Lâm nghiệp

Phát huy giá trị rừng cảnh quan Mỹ Sơn

VĨNH LỘC (locvanhoa@gmail.com) 14/02/2025 10:02

Những năm qua, việc gìn giữ, bảo vệ rừng cảnh quan Mỹ Sơn đã được Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn và các cấp ngành liên quan triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần phục hồi, bảo tồn nhiều nguồn gen quý cũng như phát triển du lịch bền vững.

dsc_0387.jpg
Bảo vệ rừng cảnh quan Mỹ Sơn sẽ góp phần tạo nên không gian sinh thái trong phát triển du lịch bền vững. Ảnh: VĨNH LỘC

Đa dạng sinh học

Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 2223 ngày 13/8/2020 gồm 1.160,05ha thuộc tiểu khu 412, 414, 416; giáp ranh với xã Duy Sơn, Duy Hòa, Duy Phú và các xã thuộc huyện Quế Sơn (trước đây là huyện Nông Sơn). Nơi đây có sự đa dạng về động vật, thực vật với nhiều loài được xác định quý hiếm theo danh mục Sách đỏ Việt Nam.

Cụ thể, qua điều tra khảo sát của Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ và Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình cho thấy, Khu bảo vệ cảnh quan di tích Mỹ Sơn có 238 loài thực vật thuộc 168 chi, 82 họ, 43 bộ, 5 lớp và 4 ngành.

Đây cũng là nơi giao thoa của nhiều luồng thực vật, kết hợp điều kiện khí hậu và địa hình khu vực đã tạo nên tính đa dạng, phong phú về thành phần loài.

Với hệ động vật, các khảo sát ghi nhận khu vực rừng cảnh quan có 607 loài trong 169 họ thuộc 41 bộ ở 6 lớp động vật; bao gồm 37 loài thú, 62 loài chim, 97 loài bò sát, 43 loài cá, 179 loài côn trùng và 189 loài động vật đáy.

Riêng số lượng loài đặc hữu, quý hiếm thống kê được 18 loài thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và khỉ đuôi lợn nằm trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN Redlist). Cá biệt, nhóm động vật rừng quý hiếm bước đầu phát hiện được 69 loài trong danh lục Sách đỏ Việt Nam và nằm trong Sách đỏ IUCN.

Những kết quả phân tích trên đã khẳng định giá trị của hệ sinh thái rừng ở Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn. Đáng chú ý, số loài cây có công dụng làm thuốc chiếm 65,97% tổng số loài trong khu nghiên cứu. Đó chính là giá trị to lớn của nguồn tài nguyên thực vật rừng mà Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử Mỹ Sơn đang nắm giữ.

Ông Nguyễn Duy - Trưởng phòng An ninh bảo vệ (Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn) cho biết, công tác bảo vệ rừng luôn được Ban Quản lý chú trọng.

Bên cạnh bố trí lực lượng tuần tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời các hành vi săn bắt động vật, xâm hại rừng, đơn vị cũng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về lâm nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân sống ven rừng nắm được các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy rừng.

“Bình quân mỗi tuần chúng tôi phối hợp tổ chức 2 đợt vào rừng tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm rừng” - ông Duy nói.

Phát huy giá trị

Theo ông Nguyễn Công Khiết - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, đơn vị luôn đặt ra mục tiêu cụ thể cho việc quản lý, bảo tồn tính đa dạng sinh học khu vực rừng cảnh quan. Làm sao để việc quản lý, sử dụng bền vững 1.160,5ha rừng tại khu bảo tồn đạt hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

m.jpg
Tuần tra tháo dỡ bẫy thú trái phép trong rừng cảnh quan. Ảnh: MỸ SƠN

Từ đó góp phần hình thành khu rừng đặc dụng có chất lượng, đa dạng về hệ sinh thái và nguồn gen động, thực vật, đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của khu rừng đặc dụng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của Luật Lâm nghiệp... thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học...

Thời gian tới, Mỹ Sơn sẽ xây dựng những mục tiêu cụ thể về kinh tế như tạo điều kiện phát triển mạnh các loại hình du lịch sinh thái, nghiên cứu văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng.

Đồng thời phục hồi và nâng cao chất lượng hơn 113ha rừng tự nhiên nghèo kiệt, kém chất lượng thành rừng có chất lượng và giá trị; hình thành hơn 40ha rừng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, cây cảnh quan phục vụ nhu cầu phát triển hoạt động du lịch sinh thái và tăng thu nhập cho người dân địa phương tham gia bảo vệ rừng.

Đơn vị tiếp tục chú trọng hình thành mạng lưới đường giao thông, băng cản lửa, chòi canh lửa rừng, vườn thực vật, vườn ươm, trạm bảo vệ rừng... Đặc biệt, hướng đến nâng độ che phủ rừng trong Khu bảo vệ cảnh quan đạt hơn 96,5%...

“Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử Mỹ Sơn góp phần bổ trợ điểm đến Khu di tích Mỹ Sơn phát triển bền vững điểm tham quan và du lịch sinh thái tâm linh độc đáo” - ông Khiết nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát huy giá trị rừng cảnh quan Mỹ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO