Đông Giang tích cực phát huy thế mạnh, khai thác tiềm năng, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.
Sản phẩm đặc trưng
Thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của núi rừng Đông Giang như ớt A Riêu, chè dây Ra zéh, rượu Ka kun, chuối mốc Đông Giang, chè xanh Quyết Thắng, đan lát, dệt thổ cẩm Đhrồng… đã được nhiều người biết đến. Ngày càng giảm tình trạng thu hái ồ ạt, bán ra nhỏ lẻ với giá trị thấp, chất lượng chưa đảm bảo. Kết quả này xuất phát từ việc nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, cơ sở sản xuất trên địa bàn Đông Giang thành lập và đi vào hoạt động đã giải quyết đầu ra, nhân trồng đảm bảo nguyên liệu lâu dài và chế biến sâu.
Về chè dây Ra zéh từ lâu được đồng bào dân tộc miền núi sử dụng chữa các loại bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột, tác dụng an thần, chữa mất ngủ. Loại dược liệu này mọc dưới tán rừng, thích nghi với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng địa bàn xã Tư và vùng giáp ranh. Trước đây, chè dây bị suy giảm vì khai thác ồ ạt, không nhân giống và chăm sóc; bảo quản mang tính truyền thống, thủ công nên dễ bị ẩm mốc; các điểm thu mua, trao đổi mang tính tự phát, phụ thuộc vào bạn hàng.
Với tình hình đó, HTX Nông nghiệp xã Tư ra đời đã làm đầu mối vận động trồng, khoanh nuôi, thu mua cho người dân, chế biến chè dây và tiếp thị sản phẩm. “Chè dây Ra zéh” cũng đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể độc quyền; tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được UBND tỉnh xếp hạng 3 sao.
Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, bên cạnh phát triển các loại dược liệu dưới tán rừng theo nghị quyết của tỉnh, địa phương đưa thêm vào đó 2 loại sản vật bản địa gồm ớt A Riêu, chè dây Ra zéh để đầu tư thực hiện. Các loại nông sản đặc trưng dần tiếp cận người tiêu dùng ngoài huyện, mang lại thu nhập ổn định và mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho đồng bào.
Cạnh đó, Đông Giang quy hoạch và triển khai một số vùng sản xuất tập trung với 16.600ha cây keo nguyên liệu (gần 2.000ha rừng gỗ lớn) và các loại cây chuối, mây dưới tán rừng, chè dây, ớt, lòn bon với diện tích hơn 1.580ha. Đồng thời hoàn thành quy hoạch phát triển rừng gỗ lớn gắn xây dựng chứng chỉ FSC (Hội đồng quản trị rừng quốc tế) rộng 10.000ha; quy hoạch phát triển dược liệu hơn 7.000ha, đang trồng khảo nghiệm gần 46ha dưới tán rừng. Giải quyết đầu ra cho cây keo và rừng gỗ lớn, huyện đồng hành hỗ trợ Công ty TNHH Nga Doanh Miền Trung xây dựng, đưa vào hoạt động nhà máy ván, dăm; xúc tiến, hỗ trợ Công ty TNHH Hào Hưng đề xuất dự án đầu tư, liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn, xây dựng nhà máy ván Okal, viên nén năng lượng…
Điểm tựa du lịch
Nằm trên địa bàn 2 xã Mà Cooih và Kà Dăng, khu du lịch (DL) sinh thái Cổng trời Đông Giang đã bước vào phần hoàn thiện đầu tư cuối cùng của giai đoạn 1 với nguồn vốn 1.000 tỷ đồng, trên diện tích 120ha. Dựa vào nền tảng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cùng quần thể hang động - thác - suối đẹp như tranh, hàng trăm loài thực vật được bảo tồn và lai tạo, “Cổng trời Đông Giang” sẽ là tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí hứa hẹn mang đến cho du khách gần xa những trải nghiệm mới mẻ và sử dụng các dịch vụ đa dạng.
“Quả ngọt” kêu gọi xúc tiến đầu tư để khai phá tiềm năng, lợi thế về DL dịch vụ của địa phương còn có các dự án đã được tỉnh chấp thuận và sẽ triển khai trong tương lai không xa như khu DL sinh thái Trường Sơn - Sông Bung, khu phức hợp Fivitel Prao, khu DL sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Tây Bà Nà, khu DL sinh thái suối khoáng nóng A Păng.
Đông Giang xác định, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu sẽ là điểm tựa cho DL cộng đồng “cất cánh”. Vậy nên, địa phương đã chăm lo thực hiện, phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn, nhiều tổ chức quốc tế tiến hành hướng dẫn khôi phục và phát triển nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, chế tác các loại nhạc cụ. Từ đây, các điểm DL cộng đồng gắn với làng nghề hình thành, như Làng DL cộng đồng thôn Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn), Làng DL cộng đồng thôn Đhrôồng (xã Tà Lu).
Phát huy nét đẹp văn hóa của tộc người Cơ Tu, nhất là 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là múa tân tung da dá, nói lý - hát lý, dệt thổ cẩm kết hợp xây dựng các sản phẩm DL cộng đồng được chú trọng triển khai. Cạnh đó, địa phương có 56 gươl, sưu tầm được 76 hiện vật, thành lập 48 đội trống chiêng; duy trì, phục dựng một số lễ hội (lễ hội ăn mừng lúa mới, lễ đoàn kết...). Văn hóa ẩm thực truyền thống đưa vào trong các dịp lễ hội, tiếp khách và bước đầu phục vụ DL, trở thành món ăn đặc sản của địa phương đối với du khách khi đến huyện Đông Giang.