Một bệnh nhân đi khám vì đau dạ dày. Tuy nhiên trong quá trình khám lâm sàng trước khi tiến hành nội soi, bệnh nhân này đã được chụp X-quang và CT phổi, phát hiện có dấu hiệu u phổi nghi ngờ đã di căn.
Mới đây, Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân Đà Nẵng (276 - 278 Đống Đa, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân T.T.D. (59 tuổi, trú tại Sơn Trà) đến khám bệnh dạ dày với các triệu chứng như buồn nôn, căng tức thượng vị.
Theo quy trình, trước khi nội soi dạ dày, khách hàng được làm xét nghiệm cơ bản, trong đó có chụp X-quang phổi thường quy. Tuy nhiên, khi chưa xác định cụ thể bệnh lý dạ dày, thông qua hình ảnh X-quang phổi của bệnh nhân, bác sĩ đã phát hiện có 2 đám mờ, nghi ngờ 1 khối u ở phổi phải, 1 khối u ở vùng trung thất.
Ngay sau đó, bác sĩ đã lập tức cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính lồng ngực để làm rõ chẩn đoán. Kết quả ảnh chụp cắt lớp vi tính hiện rõ 2 khối u nghi ngờ.
Bác sĩ CKI Lê Thị Kim Cúc - phụ trách Khoa Chẩn đoán hình ảnh tại trung tâm cho biết: “Với những dấu hiệu trên ảnh chụp cắt lớp vi tính, không thể loại trừ được nguy cơ ác tính của nó có thể đã di căn. U phổi những trường hợp như thế này tỷ lệ ác tính rất cao và khả năng điều trị khỏi là vô cùng thấp”.
Khai thác lại tiền sử, bệnh nhân T.T.D. cho biết, cô có thói quen hút thuốc lá, bị tăng huyết áp đã lâu và phải uống thuốc thường xuyên. Tuy nhiên, trong 5 năm qua cô chưa từng làm kiểm tra sức khỏe vì nghĩ rằng sức khỏe của mình vẫn ổn.
Bệnh nhân T.T.D. sau đó đã thực hiện các xét nghiệm, sinh thiết, kết quả chẩn đoán ung thư phổi đã di căn. Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn muộn vì chủ quan không đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Khoảng 25% những người mắc ung thư phổi không có triệu chứng được chẩn đoán sau khi chụp X-quang hoặc CT ngực trong một cuộc kiểm tra định kỳ hoặc khi khám các bệnh lý khác. Bác sĩ khuyến cáo, những người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao như người hút nhiều thuốc lá, người làm việc trong môi trường độc hại… nên chụp X-quang phổi định kỳ 3 - 6 tháng để theo dõi sức khỏe.
Bên cạnh chụp X-quang ung thư phổi, người bệnh thường được chỉ định kết hợp với chụp cắt lớp vi tính lồng ngực để phát hiện sớm các khối u kích thước nhỏ, xác định tốt đặc điểm khối u, tình trạng hạch trung thất qua đó giúp đánh giá giai đoạn bệnh nếu có.
Dấu hiệu sớm của ung thư phổi rất ít xuất hiện, phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán khi ung thư đã tiến triển và di căn ra khắp nơi trong cơ thể. Do vậy, chúng ta không nên chủ quan, cần chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần để phát hiện sớm bệnh nếu có.