Thời gian qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều nông dân huyện Thăng Bình đã mạnh dạn đầu tư, phát triển nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân Huỳnh Công Phượng, (thôn Tú Cẩm, xã Bình Tú, Thăng Bình) được biết đến với mô hình sản xuất nấm linh chi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm trước vì thiếu vốn nên ông Phượng phải loay hoay mượn vốn để đầu tư cho mô hình kinh tế này. Nhưng kể từ khi được Hội Nông dân huyện trực tiếp hướng dẫn các thủ tục vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, ông Phượng được giải quyết cho vay vốn kịp thời, nhờ vậy mà mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất. Ông Phượng nói: “Được Hội Nông dân huyện Thăng Bình tạo điều kiện cho gia đình vay vốn, tôi mạnh dạn mở rộng trại nấm linh chi rộng 300m2. Mô hình trồng nấm này bước đầu cho nguồn thu nhập khá, tuy nhiên người nông dân cần phải nắm chắc kỹ thuật, phương pháp bảo quản mới có thể trồng loại nấm này đạt hiệu quả”.
Nguồn thu nhập từ cây nấm linh chi cao hơn so với các sản phẩm nông nghiệp khác vì giá bán ra khá cao, bình quân 1kg nấm khoảng 700 - 800 nghìn đồng. Bình quân mỗi năm, trại nấm của ông Phượng thu được hơn 100 triệu đồng. Mô hình nấm linh chi của nông dân này đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động ở địa phương. Ngoài việc bán cho bạn hàng ở TP.Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị khác cũng đến thu mua nấm linh chi của ông Phượng để chế biến thành các loại thuốc vì cây nấm có tính dược liệu cao. Năm nay, ông Phượng mạnh dạn vay gần 60 triệu đồng tiếp tục mở rộng đầu tư mô hình sản xuất nấm linh chi. Tuy nhiên, ông vẫn còn lo về mức lãi suất phải trả cho số tiền vay của mình. Ông cho biết: “Phải nói rằng mức phí mà hội viên phải trả vẫn còn khá cao, khoảng 0,7%/tháng. Cho nên chúng tôi đề nghị với các cấp hội cần có cơ chế làm sao đó đưa lãi suất thấp hơn và thực sự là điểm tựa vững chắc cho người dân”.
Nông dân Huỳnh Công Phượng bên mô hình trồng nấm linh chi. Ảnh: T.B |
Ông Lê Hữu Trắc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thăng Bình cho biết thêm, những năm qua, để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác, Hội Nông dân huyện đã tiến hành khảo sát đối tượng, hội viên nông dân trên địa bàn để đầu tư vốn đúng mục đích và khai thác được tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương. Công tác thẩm định hồ sơ, giải ngân, theo dõi, thu phí, lưu trữ hồ sơ đều được tiến hành một cách chặt chẽ, đúng quy trình, đúng đối tượng. Từ nguồn vốn này đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân trên địa bàn huyện, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, Hội Nông dân huyện Thăng Bình trực tiếp là kênh cho hội viên nông dân vay hơn 2,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương, tỉnh, huyện. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, nhiều hội viên thoát được nghèo, vươn lên làm giàu trên quê hương.
THÁI BÌNH