Phát huy vai trò người có uy tín

V.ANH 13/01/2023 08:09

UBND tỉnh vừa tặng Bằng khen 17 cá nhân là người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (giai đoạn 2011 - 2022) trên địa bàn tỉnh. Đây là những tấm gương sáng, là cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng người có uy tín tiêu biểu. Ảnh: VINH ANH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng người có uy tín tiêu biểu. Ảnh: VINH ANH

Vun đắp khối đại đoàn kết

Toàn tỉnh có 397 người có uy tín trong cộng đồng, trong đó có 132 già làng, 35 trưởng thôn, 94 hưu trí, 17 nghệ sĩ, trí thức, 34 trưởng dòng họ, chức sắc, tôn giáo, 46 điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và 39 cá nhân ở các thành phần khác.

Trong số này, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc…

“Tôi đề nghị người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò nêu gương sáng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi như lời Bác Hồ từng căn dặn “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Nếu người có uy tín nêu gương thì đồng bào dân tộc thiểu số sẽ làm tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

(Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng)

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, NCUT đã tích cực tuyên truyền và vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi; mạnh dạn vay vốn phát triển các mô kinh tế, tạo thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu chính đáng.

Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như mô hình trồng rừng sản xuất kết hợp với chăn nuôi bò của bà con dân tộc Cor tại xã Trà Giang (huyện Bắc Trà My); mô hình trồng cây dược liệu của bà con dân tộc Xơ Đăng, Ca Dong (huyện Nam Trà My)...

Bà Hồ Thị Huệ - dân tộc Xơ Đăng là người có uy tín của thôn 4, xã Trà Cang (Nam Trà My). Không chỉ tích cực tuyên truyền, vận động, gia đình bà Huệ còn đi đầu trong phát triển kinh tế, giúp đỡ cộng đồng.

Trong vụ sản xuất năm 2022, gia đình bà thu hoạch được hơn 40 bao lúa nước ở ruộng bậc thang, hơn 50 bao lúa rẫy, bán hơn 3 tấn sắn cao sản; nuôi 12 con bò. Gia đình bà còn tham gia nhóm hộ trồng 100 gốc sâm Ngọc Linh, hơn 500 gốc sâm nam… “Với nguồn thu nhập ổn định, gia đình tôi đã chăm lo con ăn học đến nơi đến chốn” - bà Huệ nói.

 

Tại xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, ông Hồ Văn Dục là tấm gương sáng về làm kinh tế khi đang có trong tay gần 10ha keo cùng nhiều bò, heo, ruộng lúa nước… Ông luôn hướng dẫn, giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi cho nhiều người khác.

“Tôi đã vận động bà con tăng gia sản xuất, đồng thời đề xuất với chính quyền đầu tư tuyến đường nội đồng trong năm 2022. Có đường, bà con thuận lợi trong sản xuất nên tình trạng bỏ hoang ruộng đồng ít hơn” - ông Dục chia sẻ.

Phát huy vai trò nêu gương

Tại thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang, ông Bling Hạnh được biết đến với những đóng góp trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa.

Ông Bling Hạnh cho biết bản thân đã đi sưu tầm, vận động từng gia đình tìm kiếm, cất giữ các nhạc cụ truyền thống như cồng, trống, chiêng, khèn Ba rét, đàn Abel… Ông còn sáng tác các bài hát dân ca, làm biên đạo, viết kịch bản cho các lễ hội dân gian của đồng bào Cơ Tu…

Với những đóng góp cho văn hóa Cơ Tu, năm 2019 ông Hạnh vinh dự được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân tú” vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy văn hóa phi vật thể.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đạt nhiều kết quả. Trong giai đoạn 2011 - 2022, toàn tỉnh có 286 người có uy tín đạt thành tích xuất sắc tiêu biểu được các cấp khen thưởng.

Toàn tỉnh đã tổ chức 45 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín với tổng số 2.279 lượt người tham gia; tổ chức 220 lượt người đi học tập các mô hình chăn nuôi, sản xuất giỏi trong tỉnh; 100 lượt người đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh thành trong nước…

Phát huy vai trò người có uy tín, Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên cung cấp thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tình hình thời sự và những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch... nhằm giúp họ có điều kiện nghiên cứu, nâng cao nhận thức và đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, Quảng Nam còn nhiều việc phải khắc phục, cải thiện trong thời gian đến. Trong đó, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi gặp không ít khó khăn nhất là cơ sở hạ tầng, giao thông.

Đời sống về vật chất, tinh thần, dẫu không còn “đói cơm lạt muối” nhưng khẩu phần trong bữa ăn của đồng bào dân tộc thiểu số chưa đủ đầy… Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất cao, nhiều nơi chiếm 70 - 80%. Bên cạnh đó, những tập tục lạc hậu, tảo hôn vẫn xảy ra, giá trị truyền thống tốt đẹp bị mai một…

Đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị, người có uy tín cần tiếp tục vận động nhân dân “không tin, không nghe, không làm cho kẻ xấu”; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là bài trừ văn hóa đồi bại, mê tín dị đoan; phòng chống dịch bệnh, thực hiện nếp sống văn minh, không vi phạm pháp luật...

Các cấp ủy, chính quyền các huyện, xã chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên liên hệ, gắn bó mật thiết với người có uy tín, lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để tham mưu cho tỉnh thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia ở miền núi…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát huy vai trò người có uy tín
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO