(Xuân Quý Mão) - Khai mở các cửa ngõ yết hầu giao thương với thế giới là chiến lược ưu tiên đặc biệt trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Phát lộ con đường mậu dịch cân xứng với các trục không gian phát triển, Quảng Nam mong muốn hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh khá của cả nước.
Tận dụng hạ tầng sẵn có
Đề xuất 3 cửa ngõ phát triển giao thương quốc tế trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam, đó là Hội An, Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Ngoài hạ tầng đã và đang đầu tư như hệ thống cảng biển, Chu Lai còn định hướng phát triển đô thị sân bay cấp vùng, vùng động lực quan trọng, mở cánh cửa giao thương, cung cấp các sản phẩm chủ lực và các dịch vụ công nghiệp.
Tại cuộc hội thảo do UBND tỉnh phối hợp với Bộ GTVT tổ chức ngày 26/11/2022, nhằm lấy ý kiến của các cơ quan, chuyên gia cho đề xuất đầu tư luồng cảng biển nước sâu, cụ thể hóa Quyết định 1737 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 thống nhất đầu tư luồng mới cho tàu 5 vạn tấn có thể ra vào khu vực Cửa Lở (Núi Thành).
Tại cuộc làm việc với Quảng Nam hồi tháng 7/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong quá trình lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Quảng Nam cần chú ý xây dựng Hành lang kinh tế Đông - Tây, vừa tạo không gian phát triển của tỉnh, vừa kết nối với Lào, Thái Lan, khu vực ASEAN.
Vì sao cảng biển lại được “chọn mặt gửi vàng” trong chiến lược đầu tư của Quảng Nam? Lý do đơn giản, hiện nay cảng Chu Lai có thể tiếp nhận tàu 3 vạn tấn với chiều dài 172m.
Năm 2022, lượng hàng hóa qua cảng Chu Lai ước đạt mức 4 triệu tấn (năm 2021 là 2,5 triệu tấn), là chỉ dấu cho tốc độ phát triển hàng hóa qua cảng này khá lạc quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Tam Kỳ - Chu Lai - Núi Thành sẽ là một trong 3 cửa ngõ giao thương quốc tế sầm uất, bởi nơi đây cảng biển kết nối đồng bộ với sân bay Chu Lai và hệ thống giao thông qua Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối với Lào - Thái Lan - Myanmar.
Trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam, thể hiện ý đồ rất rõ là phát triển cảng biển Chu Lai thành cửa ngõ xuất nhập khẩu mới, còn cửa khẩu quốc tế Nam Giang sẽ là cực phát triển vùng tây, giao thương hàng hóa với các nước Đông Nam Á.
Năm 2022, Công ty Vận chuyển hàng hóa nông nghiệp THILOGI ước sẽ vận chuyển 20.900 container trái cây và 10.300 tấn vật tư nông nghiệp (tăng 145% so với năm 2021).
Theo doanh nghiệp này, ước tính trung bình mỗi tháng công ty vận chuyển hơn 1.100 container trái cây từ các nông trường của công ty tại Lào, Campuchia, Tây Nguyên đến các cảng Chu Lai và Cát Lái để xuất khẩu.
Nếu so với cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và Lao Bảo (Quảng Trị), thì cửa khẩu quốc tế Nam Giang có lợi thế cạnh tranh hơn nhiều. Bởi, nếu giao thương qua Hành lang kinh tế Đông - Tây từ Bangkok (Thái Lan) về Đà Nẵng rút ngắn còn 1.100km, gần hơn 400km khi phải vận chuyển qua cửa khẩu Lao Bảo. Có “điểm tựa” hạ tầng, Công ty CP Ô tô Trường Hải đang xúc tiến đầu tư biến cảng Chu Lai thành cảng container lớn nhất miền Trung.
Phát triển theo các hành lang kinh tế
Hội An từng là một trong những cảng thị Việt Nam nằm dọc “con đường tơ lụa trên biển”, một thời là trung tâm mậu dịch lớn nhất của Đàng Trong. Ngày nay, Hội An trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi giao lưu đa dạng của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Đô thị di sản thế giới Hội An cũng là trung tâm du lịch quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, đang xây dựng thương hiệu thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch, đóng vai trò là hạt nhân lan tỏa phát triển du lịch ra các vùng lân cận.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, phát triển 3 cửa ngõ giao thương quốc tế, Quảng Nam đeo đuổi khát vọng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, động lực phát triển của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước. Trong quy hoạch tỉnh, sẽ tổ chức không gian phát triển theo các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, xây dựng đô thị loại 1, hình thành chuỗi các đô thị ven biển.
Mô hình cấu trúc không gian phát triển của Quảng Nam theo quy hoạch là “2 vùng, 3 cửa ngõ, 3 cụm động lực, 8 hành lang phát triển”. Hai vùng gồm vùng Đông và vùng Tây. Ba cửa ngõ gồm Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang, đô thị di sản thế giới Hội An.
Ba cụm động lực gồm cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc; cụm Duy Xuyên - Thăng Bình - Quế Sơn; cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh và 8 hành lang phát triển gồm 3 hành lang bắc nam và 5 hành lang đông tây.
Điểm đáng chú ý trong quy hoạch tỉnh khi phát triển các trung tâm mậu dịch lớn, mở cơ hội giao thương quốc tế là khai thác tối đa lợi thế của các đô thị, bởi sau 25 năm tái lập tỉnh, hầu hết đô thị trên địa bàn tỉnh tạo ra đột phá mạnh mẽ, là khu vực đóng góp GRDP lớn nhất cho tỉnh.