Khởi đầu của việc thực hiện Kết luận 21 ngày 25.10.2021 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) bằng đợt sinh hoạt chính trị “tự soi”, “tự sửa” sâu rộng trong toàn tỉnh, cũng là dịp để Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh đánh giá lại việc triển khai thực hiện dân chủ trên địa bàn.
Phát huy dân chủ trong thu hồi đất
Chia sẻ về kết quả thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thời gian qua, theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua hình thức dân chủ đại diện và trực tiếp.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung cho biết, từ năm 2014 đến nay, Thường trực Tỉnh ủy tiếp xúc, đối thoại với nhân dân hơn 22 lượt; bí thư cấp ủy huyện, thị, thành phố hơn 300 lượt; bí thư cấp ủy cấp xã hơn 2.000 lượt. Trên cơ sở đó, người đứng đầu cấp ủy các cấp trực tiếp trao đổi, giải thích và chỉ đạo các cơ quan liên quan giải trình, trả lời và giải quyết được nhiều vấn đề liên quan trên các lĩnh vực, kết quả giải quyết sau đối thoại đạt tỷ lệ 85%.
Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Việc phát huy dân chủ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực khi UBND tỉnh ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh” (Quyết định số 3431 ngày 13.11.2018).
Đến đầu năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 do các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng, phó ban. Đây là các giải pháp quan trọng giúp tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh gắn với đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Ông Nguyễn Đức Bình - Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho hay, Quyết định số 3431 của UBND tỉnh đã góp phần đắc lực cho việc thực hiện QCDC trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn huyện. Được trợ lực từ tỉnh, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung quyết liệt, vào cuộc tích cực để thực hiện các bước trong công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng.
Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để người dân nắm rõ thông tin về các dự án, từ đó, đồng thuận với chủ trương, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện.
Tiêu biểu như dự án mở rộng quốc lộ 1; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đường Võ Chí Công; Vinpearl Quảng Nam; các dự án khai thác quỹ đất, tái định cư và hàng chục dự án trong các Cụm công nghiệp…
Tại Phú Ninh, trong năm 2021, toàn huyện tiếp 890 lượt/910 người và đã giải quyết 630/671 đơn thư, đạt 93,88%. Lãnh đạo Huyện ủy phối hợp UBND huyện và các ngành, địa phương tổ chức 6 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân và kịp thời thông tin, giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Ông Đặng Vân - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phú Ninh nói, Đại hội Đảng bộ huyện Phú Ninh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định nội dung “phát huy dân chủ ở cơ sở và vai trò chủ thể của nhân dân, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước và tham gia của các tổ chức kinh tế - xã hội quyết tâm xây dựng huyện, xã nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, theo hướng kiểu mẫu” là một trong 4 Chương trình trọng tâm của Đảng bộ - làm tiền đề định hướng cho các cấp, ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội cụ thể hóa trong thực tiễn.
Tạo nhận thức đúng, thống nhất hành động
Tại cuộc tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh” diễn ra cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh đánh giá, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, các cấp, ngành đã tập trung thực hiện tốt QCDC ở các loại hình cơ sở, góp phần đưa Quảng Nam phát triển qua 25 năm tái lập tỉnh.
Nêu ra những mặt còn hạn chế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh cho rằng, một số cơ quan, đơn vị việc thực hiện QCDC còn mang tính hình thức, “giấy tờ” nhiều.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tận tụy với công việc, thiếu gương mẫu trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, gây mất niềm tin của một bộ phận nhân dân.
Người đứng đầu một số cấp ủy, cơ quan chưa gương mẫu trong việc thực hiện QCDC ở cơ quan, đơn vị mình, dẫn đến mất dân chủ, nội bộ thiếu đoàn kết thống nhất.
“Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu một số cấp sở và cấp huyện để xảy ra mất đoàn kết thống nhất trong nội bộ, phát sinh nhiều đơn thư” - đồng chí Lê Văn Dũng nói.
Theo đồng chí Lê Văn Dũng, trong chỉ đạo của cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền một số nơi còn thiếu sâu sát. Hội họp nhiều, văn bản kết luận không thiếu, có thể kết luận này chồng lên kết luận kia, song hiệu quả của việc thực hiện kết luận chưa đến nơi, đến chốn. Vậy nên cũng không phát huy được dân chủ.
Ví dụ trong công tác tiếp công dân, ở tỉnh một tháng có ít nhất 4 cuộc do Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Sau buổi tiếp đều có thông báo kết luận, nhưng lần sau công dân cũng đến nói vấn đề đó, mặc dù nội dung phản ánh này có cơ sở giải quyết.
Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, phát huy tốt dân chủ sẽ hội tụ được sức dân. Các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường chỉ đạo, đặc biệt là phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu trong thực hiện QCDC.
Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, không nể nang, né tránh, gắn với tập trung làm tốt công tác tuyên truyền tạo nhận thức đúng về các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nghị quyết, văn bản mới của Trung ương, của Tỉnh ủy để thống nhất về hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đặc biệt, thực hiện thật tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong cơ quan, đơn vị mình. Nơi nào để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thì nơi đó mất dân chủ.
“Hằng năm ít nhất một lần, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại với cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết dứt điểm bức xúc nảy sinh từ thực tiễn cơ quan, đơn vị” - đồng chí Lê Văn Dũng gợi ý.