Phát huy vai trò quỹ tín dụng nhân dân

CÔNG TÚ 13/07/2021 04:29

Các quỹ tín dụng nhân dân (TDND) trên địa bàn Quảng Nam đã hỗ trợ đáng kể cho người dân về nguồn lực, nhất là sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh. Nhưng để phát huy tính ưu việt của quỹ, nhiều vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời. 

Trang trại nuôi heo địa phương của hộ ông Đặng Ngọc Tứ. Ảnh: C.T
Trang trại nuôi heo địa phương của hộ ông Đặng Ngọc Tứ. Ảnh: C.T

Trợ lực đáng kể

Đến xã Điện Phong (Điện Bàn), hỏi thăm ông Đặng Ngọc Tứ (trú thôn Cẩm Phú 2) thì rất nhiều người biết và tỏ ra khâm phục về tính chịu khó, cần mẫn làm ăn của lão nông này. Hiện ông đang thả nuôi gà ta thịt, vịt và heo địa phương trong 2 trang trại rộng gần 4.500m2.

Ông Tứ cho biết mỗi năm nuôi, xuất chuồng 650 con heo thịt và khoảng 9.000 con gà ta. Cạnh đó, có khoảng 20 con bò 3B cũng được bán ra. Tổng doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/ năm, trừ chi phí lãi gần 500 triệu đồng/ năm. Ông Tứ còn mở đại lý bán thức ăn gia súc; bản thân lão nông này học hỏi thêm để tự lo phòng chống dịch bệnh cho trang trại của mình.

Nhưng để có cơ ngơi hôm nay, ông Tứ không quên sự “tiếp sức” kịp thời từ vốn vay của Quỹ TDND Gò Nổi (thành lập năm 2010). Cách đây 10 năm, ông vay 100 triệu đồng mua con giống, thức ăn... phục vụ chăn nuôi. Nhờ đó, gia đình bắt đầu tích lũy, nhân rộng dần ra. “Nếu không có nguồn vốn ấy, chúng tôi không biết xoay xở ở đâu. Gần 3 năm qua, tôi tiếp tục vay 350 triệu đồng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh”.

Ở vùng Gò Nổi (3 xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang), nông dân đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay từ quỹ. Điển hình như hộ bà Đỗ Thị Cam (thôn Kỳ Lam, Điện Quang) vay 200 triệu đồng mua 14 con bò, hiện đàn bò phát triển thêm lên, đồng thời đầu tư máy ép dầu làm dịch vụ. Hay ở thôn Nam Hà (Điện Trung), ông Hồ Thanh Dương ban đầu vay 50 triệu đồng để nuôi heo, nay nhân rộng thành trang trại, ngoài ra còn kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm.

Trưởng phòng Kế hoạch - kiểm tra Liên minh HTX Quảng Nam - ông Đặng Văn Tính cho hay, địa bàn tỉnh có 3 quỹ TDND là thành viên của Liên minh HTX tỉnh, đều tại Điện Bàn, bao gồm Quỹ TDND Gò Nổi (trụ sở chính ở xã Điện Trung), Quỹ TDND Tây Điện Bàn (trụ sở chính tại xã Điện Thọ) và Quỹ TDND Điện Dương (trụ sở ở phường Điện Dương).

Các tổ chức này hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Hợp tác xã. Quỹ do các thành viên tự nguyện thành lập hoạt động trên lĩnh vực tiền tệ tín dụng và dịch vụ ngân hàng, là một pháp nhân kinh tế độc lập, theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi với mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên, thực hiện có hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống.

Cần tháo gỡ vướng mắc

Lợi thế của các quỹ TDND là sát dân, người dân dễ tiếp cận vốn mà thủ tục lại nhanh, gọn. Ngược lại, tiền người dân gửi vào đều được bảo hiểm đúng quy định. “Khi làm tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua xã Điện Quang, có 5 ngân hàng đến huy động tiền gửi của người dân được bồi thường, hỗ trợ, quỹ là đơn vị huy động được cao thứ 2, chỉ sau Ngân hàng NN&PTNT, điều đó chứng tỏ bà con rất tin tưởng chúng tôi” - Giám đốc Quỹ TDND Gò Nổi Đỗ Phú Thông chia sẻ.

Theo ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, 3 quỹ TDND đã linh hoạt trong vận động phát triển thành viên, tăng vốn điều lệ và tăng nguồn vốn huy động tại chỗ, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Các quỹ đảm bảo cho thành viên vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả, trả đúng hạn, tỷ lệ nợ quá hạn dưới mức quy định. Đồng thời phát huy được vai trò phát triển kinh tế thành viên, hạn chế tình trạng “tín dụng đen” và bán sản phẩm non, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, được địa phương đánh giá cao.

Tuy nhiên, hoạt động của quỹ đang gặp nhiều vướng mắc. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Qũy TDND Tây Điện Bàn - ông Phan Phụng Đường chia sẻ, quỹ chỉ có thể cho vay với người có hộ khẩu thường trú tại địa bàn quỹ hoạt động; người có hộ khẩu tạm trú nếu có cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác cũng không được vay vốn. Quy định như vậy là quá khó và không phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Nhiệm kỳ của HĐQT là không quá 5 năm, thành viên HĐQT có thể được bầu lại nhưng không quá 2 nhiệm kỳ. Như vậy, người tham gia vào HĐQT hết 2 nhiệm kỳ song chưa hết tuổi lao động, có sức khỏe, năng lực, đạo đức tốt phải nghỉ làm. Rõ ràng, việc này không khuyến khích được cán bộ có năng lực làm việc cho kinh tế HTX, trong khi quỹ không phải là cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Đỗ Phú Thông cho hay, thành viên của quỹ phần lớn là hộ thiếu vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, dịch vụ và giải quyết đời sống nhưng quy định phải huy động vốn trong thành viên 60% là quá cao. Cùng với đó, thành viên gia nhập vào quỹ là để vay vốn, nhưng phải chờ đến đại hội thành viên thông qua kết nạp thì mới trở thành thành viên và vốn góp được ghi vào vốn điều lệ.

Như vậy, người dân sẽ không có vốn để giải quyết việc đang cần sẽ chán nản mà tiếp cận ngân hàng khác. Ông Võ Bảy cho biết, nhiều “điểm nghẽn” đã được Liên minh HTX tỉnh ghi nhận và có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Nam đề nghị quan tâm tháo gỡ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát huy vai trò quỹ tín dụng nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO