Sáng ngày 24/4, UBND tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
Nguy cơ tai nạn vẫn rình rập
Theo Sở LĐ-TB&XH, qua tổng hợp số liệu từ các ngành chức năng cho thấy, nguy cơ tai nạn lao động (LĐ), mất an toàn tại nơi làm việc vẫn luôn tiềm ẩn.
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 289 vụ tai nạn LĐ làm 289 người bị nạn, trong đó có 5 người chết, 29 người bị thương nặng. Trong số 289 vụ tai nạn LĐ, có 45 vụ do lỗi của người sử dụng LĐ, 175 vụ do lỗi của người LĐ, 69 vụ do nguyên nhân khách quan, khó tránh.
Các vụ tai nạn LĐ xảy ra chủ yếu trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, như khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng...
Nguyên nhân gây ra tai nạn LĐ là do doanh nghiệp không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người LĐ; người LĐ chưa được tập huấn an toàn LĐ; tổ chức LĐ chưa hợp lý; không có thiết bị an toàn hoặc thiết bị không đảm bảo an toàn; không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn, điều kiện làm việc không tốt; người LĐ vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn và biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân…
Ngoài tai nạn LĐ, ngành y tế đã khám phát hiện 10 người bị mắc bệnh nghề nghiệp suy giảm sức khỏe từ 31% trở lên, đa số mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, phần lớn số người mắc bệnh nghề nghiệp làm trong các ngành nghề như khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng…
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin, các ngành của tỉnh tùy theo chức năng nhiệm vụ đã tham gia tuyên truyền, kiểm tra, tập huấn cho các đơn vị, người LĐ về biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh LĐ tại nơi làm việc.
Như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam tiến hành quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người LĐ, huấn luyện sơ cấp cứu tại doanh nghiệp.
Sở Xây dựng thường xuyên thanh tra công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, kiểm tra việc thực hiện theo giấy phép xây dựng được cấp, công tác an toàn tại nơi thi công.
Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra tại các đơn vị được phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp… Qua các đợt thanh tra, kiểm tra cho thấy nguy cơ tai nạn LĐ, nguy cơ mất an toàn vẫn rình rập, nên mỗi người LĐ, mỗi doanh nghiệp đều phải đảm bảo tuân thủ quy định an toàn tại nơi làm việc.
Hành động vì an toàn
Với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh LĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh LĐ được tổ chức từ ngày 1-31/5 nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, người LĐ trong công tác cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, bảo đảm tính mạng của người LĐ.
Các ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, triển khai Luật an toàn, vệ sinh LĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành đến doanh nghiệp và người LĐ.
Đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng, hoàn thiện các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, giảm căng thẳng tại nơi làm việc.
Doanh nghiệp triển khai các chương trình hành động cụ thể để phòng ngừa tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc. Qua đó góp phần hạn chế tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và bản thân người LĐ là những nhân tố quyết định chính đối với vấn đề an toàn, vệ sinh LĐ tại nơi làm việc.
Ông Nguyễn Quí Quý khuyến cáo, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện quan trắc môi trường LĐ và các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc. Xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn, vệ sinh LĐ, kế hoạch đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh LĐ để chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc.
Cần thực hiện chế độ tự kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh LĐ tại chỗ; xây dựng nội quy, quy trình vận hành các loại máy, thiết bị sản xuất; xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.
“Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ, kịp thời phát hiện bệnh nghề nghiệp để điều trị và giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người LĐ.
Thực hiện kiểm định tất cả các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật ATVSLĐ; chấp hành tốt chế độ điều tra, thống kê, báo cáo tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và công tác ATVSLĐ theo quy định” - ông Quý nói.