Phát hiện bộ di cốt người cổ cách đây khoảng 6.000 năm tại di chỉ Bàu Dũ

T.S 13/03/2017 09:07

Như Báo Quảng Nam đã đưa tin, từ ngày 25.2 đến 25.3.2017, Bộ VH-TT&DL cho phép Sở VH-TT&DL phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học Viện Khoa học - xã hội vùng Nam Bộ, cùng các chuyên gia khảo cổ học, nhân chủng học thuộc Đại học Quốc gia Úc và Trường Đại học Y khoa Sapporo Nhật Bản tổ chức khai quật tại di chỉ Bàu Dũ (thôn Phú Trung, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) trên diện tích 100m2. Sau 15 ngày khai quật tại 3 hố thám sát, đoàn đã phát hiện một bộ di cốt người cổ được chôn theo hình thức bó gối cách đây khoảng 6.000 năm, nằm cạnh “Cồn sò điệp” - một loại dấu tích đặc trưng của di chỉ Bàu Dũ. Theo PGS-TS. Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, đây là phát hiện mới, độc đáo và mở ra nhiều triển vọng trong việc nghiên cứu di chỉ khảo cổ học Bàu Dũ.

Di chỉ Bàu Dũ được phát hiện vào năm 1981. Trong 2 cuộc khai quật vào năm 1983 và năm 2015, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều vết tích vùng cư trú của con người thời cổ cùng một số hiện vật như công cụ đá hình đĩa, hình hạnh nhân, các loại rìu tay bằng đá, công cụ chặt, nạo, bàn nghiền, hòn kê, mũi nhọn, hòn ghè, mảnh tước và nhiều đồ gốm rất đa dạng. Qua những lần thám sát, các nhà khảo cổ còn thu được trong tầng văn hóa khối lượng vỏ sò, điệp, ốc khá lớn lẫn với xương thú, xương cá... Qua đó nhận định người cổ Bàu Dũ có thói quen chôn hoặc đổ vỏ nhuyễn thể thành từng đống và đã tích tụ lại thành tầng văn hóa. Với kiểu cấu tạo tầng văn hóa đó, các nhà khảo cổ đã xếp Bàu Dũ vào loại hình di tích “Đống sò điệp”, “Cồn sò điệp”. Đây là những loại hình di tích thường xuất hiện ở vùng ven biển vào cuối thời đá cũ và thời đá mới. Bàu Dũ là di tích đầu tiên thuộc loại hình này được nghiên cứu ở các tỉnh phía Nam.

T.S

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát hiện bộ di cốt người cổ cách đây khoảng 6.000 năm tại di chỉ Bàu Dũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO