(QNO) - Chiều nay 6.9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh có đại diện các sở, ban ngành liên quan.
Thiệt hại nặng do thiên tai
Báo cáo tại cuộc họp, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho hay, năm 2021, thời tiết thủy văn các địa phương trên địa bàn tỉnh có biến động lớn, diễn biến rất phức tạp. Quảng Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 5, ảnh hưởng gián tiếp của bão số 6, số 7, số 9 và 16 đợt không khí lạnh.
Năm 2021, lượng mưa tại các địa phương Quảng Nam có biến động rất lớn, các tháng mùa khô lượng mưa đều thấp hơn trung bình năm ngoái, bắt đầu khá sớm và kết thúc khá muộn.
Ảnh hưởng của 10 đợt thiên tai đã làm 3 người chết, 15 người bị thương; thiệt hại nhiều nhà ở; hơn 4.300ha lúa bị thiệt hại từ 30% trở lên, hơn 5.200ha mạ và hoa màu bị thiệt hại hơn 70%. Ước tính thiệt hại các đợt thiên tai khoảng 980 tỷ đồng.
Đáng chú ý, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn trái mùa từ ngày 30.3 đến 4.4.2022 và dông lốc, sét, mưa lớn cục bộ đã gây thiệt hại nặng nề về người, nhà ở, sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng... với tổng thiệt hại ước tỉnh khoảng 1.016 tỷ đồng.
Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 45 vụ tai nạn, sự cố trên biển, làm chết 4 người, mất tích 2 người; ốm đau, bị thương 14 người. Có 13 tàu bị chìm, 1 tàu bị cháy, 12 tàu hỏng hóc. Các đơn vị, địa phương đã huy động hơn 7.600 lượt người tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Trong các đợt khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 5, 6, 7, 8 gây ra năm 2021, các địa phương triển khai lực lượng quân sự, công an, dân quân, các ban ngành, đoàn thể, sử dụng lực lượng tại chỗ cùng với nhân dân di dời 2.957 hộ dân với 9.116 nhân khẩu ở khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Đồng thời sửa chữa nhà cửa, trường học và hệ thống dẫn nước sinh hoạt cho nhân dân, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả về hệ thống điện và động viên các gia đình bị thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra.
Chủ động ứng phó
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương kiến nghị nhiều tồn tại, vướng mắc trong công tác PCTT&TKCN. Từ đó hoàn thiện, điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai trên toàn tỉnh; khắc phục những điểm thiếu sót, hạn chế, nhất là trong công tác báo cáo, tổng hợp thiệt hại, báo cáo phân bổ, giải ngân kinh phí khắc phục...
Ông Trương Xuân Tý - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các địa phương tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo; rà soát, kiện toàn cơ quan chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; phân công trách nhiệm từng thành viên, từng cơ quan, tổ chức; cập nhật, bổ sung phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ.
Trong đó, đặc biệt lưu ý các kịch bản cụ thể để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai nguy hiểm, nhất là mưa lũ lớn dài ngày, bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt theo hướng phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó rủi ro năm 2022 trong bối cảnh dịch Covid-19.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các địa phương tập trung, chủ động, nắm thông tin nhanh, kịp thời, nhưng phải đảm bảo chính xác. Đối với phương án ứng phó thiên tai theo từng cấp độ, các địa phương chủ động nâng cao năng lực ứng phó trong mọi tình huống, kể cả tắc đường, cô lập ở miền núi.
Theo ông Hồ Quang Bửu, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ phục vụ công tác dự báo, chỉ đạo điều hành PCTT. Những kinh nghiệm từ người dân, cũng như kinh nghiệm trong công tác PCTT&TKCN các năm trước sẽ được tích hợp, nhân rộng, từ đó phát huy hiệu quả hơn nữa phương châm “4 tại chỗ”.
“Tính toán dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm trong thời gian tối thiểu 1 tháng cho người dân và các phương tiện phục vụ ứng phó, PCTT. Quan trọng nhất vẫn là củng cố nhận thức, ý thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong công tác này, giảm thiểu những rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.