Nhân kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã cung cấp nhiều thông tin về vai trò, vị trí và những đóng góp nổi bật của các cấp hội và hội viên nông dân trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn.
P.V:Thưa ông, thời gian qua các cấp hội có những việc làm cụ thể nào nhằm giúp hội viên nông dân phát triển mạnh kinh tế hộ, từng bước cải thiện cuộc sống?
Ông Vũ Văn Thẩm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. |
Ông Vũ Văn Thẩm: Nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giúp cư dân nông thôn nâng cao thu nhập để cải thiện cuộc sống, trong 9 tháng đầu năm 2016, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức đào tạo và phối hợp đào tạo nghề cho 1.970 lao động. Trong đó, chủ yếu là các ngành nghề nông nghiệp như chăn nuôi - thú y, trồng lúa năng suất cao, nuôi trồng thủy sản, trồng nấm, trồng dưa và những nghề phi nông nghiệp gồm may công nghiệp, đan mây tre, dệt thổ cẩm, mộc dân dụng, dệt kim, kỹ thuật sửa chữa xe gắn máy, vận hành - sửa chữa máy nông cụ…
Trong vụ hè thu năm nay, Trung tâm Dạy nghề & hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội Nông dân tỉnh ký hợp đồng với 2 doanh nghiệp để cung ứng 1.051 tấn phân bón theo hình thức trả chậm và trả góp cho nông dân của 63 xã ở các địa phương Tiên Phước, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Núi Thành, Tam Kỳ. Đặc biệt, công tác xây dựng và quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân của các cấp hội được duy trì tốt, đến nay tổng nguồn vốn hơn 38,4 tỷ đồng. Trong đó, cấp trung ương và tỉnh 25,8 tỷ đồng, cấp huyện và xã 12,6 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, Hội Nông dân tỉnh đã thẩm định và giải ngân cho 12 dự án, 114 hộ dân vay với tổng số tiền 4,590 tỷ đồng. Ngoài ra, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác nguồn vốn cho hội viên nông dân vay với tổng dư nợ đến thời điểm này hơn 1.224 tỷ đồng, qua đó giúp 51.293 lượt hộ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh…
Cán bộ và hội viên nông dân là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: VĂN SỰ |
P.V:Để tạo động lực cho nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, các cấp hội đã có những hoạt động gì, thưa ông?
Ông Vũ Văn Thẩm: Nhằm tạo động lực cho phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, thời gian qua các cấp hội nỗ lực vận động hội viên đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng và đóng góp công sức, tiền của thi công đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu để hình thành nên những mô hình cánh đồng mẫu. Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt để tái cơ cấu và hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Đồng thời các cấp hội trên toàn tỉnh cũng tích cực hỗ trợ hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo phương thức hàng hóa để nâng cao giá trị sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ chuyển biến rõ nét.
Để đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các cấp hội tập trung tuyên truyền, vận động nông dân không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và giảm thiểu mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất các loại nông sản. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp chế phẩm cho hàng nghìn hộ dân để sản xuất phân vi sinh phục vụ việc canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững. Thực tế cho thấy, những năm qua nông dân tại nhiều địa phương, nhất là ở Phú Ninh, Tiên Phước, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hội An, Núi Thành đã xây dựng được hàng loạt mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi heo hướng nạc, nuôi vịt trời, trồng rau quả an toàn… có mức thu nhập bình quân mỗi năm 200 - 300 triệu đồng/hộ.
P.V: Trong xây dựng mô hình nông thôn mới, cán bộ và hội viên nông dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo ông, đâu là những đóng góp quan trọng nhất?
Ông Vũ Văn Thẩm: Tính đến giữa tháng 10.2016, toàn tỉnh đã có 54 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn và huyện Phú Ninh, thị xã Điện Bàn được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phải khẳng định rằng, để đạt được thành quả to lớn đó, những năm qua có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ và hội viên nông dân ở nhiều địa phương. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, các cấp hội đã huy động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp hơn 2,4 tỷ đồng, 145 nghìn ngày công để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, làm mới 480km giao thông nông thôn và tự nguyện hiến rất nhiều diện tích đất để mở rộng đường cũng như xây dựng các công trình phúc lợi xã hội thiết yếu.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa gắn với thi công hệ thống giao thông nội đồng, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh còn tiến hành tu bổ, nạo vét 560km kênh mương và làm một số cầu cống, đập bổi nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, thời gian qua các cấp hội cũng tập trung vận động hội viên chỉnh trang tường rào cổng ngõ, di dời chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới và đến nay đã có 2.500 hộ nông dân thực hiện. Ngoài ra, còn có 216.250 hộ đăng ký xây dựng gia đình nông dân văn hóa…
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
NGUYỄN SỰ (thực hiện)