Theo khảo sát qua các kênh thông tin, trong đó có kênh phản ánh qua đường dây nóng của Trung tâm Hỗ trợ du khách Quảng Nam, phần lớn du khách đều hài lòng với các dịch vụ du lịch hiện có ở Khu di tích Mỹ Sơn (Duy Xuyên).
Biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm - sản phẩm độc đáo và trở thành nhu cầu không thể thiếu của du khách khi tham quan Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Sự hài lòng của du khách là thành công ban đầu chứng minh cho những nỗ lực không ngừng của Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, từ quá trình hợp tác, Ban quản lý đã chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp du lịch tham gia quảng bá, ký kết hợp tác với các đơn vị lữ hành đưa khách đến Mỹ Sơn. Hàng năm, Ban quản lý còn liên kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Câu lạc bộ Hướng dẫn viên Quảng Nam, Đà Nẵng, chủ động tổ chức các hoạt động gặp mặt để thu hút du khách đến với Di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn. Đồng thời mở rộng tìm kiếm cơ hội phát triển tiềm năng du lịch vùng xung quanh như Thạch Bàn và các di tích phụ cận.
Năm 2017 Mỹ Sơn đón hơn 367.340 lượt khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế hơn 304.110 lượt. Ảnh: TRỌNG KHANG |
Những năm trở lại đây, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch; trong đó dịch vụ biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm đã trở thành sản phẩm độc đáo và trở thành nhu cầu không thể thiếu của du khách khi tham quan Mỹ Sơn. Suất diễn được trải đều trong ngày và nâng từ 4 suất lên 6 suất/ngày, ngoài nhà biểu diễn còn tổ chức tại nhiều địa điểm trong không gian di tích. Ban quản lý còn đầu tư đa dạng các loại hình biểu diễn bao gồm tiết mục múa trống hội, múa apsara 4 điệu, đội nước, đạp lửa, cùng những tiết mục biểu diễn kèn saranai, trống ginăng. Từ năm 2016, các tiết mục mới như trích đoạn “Lễ hội qua sông thiêng”, các điệu truyền thống trong lễ hội Rija-Prông Tâu thik được đưa vào biểu diễn luân phiên nhằm đa dạng sản phẩm, tránh sự lặp lại gây nhàm chán. Những điều chỉnh này đã đem lại sự hài lòng cho du khách và thuận lợi về mặt thời gian để các công ty bố trí tham quan hợp lý, góp phần kéo giãn việc tập trung khách tránh tạo thành “giờ cao điểm” gây áp lực lên di tích. “Du lịch hướng đến hiện đại, thân thiện môi trường và trách nhiệm đang dần hiện hữu tại Khu di tích Mỹ Sơn” - ông Hộ nói.
Những nỗ lực của Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã gặt hái nhiều thành công, riêng năm 2017 Mỹ Sơn đã đón hơn 367.340 lượt khách đến tham quan, du lịch (tăng 12,87% so với năm 2016), trong đó khách quốc tế hơn 304.110 lượt; doanh thu qua vé gần 51 tỷ đồng. Tuy vậy, việc phát huy tiềm năng du lịch Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vẫn còn nhiều thách thức. Khó khăn lớn nhất của du lịch Mỹ Sơn hiện nay là việc hướng du lịch đến cộng đồng nhằm chia sẻ quyền lợi, tăng trách nhiệm - đây là nội dung quan trọng trong phát triển du lịch đối với một điểm di sản mà giá trị cộng đồng có tính chất quan trọng như Mỹ Sơn. Các giải pháp trước đây để cộng đồng cùng tham gia vào hoạt động tại khu di sản thực chất chưa mang lại nhiều hiệu quả. Việc tuyển chọn con em địa phương vào làm các công việc phổ thông cũng chỉ ở một số lượng khiêm tốn; Làng du lịch cộng đồng Homestay Mỹ Sơn hình thành vào năm 2013 từ nguồn tài trợ của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, trải qua nhiều năm hoạt động vẫn chưa thu hút khách; tính chất lan tỏa của du lịch chưa thực sự mang lại sinh kế cho người dân trong khu vực… Chính vì vậy, việc tiếp tục tìm giải pháp hướng du lịch ra cộng đồng của Mỹ Sơn hiện nay vẫn là hướng đi nhằm phát triển du lịch bền vững. Từ năm 2017 Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã kêu gọi, liên kết các doanh nghiệp làm tour tuyến; tiến hành khảo sát, xây dựng sản phẩm bên ngoài khu di sản. Kết hợp tận dụng các nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng nhằm đẩy mạnh cải tạo hạ tầng khu vực Khe Thẻ, cải tạo bến thuyền đập Thạch Bàn, phối hợp với chính quyền địa phương, xã Duy Phú cùng tham vấn cộng đồng xây dựng các sản phẩm du lịch. Trên cơ sở đó, năm 2018 Ban quản lý có kế hoạch đưa các tour Mỹ Sơn - Thạch Bàn, Mỹ Sơn - Thạch Bàn - Đại Bình (Nông Sơn) vào hoạt động, cùng với việc vực dậy Làng du lịch cộng đồng homestay và phát triển các sản phẩm về nông nghiệp, làng nghề của địa phương làm hàng lưu niệm” - ông Phan Hồ cho biết.
HOÀNG THƠ - VĂN KHOA