Chiều qua 3.12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân và Giám đốc Sở TT-TT Phạm Hồng Quảng chủ trì hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 284/QĐ-TTg ngày 24.2.2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam tại Quảng Nam.
![]() |
Lan tỏa văn hóa đọc trong trường học. Ảnh: CHÂU NỮ |
Ông Phạm Hồng Quảng cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 284 của Thủ tướng Chính phủ, Ngày sách Việt Nam trở thành hoạt động thường niên, được hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng. Tại Quảng Nam, được triển khai thực hiện bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú… góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích phong trào đọc sách của cộng đồng dân cư trong tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam tại các huyện, thị xã, thành phố và hệ thống trường học, thư viện. Triển lãm sách, xuất bản phẩm cấp tỉnh qua 5 lần tổ chức đã ghi nhận những kết quả tích cực Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Hội An, Đại Lộc… là những địa phương có nhiều mô hình, hoạt động ý nghĩa, thiết thực hưởng ứng Ngày sách Việt Nam. Các tổ chức đoàn, hội phụ nữ, công an tổ chức quyên góp, ủng hộ 5.000 đầu sách, vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn vùng cao.
TP.Hội An là địa phương có nhiều cách làm thiết thực hưởng ứng Ngày sách Việt Nam trong thời gian qua như: tọa đàm, giao lưu, kể chuyện theo sách, ngày hội trao đổi sách, tặng sách. Trong đó có việc tổ chức “Ngày hội đọc sách” theo từng chủ đề tại các trường học; phát động phong trào đọc sách tại thư viện, tổ chức các câu lạc bộ về sách, phong trào thu gom sách tặng thư viện. Hoạt động “Chúng em cùng nhau khám phá thư viện” dành cho đối tượng học sinh mẫu giáo đến THCS, ngoài việc tuyên truyền, quảng bá văn hóa đọc đến với công chúng nhất là thế hệ trẻ, cũng tạo cho các em học sinh có một buổi hoạt động ngoại khóa bổ ích. Theo Phòng VH-TT TP.Hội An, trên địa bàn thành phố hiện có 23 thư viện trường học, với hơn 20 nghìn bản sách được bổ sung trong 5 năm qua.
Hội nghị cũng nhìn nhận một thực tế rất đáng quan ngại là càng ngày văn hóa đọc của cộng đồng đang đứng trước nguy cơ mai một, bởi lẽ hiện nay thói quen đọc của mọi người đang giảm dần bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn ngày càng phát triển mạnh mẽ. Với ưu điểm “tiện lợi, nhanh gọn, có thể đọc mọi lúc mọi nơi và tìm kiếm nhanh, lưu trữ dễ, tra cứu thuận lợi”, văn bản điện tử đang dần lấn át và tác động lớn đến văn hóa đọc của nhiều người, nhất là giới trẻ. Bà Trương Thị Hồng Nga - Trưởng phòng VH-TT huyện Bắc Trà My cho biết, tính đến cuối tháng 11.2018, có hơn 8.500 lượt bạn đọc đến đọc sách báo, truy cập internet tại thư viện huyện. Trong đó, 90% bạn đọc là học sinh, 10% người cao tuổi, hưu trí. Song việc đọc trên văn bản in, ấn phẩm rất hạn chế. “Số bạn đọc cao tuổi, hưu trí đến thư viện chủ yếu mượn báo (nhật báo) về nhà đọc; còn học sinh phần lớn đến truy cập internet để khai thác thông tin. Bạn đọc là thanh niên, trung niên hiếm khi tìm đến với thư viện” - bà Nga chia sẻ.
Nhiều ý kiến tham luận tại hội nghị cho rằng, các cơ quan quản lý cần có những chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp để định hướng, xây dựng lại phong trào đọc và văn hóa đọc trong công chúng. Đồng thời việc cổ động, tuyên truyền, quảng bá sách có giá trị văn hóa, bổ ích về tinh thần và tri thức cần được coi trọng. Những người làm công tác tại hệ thống thư viện, tủ sách công cộng phải tham gia bằng những phương thức hoạt động mới, sinh động. Đặc biệt là sự định hướng từ nhà trường, gia đình để khơi gợi niềm đam mê đọc sách của các bạn trẻ.
VINH ANH