Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

NHÃ PHƯƠNG – DUY THÁI 14/12/2021 07:39

Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Quế Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hộ. Từ đó, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân ở Quế Sơn có điều kiện xây dựng các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.P
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân ở Quế Sơn có điều kiện xây dựng các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.P

Hiệu quả từ nguồn vốn vay

Nhận thấy bò 3B là loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao, năm 2018 ông Ngô Văn Tâm ở thôn Tây Nam (xã Quế Mỹ, Quế Sơn) vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quế Sơn, cộng với số tiền tích lũy của mình, ông đầu tư làm chuồng trại và mua 4 con bò 3B về nuôi.

Với lợi thế đất đai sẵn có, ông Tâm trồng 10 sào cỏ voi nguyên liệu, mua thêm rơm và các loại thức ăn tinh như cám gạo, bắp, sắn… cho bò ăn. Việc tiêm phòng dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất tiêu độc khử trùng được ông thực hiện định kỳ.

Nhờ vậy, thời gian qua đàn bò phát triển nhanh, từ 4 con ban đầu đến nay tăng lên 30 con. Sau khi nuôi từ 10 - 12 tháng, mỗi con bò đạt trọng lượng khoảng 600 - 700kg hơi, ông xuất bán với mức giá 55 - 60 triệu đồng/con. Có nguồn thu nhập khá, ông Tâm tiếp tục thuê đất đầu tư chuồng trại nuôi mỗi lứa 200 con heo thịt và hơn 4 nghìn con vịt để nâng cao hiệu quả kinh tế.

“Mỗi năm việc chăn nuôi đem lại lợi nhuận cho gia đình tôi hơn 300 triệu đồng. Có được kết quả như hôm nay, tôi cho rằng ngoài việc mạnh dạn đầu tư sản xuất, quyết tâm làm giàu thì sự tiếp sức từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH là rất quan trọng, tạo bước ngoặt để người nông dân như tôi vươn lên thoát nghèo bền vững” - ông Ngô Văn Tâm chia sẻ.

Giữa năm 2020, ông Dương Ngọc Xinh ở tổ dân phố Thuận An (thị trấn Đông Phú, Quế Sơn) vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện đầu tư thêm vào mua máy sấy để mở rộng quy mô sản xuất phở sắn, bánh tráng sắn.

Từ khi có máy sấy, cơ sở của ông Xinh chủ động hơn trong việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, không còn lo ngại trời mưa hay nắng yếu. Hiện nay, cơ sở của ông có 6 lao động làm việc thường xuyên, mỗi ngày sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 200kg phở sắn, bánh tráng sắn khô. Năm 2021 này, ước tính cơ sở của ông Xinh thu về lãi ròng hơn 80 triệu đồng.

“Do dịch Covid-19, đầu ra sản phẩm gặp khó, tôi được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Điều này rất kịp thời và hữu ích, giúp tôi có thêm điều kiện duy trì và mở rộng sản xuất, đưa sản phẩm đặc trưng của Quế Sơn vươn xa hơn” – ông Xinh nói.

Góp phần giảm nghèo bền vững

Bà Nguyễn Thị Trầm Vi – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đông Phú cho biết, thị trấn có 626 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách vay vốn từ Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ hơn 49 tỷ đồng.

Khảo sát cho thấy, nhờ phương án sản xuất – kinh doanh bài bản nên những năm qua rất nhiều hộ vay vốn làm ăn hiệu quả, trả nợ đúng hạn và vươn lên khá giả, tiêu biểu như hộ bà Nguyễn Thị Bình Yên (kinh doanh ăn uống), ông Trần Văn Quang (làm nghề chạm - điêu khắc), bà Huỳnh Thị Kim Hạnh (làm chả)…

Được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng CSXH, ông Dương Ngọc Xinh (Đông Phú, Quế Sơn) mở rộng cơ sở sản xuất phở sắn. Ảnh: T.P
Được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng CSXH, ông Dương Ngọc Xinh (Đông Phú, Quế Sơn) mở rộng cơ sở sản xuất phở sắn. Ảnh: T.P

“Nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Đông Phú giảm còn 3,06% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 3,10%” – bà Vi nói.

Bà Trần Thị Mỹ Hằng – Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Quế Sơn cho biết, để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và các gia đình chính sách tiếp cận với những chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH, đơn vị đã đưa hoạt động nghiệp vụ về phục vụ ngay tại điểm giao dịch ở 13 xã, thị trấn.

Bố trí thời gian giao dịch cụ thể cho 13 điểm từ ngày 6 đến ngày 25 hàng tháng. Qua đó, giúp người nghèo và đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Phòng giao dịch thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng với tổng dư nợ 385 tỷ đồng, có 8.642 hộ đang vay vốn.

Riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng doanh số cho vay đạt hơn 123 tỷ đồng với 2.917 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời đáp ứng sự mong mỏi của người dân.

Giúp họ có điều kiện đầu tư xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả và phát triển sản xuất - kinh doanh nhiều loại hình khác. Từ đó, góp phần nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Trong 5 năm 2016 - 2020, toàn huyện Quế Sơn có 2.700 hộ thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn nhìn nhận, trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt được kết quả khá tốt, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao, chất lượng tín dụng được giữ vững.

Ngân hàng CSXH đã góp phần quan trọng thực hiện các chính sách, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO