Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ là giải pháp hiệu quả để huyện Hiệp Đức làm tốt công tác bảo tồn và giữ gìn văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Sôi nổi ngày hội vùng cao
Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năm nay Ngày hội VH-TT 3 xã vùng cao được tổ chức trở lại đúng dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, đã mang đến niềm vui cho người dân 3 xã vùng cao Hiệp Đức.
Không gian Khu di tích Khu ủy 5 (nơi tổ chức ngày hội) nhộn nhịp với các hoạt động thể thao, văn nghệ, múa cồng chiêng, trình diễn ẩm thực, trang phục truyền thống…
HĐND huyện Hiệp Đức (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết số 60 (ngày 30/9/2022) về khôi phục, bảo tồn và phát huy một số loại hình văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện đến năm 2026, tổng nguồn kinh phí thực hiện hơn 8,3 tỷ đồng.
Bên cạnh kinh phí để trang bị dụng cụ, trang phục, hỗ trợ đào tạo cho các thôn, trường học, CLB, huyện sẽ đầu tư xây dựng làng văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại thôn Trà Va, xã Sông Trà với kinh phí hơn 5 tỷ đồng.
Ông Lê Đức Hùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT và truyền thanh huyện Hiệp Đức cho biết, Ngày hội VH-TT 3 xã vùng cao huyện Hiệp Đức năm 2022 để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng khó phai trong khán giả.
“Ấn tượng nhất là phần thi múa cồng chiêng, giao lưu cồng chiêng, thưởng thức rượu cần, các món ẩm thực dân dã. Tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên giữa núi rừng, các chàng trai, cô gái Kinh, Ca Dong, Mơ Nông hòa nhịp vào điệu múa bên ngọn lửa bập bùng.
Mùi hương đậm đà của món thịt gác bếp, vị ngọt bùi của cá sông nướng chấm muối tầm phục và cái lâng lâng của rượu cần đã tạo nên bức tranh đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc vùng cao Hiệp Đức” - ông Hùng chia sẻ.
Anh Hồ Văn Dũng (21 tuổi, xã Sông Trà, Hiệp Đức), vận động viên giành được giải Nhất môn đẩy gậy tại ngày hội, chia sẻ: “Đẩy gậy là môn thể thao đặc trưng của vùng cao. Đây là lần đầu tiên tôi giành được giải cao ở môn thi đấu này”.
Ông Tạ Hữu Hoành - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Trà Va (xã Sông Trà) cho biết, thôn Trà Va là nơi có di tích Khu ủy 5. Nơi đây thường xuyên được chọn tổ chức các hoạt động VH-TT của 3 xã vùng cao.
Trong đó, Ngày hội VH-TT 3 xã vùng cao luôn mang đậm bản sắc dân tộc thiểu số, góp phần lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời là dịp giao lưu học hỏi, gắn kết giữa nhân dân 3 địa phương.
Ông Huỳnh Hữu Cường - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiệp Đức cho biết, 3 xã vùng cao Sông Trà, Phước Trà và Phước Gia là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc Kinh, Mơ Nông, Ca Dong…
Việc tổ chức Ngày hội VH-TT 3 xã vùng cao là dịp để đồng bào các dân tộc 3 xã vùng cao nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, cùng nhau thực hiện tốt phương châm “Người đi trước truyền lại cho người đi sau”.
Khi người trẻ đồng hành
Trên địa bàn huyện Hiệp Đức có 3 dân tộc chính là Kinh, Ca Dong, Mơ Nông, sống ở 11 xã, thị trấn, trong đó người dân tộc thiểu số tập trung chủ yếu ở 3 xã Phước Gia, Phước Trà và Sông Trà, chiếm khoảng 13% dân số toàn huyện.
Trong đêm hội cồng chiêng, biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội VH-TT 3 xã vùng cao, khán giả được dịp thưởng thức bữa tiệc văn hóa độc đáo. Ở đó, các bạn trẻ đã tự tin trình diễn trang phục truyền thống và các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Nhiều bạn trẻ bày tỏ thích thú khi được mặc trang phục truyền thống và hòa mình vào ngày hội.
Nguyễn Thành Nghĩa (25 tuổi, xã Phước Gia) chia sẻ: “Những ngày hội, ngày lễ như thế này chúng tôi mới có dịp mặc trang phục truyền thống của dân tộc, là dịp để mọi người biết đến nhiều hơn nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao”.
Phần thi trang phục truyền thống của đơn vị xã Phước Gia khá ấn tượng khi các bạn trẻ đã mạnh dạn kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Nhiều trang phục thổ cẩm được thiết kế phá cách phù hợp với giới trẻ.
Hồ Thị Nguyễn (21 tuổi, dân tộc Ca Dong, xã Phước Gia) cho biết: “Bản thân tôi rất yêu thích điệu múa uyển chuyển và trang phục rực rỡ đầy màu sắc của dân tộc Ca Dong. Dù sống trong xã hội hiện đại nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ và giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình”.
Công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao luôn được huyện Hiệp Đức quan tâm. Đến nay, huyện đã trang bị cồng chiêng cho 3 xã vùng cao và thành lập CLB múa cồng chiêng ở các xã Phước Gia và Sông Trà.
Đặc biệt, nhiều năm nay, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức (nơi học tập của học sinh 3 xã vùng cao) đã tổ chức tốt việc dạy múa cồng chiêng cho học sinh. Học sinh của trường sau khi tốt nghiệp THCS hầu hết biết múa thành thạo cồng chiêng.