Phát huy tiềm năng cây quế Trà My

PHƯƠNG THUẬN 23/04/2018 14:19

Phát triển cây quế bản địa trở thành một thế mạnh để phát triển kinh tế địa phương là một trong những vấn đề mà hội nghị bàn giải pháp xúc tiến đầu tư và phát triển cây quế Trà My vừa được tổ chức tại huyện Nam Trà My.

Việc bảo tồn giống gen của cây quế Trà My được xem là một nhiệm vụ rất quan trọng trong thời gian tới.Ảnh: P.THUẬN
Việc bảo tồn giống gen của cây quế Trà My được xem là một nhiệm vụ rất quan trọng trong thời gian tới.Ảnh: P.THUẬN

Phát triển trên diện tích lớn

Cây quế Trà My có hàm lượng tinh dầu cao, hương vị đặc trưng, lớp vỏ dày và thơm. Nhờ những đặc tính đó, quế Trà My được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng và gọi là “cao sơn ngọc quế” từ xa xưa.  Vì thế, những năm gần đây huyện Nam Trà My dốc sức khôi phục nghề trồng quế trở thành một thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện cũng như tỉnh, xem đây là phương án thoát nghèo, giảm nghèo bền vững cho đồng bào nơi đây. Đồng hành với sự phát triển cây quế Trà My, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi cho sự bảo tồn, đầu tư và phát triển cây quế. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết 40 ngày 7.12.2017 về cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây quế Trà My cho gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn huyện với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho phát triển nguồn giống mới với 80% giá trị mỗi cây, hỗ trợ mỗi gia đình trồng quế 5.500.000 đồng/ha. Qua đó, từng bước giúp cho việc phát triển cây quế trên địa bàn huyện Nam Trà My trong thời gian qua đã có bước chuyển biến tích cực.

Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để cây quế Trà My phát triển, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quy hoạch vùng bảo tồn và các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc nhân rộng diện tích trồng quế. “Trong thời gian tới, cần phát triển cây quế Trà My theo kiểu liên kết chuỗi giá trị, từ khâu chọn lựa giống, gieo ươm, chăm sóc, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, mỗi giai đoạn sẽ có một cơ quan chuyên trách đảm nhận như khâu chọn giống sẽ do sở phối hợp với huyện Nam Trà My chọn và lưu giữ nhiều giống tối ưu” - ông Hưng chia sẻ.

UBND huyện Nam Trà My cũng đã có nhiều cơ chế chính sách và giải pháp để đưa ra hướng đi thích hợp để phát triển cây quế trên địa bàn. Các giải pháp chủ yếu là về cơ chế chính sách khuyến khích; điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị nâng cao cho sản phẩm quế Trà My; công tác xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu Quế Trà My; thực hiện chính sách ưu đãi vay vốn và thuế cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, chế biến sản phẩm quế... Bên cạnh đó, việc thực hiện đề án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế Trà My, tiến hành trồng mới cây quế trên địa bàn 10 xã với hơn 3.000ha quế, xây dựng vườn quế gieo ươm từ 1,5 triệu giống mỗi năm, tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng.

“Từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và việc lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, các nguồn vốn hỗ trợ các cơ chế khuyến khích pháp triển sản xuất nông nghiệp… Từ đó, người dân cũng được hưởng lợi và ngày càng phát triển diện tích quế ngày càng cao, thu nhập đã được cải thiện hẳn. Ở Nam Trà My, không chỉ có sâm Ngọc Linh là kinh tế mũi nhọn, mà còn rất nhiều loại dược liệu khác có thể giải quyết vấn đề thoát nghèo cho bà con”, ông Trần Văn Mẫn - Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói.

Đưa sản phẩm quế ra nước ngoài

 Tại hội nghị vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc phát triển cây quế Trà My. Đặc biệt, trong đó có cả những doanh nghiệp nước ngoài muốn tìm hiểu về loại cây này. Ông Reggie Turner - Tổng giám đốc công ty Barmist Pty Ltd (Úc), cho biết, hiện nay nhu cầu sự dụng quế trên trên thế giới đang có xu hương tăng lên, ở Úc tỷ lệ nhu cầu sự dụng quế tăng 20% mỗi năm. “Tôi nghĩ, cơ hội cho cây quế ở Việt Nam phụ thuộc vào sự công nhận chất lượng và tôi cũng thừa nhận sản phẩm quế của Việt Nam có chất lượng cao. Để đem chất lượng đó đến với người dùng trên thế giới, cần đăng ký nhãn hiệu và tạo dựng thương hiệu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thị trường thế giới” - ông Reggie Turner nói.

Theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, việc phát triển cây quế là nhiệm vụ quan trọng, làm thế nào để vừa bảo tồn được nguồn gen quý của quế Trà My, không bị pha tạp hay lai giống từ các địa phương khác, vừa phát triển mạnh diện tích quế là điều không đơn giản. “Để làm được điều đó, cần có sự gắn kết 5 nhà cùng bắt tay vào thực hiện: nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà ngân hàng - nhà khoa học. Trước mắt huyện xác định bảo tồn và phát triển cây quế là tập trung hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp cùng nhau phát triển. Qua đó, định hướng của huyện đến năm 2020 sẽ xây dựng vùng quế chuyên canh hơn 6.000ha và hơn 5ha vùng bảo tồn giống gen” - ông Mẫn thông tin thêm. “Tôi đã đi tìm hiểu về cây quế ở 11 nước trên thế giới nên có thể khẳng định, cây quế Trà My là cây dược liệu quý, những sản phẩm làm ra từ cây quế ở công ty tôi được nhiều người tiêu dùng khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Đức... rất ưa chuộng. Vì vậy, chính quyền địa phương cần đầu tư một cách bài bản để phát triển hết tiềm năng của cây quế nhằm khôi phục lại vị thế của cây quế như những năm 80 của thế kỷ trước” - ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty Hương Quế kiến nghị.

PHƯƠNG THUẬN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát huy tiềm năng cây quế Trà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO