTr/TU đề ra. Cũng xin nói ngay trong quá trình đề cử vào các chức danh thông qua bầu cử, cán bộ nữ đưa vào cơ cấu danh sách còn bất hợp lý, yếu hơn người nam cùng nhóm bầu nên tỷ lệ trúng là rất khó.

Bước chân ra hoạt động xã hội và tham chính, đó là khát vọng của phụ nữ thời đại mới. Câu chuyện ấy đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quan tâm. Và từ mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể, làm sao sự dân chủ, bình đẳng, bình quyền được hiện thực hóa sâu sắc thì mới tạo điều kiện để chị em vươn lên.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ nữ để có nguồn làm lãnh đạo, quản lý, muốn có sự đột phá thì trước hết phải tiếp tục tăng cường các chính sách hỗ trợ, các cơ chế, quy trình quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, đề bạt... Và, cốt yếu còn liên quan đến năng lực, phẩm chất của bản thân phụ nữ. Nếu chị em không biết “phất cờ nương tử thay quyền tướng quân” thì sẽ không bao giờ... làm tướng được.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phất cờ nương tử...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO