Phát hiện lỗ thủng ozone cực lớn ở Nam Cực

KIM OANH 09/10/2023 15:38

(QNO) - Lỗ thủng tầng ozone vừa được phát hiện có diện tích lên tới 26 triệu kilomet vuông, gấp 3 lần diện tích của Brazil.

 
Lỗ thủng tầng ozone cực lớn tại Nam Cực. Ảnh: Ptcnews 

Các quan sát từ vệ tinh Copernicus Sentinel-5P của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết lỗ thủng tầng ozone đạt khoảng 26 triệu kilomet vuông ở Nam Cực vào ngày 16/9 vừa qua, trở thành một trong những lỗ thủng ozone theo mùa lớn nhất từng được phát hiện.

Lỗ thủng tầng ozone lớn nhất phát hiện vào năm 2000 khi vực sâu đạt tới diện tích gần 28,4 triệu kilomet vuông.

Theo các nhà khoa học, lỗ thủng tầng ozone thường phát triển và co lại theo mùa do sự thay đổi nhiệt độ và điều kiện gió trong tầng bình lưu, đạt cực đại trong khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10.

Tuy nhiên, bà Antje Inness - nhà khoa học Cấp cao của Cơ quan Giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) của Liên minh châu Âu nói: "Dịch vụ dự báo và giám sát ozone đang hoạt động của chúng tôi cho thấy lỗ thủng ozone năm 2023 bắt đầu sớm và phát triển nhanh chóng kể từ giữa tháng 8".

Bà Antje Inness nhận định, một trong những lý do có thể dẫn đến lỗ thủng tầng ozone tại Nam Cực cao hơn bình thường là từ vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga ở Nam Thái Bình Dương vào tháng 1 năm ngoái, đưa một lượng lớn hơi nước vào không khí.

"Hơi nước có thể dẫn đến sự hình thành mạnh mẽ của các đám mây ở tầng bình lưu ở vùng cực - nơi chất chlorofluorocarbons (CFC) có thể phản ứng và đẩy nhanh sự suy giảm tầng ozone" - bà Antje Inness giải thích. 

[VIDEO] - Vệ tinh phát hiện lỗ thủng ozone vào ngày 16/9/2023 (nguồn: YouTube):

Dù có sự gia tăng lớn theo mùa trong năm nay, lỗ thủng tầng ozone nhìn chung vẫn đang giảm kích thước. Do đó, các nhà khoa học cho rằng không nên quá lo lắng.

Ông Claus Zehner - Giám đốc sứ mệnh Copernicus Sentinel-5P của ESA cho biết: "Dựa trên Nghị định thư Montreal và việc giảm các chất làm suy giảm tầng ozone do con người tạo ra, các nhà khoa học hiện dự đoán rằng tầng ozone toàn cầu sẽ trở lại trạng thái bình thường vào khoảng năm 2050".

Trước đó, lỗ thủng ozone được phát hiện vào năm 1985, là kết quả của các chất CFC - một hợp chất của các chất hữu có chứa 3 thành phần gồm các-bon, clo và flo, do con người thải ra.

Đây là hóa chất làm suy giảm tầng ozone và khí nhà kính được sử dụng như chất làm mát trong tủ lạnh, dung môi và trong bình xịt aerosol. Vào năm 1987, gần 200 quốc gia ký Nghị định thư Montreal để loại bỏ dần việc sản xuất và tiêu thụ CFC.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhấn mạnh, sự xuất hiện của lỗ thủng tầng ozone cho thấy cần phải tuân thủ Nghị định thư Montreal.

Tầng ozone, còn gọi lá chắn ozone - một khu vực trong tầng bình lưu của trái đất, hấp thụ đến 99% các bức xạ cực tím của mặt trời, không cho chúng chiếu xuống trái đất. Do đó, tầng ozone có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hành tinh, môi trường và sinh vật sống, như giúp con người có thể tránh được nguy cơ mắc phải các bệnh về da...
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát hiện lỗ thủng ozone cực lớn ở Nam Cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO