Sau ngày tái lập huyện đến nay, nhờ phát huy thế mạnh địa phương, Nông Sơn đã tạo ra cú hích trên lĩnh vực kinh tế nông lâm nghiệp.
Keo nguyên liệu là cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện. Ảnh: NGUYỄN SỰ |
Chăn nuôi được xem là ngành chủ lực của huyện Nông Sơn. Hiện tổng đàn bò trên địa bàn huyện ước khoảng 3.200 con. Những năm qua, nhờ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để cải tạo chất lượng con giống nên tỷ lệ bò lai tăng lên rất nhanh. Thống kê cho thấy, tính đến giữa tháng 7.2014 này, trong tổng số bò của huyện thì bò lai và bò có nhóm máu lai chiếm xấp xỉ 50%, tăng 30% so với thời điểm cuối năm 2008. Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết, hiện nay ở Nông Sơn có 50 mô hình chăn nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao. Các trang trại bò này thả nuôi với số lượng bình quân 15 - 20 con/mô hình. Hằng năm, mỗi mô hình thu về 150 - 200 triệu đồng. “Có thể khẳng định, chăn nuôi bò đàn theo phương thức hàng hóa đang là hướng mở để người dân Nông Sơn xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Trong những năm tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nông dân bằng nhiều cơ chế cụ thể nhằm sớm nhân rộng mô hình này” – ông Lanh nói.
Giờ đây về nhiều vùng quê của Nông Sơn, không khó để bắt gặp những nông dân nhanh chóng giàu lên từ mô hình trồng keo nguyên liệu. Sau nhiều năm cần mẫn khai hoang, cải tạo những khu đất đồi cằn cỗi, cách đây hơn 10 năm, ông Trần Kiều (thôn Thạch Bích, xã Quế Lâm) tiến hành trồng 20ha keo lai. Sau 2 lần khai thác rồi trồng lại, ông Kiều đã thu về hàng tỷ đồng từ cánh rừng nguyên liệu này. Cách nhà ông Kiều không xa, ông Mai Văn Đào (thôn Tứ Trung 1, xã Quế Lâm) cũng đang chăm sóc cho rừng keo lai xanh tốt của mình. Ngoài số tiền khá lớn đã thu được trong những năm qua, ông Đào hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục thu 800 - 900 triệu đồng từ 20ha rừng keo của gia đình.
Ông Trần Thiện Thắng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, nhờ làm tốt công tác giao đất, giao rừng nên đến nay toàn bộ 6.228ha đất trống, đồi trọc ở Nông Sơn đã được nông dân phủ xanh bởi những rừng keo lai xanh tít tắp. Theo thống kê, bình quân hằng năm người dân nơi đây đưa vào khai thác khoảng 1.400ha keo lai, thu về ít nhất 70 tỷ đồng. Ông Thắng nói: “Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, chúng tôi đã xác định keo lai là cây trồng chủ lực ở địa phương. Thực tế cho thấy, chính loại cây này đã cho nhiều gia đình thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu. Trong tương lai, đây vẫn sẽ là hướng đi triển vọng để người dân phát triển mạnh kinh tế hộ, góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới”.
Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, những năm gần đây Nông Sơn cũng rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển cây cao su. Ngoài 814ha cao su đại điền của Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam thì thời gian qua người dân đã tự bỏ tiền ra cải tạo đất, mua cây giống và các loại vật tư thiết yếu khác để trồng gần 80ha cao su theo phương thức tiểu điền. Số diện tích cao su tiểu điền này tập trung chủ yếu tại 3 xã Phước Ninh, Quế Lâm, Quế Ninh. Hiện nay hầu hết vườn cao su tiểu điền của nông dân đều sinh trưởng tốt và hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo quy hoạch, từ nay đến cuối năm 2016, Nông Sơn sẽ tiếp tục nâng diện tích trồng cao su tiểu điền lên con số 160ha. Ngoài cơ chế hỗ trợ 5 triệu đồng/ha theo Quyết định số 11 của tỉnh thì UBND huyện Nông Sơn còn hỗ trợ thêm cho nông dân 5 triệu đồng/ha sau khi đầu tư trồng cao su tiểu điền.
NGUYỄN SỰ