Ngày 30.11, Sở Thông tin và truyền thông tổ chức hội nghị sơ kết công tác triển khai thực hiện Đề án “Phát triển hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”.
Ngày 30.11, Sở Thông tin và truyền thông tổ chức hội nghị sơ kết công tác triển khai thực hiện Đề án “Phát triển hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong gần 5 năm triển khai đề án, đã đầu tư mới theo lộ trình cho 96 điểm BĐVHX và duy trì hoạt động cho 50 điểm BĐVHX (theo Quyết định 2937/QĐ-UBND). Kết quả, giai đoạn 2015 - 2019 đã tiến hành đầu tư 192 máy tính, 192 bộ bàn ghế máy tính, 96 tủ sách, 96 bộ bàn ghế đọc sách; 27.839 đầu sách, hơn 343.263 đầu báo. Đồng thời hằng năm Sở Thông tin và truyền thông tổ chức các lớp tập huấn đào tạo nghiệp vụ thư viện, bưu chính, viễn thông, kỹ năng sử dụng máy tính và truy cập internet cho nhân viên điểm BĐVHX. Tổng kinh phí đầu tư của đề án đến nay hơn 5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, trong các năm qua, Bưu điện tỉnh đã ưu tiên chi phí sửa chữa tài sản của đơn vị để tập trung sửa chữa khắc phục những hư hỏng tại các BĐVHX. Bưu điện tỉnh đã đầu tư bàn ghế đọc sách thêm cho các điểm, huy động quyên góp sách các loại để đảm bảo điểm BĐVHX nào cũng có sách phục vụ nhân dân.
Với quyết tâm xây dựng và phát triển điểm BĐVHX thành trung tâm cung cấp thông tin cộng đồng, phục vụ xây dựng nông thôn mới, cùng với sự đầu tư của Nhà nước và của ngành bưu điện, BĐVHX đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Các tường rào quanh khuôn viên cũng được sửa chữa lại. Cùng với cơ sở, nhân viên tại điểm cũng đã được đơn vị tuyển chọn cẩn thận để đáp ứng được nhu cầu công việc. Qua 5 năm triển khai và thực hiện, hiện nay BĐVHX đã thu hút được rất nhiều người dân tới giao dịch, chuyển phát thư từ, chuyển tiền,… Số lượng người dân đến điểm BĐVHX để sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin thông qua sách báo, internet ngày càng tăng (30 - 50%), nhất là các điểm ở vùng đồng bằng.
Bưu điện tỉnh Quảng Nam cũng đã chủ động các biện pháp để khuyến khích người lao động phát triển dịch vụ. Theo đó, căn cứ trên doanh thu các dịch vụ trong tháng, người lao động sẽ được trả thêm phần trăm hoa hồng theo quy định. Ngoài ra Bưu điện tỉnh xây dựng cơ chế khuyến khích tăng trưởng doanh thu, giao chỉ tiêu kế hoạch sản lượng, doanh thu; xem xét đưa các dịch vụ phù hợp với đặc điểm của từng địa phương vào các điểm BĐVHX và quy định mức chi hoa hồng một số dịch vụ ngoài các dịch vụ bắt buộc. Bên cạnh đó, nhờ sự thay đổi cung cách phục vụ, năng động phát triển dịch vụ, đặc biệt là từ khi triển khai Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm BĐVHX phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2015, cho đến đề án “Phát triển hệ thống điểm BĐVHX đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020” giai đoạn 2015 - 2019 hoạt động tại điểm BĐVHX xã đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Ngoài các dịch vụ truyền thống của ngành, Bưu điện tỉnh triển khai thêm một số dịch vụ khác như dịch vụ hành chính công, chi trả lương hưu, người có công với cách mạng, trợ cấp bảo hiểm xã hội, thu cước các dịch vụ viễn thông, kinh doanh các loại hình bảo hiểm, bán hàng tiêu dùng về nông thôn… tại một số điểm BĐVHX hiện nay Bưu điện tỉnh đang triển khai mô hình BĐVHX đa dịch vụ. Nổi bật về hiệu quả đề án mang lại sự thay đổi cho bộ mặt BĐVHX là các điểm BĐVHX Tiên Mỹ, Duy Sơn, Quế Long, Điện Phước, Đại Phong,...