Nhiều năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Qua đó, những giá trị văn hóa tinh thần được phát huy, tạo nên những dấu ấn rõ nét…
Sự vận động của Ủy ban MTTQ huyện cùng sự chung tay của người dân đã đưa bộ mặt làng quê đổi khác. Ảnh: C.T.A |
Đẩy lùi mê tín
Bà Nguyễn Thị Điệp - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Núi Thành cho biết, 5 năm qua, MTTQ huyện đã củng cố, kiện toàn Ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư, cụ thể hóa các nội dung và tiêu chí của cuộc vận động gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ hộ nghèo nâng cao đời sống... gắn với nội dung xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Mặt trận cấp xã phối hợp cùng các đoàn thể tổ chức vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện cam kết thi đua xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”. Các xã, thị trấn đều cụ thể hóa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội thông qua việc xây dựng và bổ sung hương ước, quy ước của các thôn, bản, khu phố. Qua đó, nhiều hủ tục lạc hậu được loại bỏ. Cụ thể như ở xã Tam Giang, người dân chủ yếu đi biển. Nên lâu nay, yếu tố tâm linh chi phối nhiều tập quán, hành động người dân. Nhiều khi, niềm tin của ngư dân vùng biển biến chất thành mê tín dị đoan. “Vậy mà, vài năm trở lại đây, ý thức của bà con đã có những bước chuyển biến đáng kể. Giờ đây, rất khó để thấy hình ảnh vàng mã xếp cao ngất ngưởng trên bàn thờ mỗi khi có dịp giỗ, quảy” - ông Nguyễn Quang Vinh (thôn 6, xã Tam Giang), vui mừng nói. “Chúng tôi cho rằng, sự thành bại của một phong trào phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Với Tam Giang, kết quả này phản ánh vấn đề tự ý thức của người dân cộng với niềm tin tốt đẹp của bà con với phong trào. Thêm nữa là phương thức vận động đa dạng, phong phú theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Nhờ vậy, Tam Giang luôn được Mặt trận huyện đánh giá cao trong các cuộc vận động mang tính phong trào” - ông Huỳnh Văn Côi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tam Giang, nói.
Nhân rộng mạng lưới tổ đoàn kết
Hầu hết phong trào do Ủy ban MTTQ phát động thành công đều dựa rất nhiều vào mạng lưới chân rết - chính là các tổ đoàn kết. Qua gần 20 năm thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, ban đầu Núi Thành chỉ có 914 tổ đoàn kết được xây dựng (1995) đến nay toàn huyện có 1.048 tổ đoàn kết thuộc 138/138 thôn, khối phố ở 17/17 xã, thị trấn. “Thực tế khẳng định tổ đoàn kết là mô hình tổ chức quần chúng liên cư, liên hộ tồn tại mang tính khách quan và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, củng cố và phát huy khối đoàn kết toàn dân ở từng khu dân cư; là cầu nối giữa các hộ dân với chi bộ và ban nhân dân thôn; là mạng lưới “chân rết”của ban công tác mặt trận thôn, khối phố; là nơi thuận lợi để tập hợp nhân dân tham gia sinh hoạt cộng đồng, tham gia vào các hoạt động của địa phương, thúc đẩy thực hiện dân chủ cơ sở” - ông Huỳnh Văn Côi, cho biết.
Nhờ mạng lưới chân rết này, công tác quản lý, nắm bắt tình hình đời sống, hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng từng hộ dân khá chặt chẽ, thông tin hai chiều nhanh, dễ lồng ghép tuyên truyền, chuyển tải những chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Ngược lại, nó cũng phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đời sống của nhân dân đến tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng. Tiếp tục phát huy sức mạnh của mạng lưới chân rết, Mặt trận huyện đã đặt ra những chỉ tiêu gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới như 90% tổ đoàn kết ở các khu dân cư trên địa bàn huyện thực hiện tốt 5 nội dung cuộc vận động. Hằng năm giảm dần số hộ có lao động nhưng thuộc hộ nghèo thiếu ăn; ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và các tệ nạn xã hội; thôn xóm yên vui, gia đình hạnh phúc, tiến bộ; môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Hầu hết tổ đoàn kết có từ 95 - 100% hộ đăng ký thực hiện các nội dung tiêu chí “Gia đình văn hóa”. Tiếp tục phối hợp thực hiện tốt chương 134, 135, 257 và chăm lo đồng bào dân tộc Co, đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn của huyện. “Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với mục tiêu không ngừng nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực, thể hiện lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc; Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ lồng ghép tuyên truyền, vận động hướng dẫn tạo thói quen tốt đẹp, văn hóa trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt của mỗi người dân là điều mà chúng tôi chú trọng hướng đến trong nhiệm kỳ mới này” - bà Nguyễn Thị Điệp, nói thêm.
CHIÊU THỤC ANH