(QNO) - Hàng trăm mảnh gốm, bình gốm đã được phát hiện từ một điểm được cho là của một tàu chở cổ vật bị đắm trong lòng vùng biển Tam Hải (Núi Thành).
Ngư dân tìm thấy một mảnh gỗ có chiều dài hơn 1,2m được cho là của một con tàu cổ bị đắm. |
Ngày 23.8, chúng tôi được ông Đinh Tấn Tàu (thôn 2 xã Tam Hải, huyện Núi Thành) đưa đến địa điểm phát hiện cổ vật từ hướng cảng Kỳ Hà, vòng quanh ngọn đồi Bàn Than nhô ra giữa biển để sang bên phía bãi Bấc của xã Tam Hải. Ông Đinh Tấn Tàu nhanh chóng xác định vị trí có những đồ gốm cổ mà ông đã từng lặn vớt được. Nơi đây người địa phương gọi là vùng rạn Nhọn, cách mũi Bấc khoảng 300m về phía tây.
Vị trí phát hiện cổ vật bắt đầu có nhiều người dân đến có ý định lặn vớt. |
Ông Tàu mặc trang phục đồ nhái, ngậm ống dây cùng con trai Đinh Tấn Ý lặn xuống sục tìm. Khoảng 30 phút sau, họ đem lên một số mảnh bát, đĩa, lọ gốm sứ không còn nguyên vẹn, rồi sau đó tiếp tục mang lên nhiều mảnh cổ vật khác, trong đó có một lọ gốm khá nhỏ còn nguyên vẹn.
“Cách đây hơn 20 ngày, qua nhiều thông tin của bạn thuyền, vợ chồng tôi cùng với anh em dân biển đã lặn xuống khu vực được báo là có đồ gốm sứ cổ, hơn một tuần ngụp lặn dưới độ sâu hơn 5m nước, chúng tôi phát hiện và đã đưa lên bờ gần 100 bình gốm nhỏ cùng hàng trăm mảnh vỡ của chén, bát, đĩa sứ… Trước số cổ vật quá lớn và có liên quan đến con tàu đắm tại khu vực này, nên anh em chúng tôi đã báo tin đến Bảo tàng Quảng Nam để cơ quan chức năng khảo sát chi tiết - ông Đinh Tấn Tàu nói.
Ông Trần Tấn Vịnh và một số mảnh gốm vỡ vừa được vớt lên từ lòng biển. |
Cùng đi trong đoàn khảo sát, tiến sĩ Trần Tấn Vịnh cho rằng số đồ gốm sứ này đã vỡ thành nhiều mảnh, nhưng vẫn còn nhiều hoa văn, họa tiết rất rõ. Sau khi được ngư dân cung cấp các đồ gốm sứ cổ trục vớt được, tôi đã gởi một số tiêu bản cho chuyên gia về khảo cổ là tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi ở Quảng Ngãi nhờ đánh giá. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi nhận định ban đầu “đây là những hiện vật của con tàu đắm cổ nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại được tìm thấy ở biển Tam Hải nói riêng và vùng biển miền Trung nói chung”.
Tại một khu vực gần cửa Lở, nơi con sông Trường Giang đổ ra biển, cha con ông Tàu chỉ cần bơi trên mặt nước đã có thể nhìn thấy các mảnh gốm vỡ bên dưới và dễ dàng lặn xuống. Nơi đây, họ cũng tìm thấy một số mảnh vỡ của các loại bát, đĩa gốm cổ. Đáng chú ý là họ còn tìm thấy 2 mảnh gỗ nghi là của một thân tàu cổ. Một mảnh đã bị gãy có chiều dài hơn 1,2m, chiều ngang gần 0,5m, bề dày gần 0,1m. Mảnh thứ hai nhỏ hơn, giống như chi tiết nối ghép thân tàu, có cả những vị trí chốt nêm. Ông Tàu còn chỉ chúng tôi thấy 2 đoạn gỗ tròn mà ông cho là trụ xoay của chiếc bánh lái của con tàu cổ. Mỗi đoạn gỗ tròn này dài hơn 3,5m, đường kính hơn 0,4m, có nhiều họa tiết và chữ Hán cổ.
Một bình gốm nhỏ được vớt lên từ biển. |
Theo các nhà khoa học và nhận định của tiến sĩ Trần Tấn Vịnh, căn cứ vào các hiện vật gốm sứ cổ được tìm thấy tại khu vực rạn Nhọn, cửa Lở của biển Tam Hải, Núi Thành, kết hợp với việc tỉnh Quảng Ngãi đang khai quật 2 đến 3 con tàu cổ tại khu vực Châu Thuận Biển thì đây rất có thể có một mối liên quan mật thiết và giả thuyết về một nghĩa địa tàu cổ ở khu vực biển Quảng Nam - Quảng Ngãi là điều rất dễ xảy ra. Và theo ông Vịnh, hiện tại các ngành chức năng nên có phương án bảo vệ những đồ gốm sứ đã được trục vớt cũng như một lượng lớn cổ vật đang còn nằm sâu dưới đáy biển, cần có kinh phí để tiến hành khai quật khảo cổ học dưới nước, phát hiện được cổ vật thì cho giám định để khẳng định những cổ vật này có giá trị thế nào, niên đại nào trong thời điểm nào và xuất xứ từ đâu.
Nhiều mảnh gốm của một chiếc bình, hoặc chậu lớn vừa được vớt lên. |
Cũng theo các nhà khoa học thì đây rất có thể là một trong những địa điểm của hành trình con đường tơ lụa, con đường gốm sứ trên biển, nên việc xác định chính xác giá trị cổ vật được tìm thấy sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc tìm lại những giá trị to lớn về con đường gốm sứ trên biển tại vùng biển Quảng Nam - ông Vịnh nói thêm.
Khi đoàn khảo sát của Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, phòng PA83 Công an Quảng Nam đến khảo sát thì tại khu vực rạn Nhọn và cửa Lở đã và đang xuất hiện nhiều nhóm ngư dân có ý định lặn tìm cổ vật. Do đó, việc nhanh chóng có phương án bảo vệ, trục vớt cổ vật tại đây là điều cần thiết, tránh để những cổ vật bị thất thoát.
TẤN SỸ