Lũy Đá Rồng là tên gọi có từ lâu đời ở vùng đất “hạ nguồn Chiên Đàn” xưa - nay thuộc xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh. Đây là đoạn lũy đá đầu tiên thuộc hệ thống trường lũy được mô tả trong các thư tịch triều Nguyễn. Mới đây, chúng tôi đã phát lộ một đoạn lũy còn khá nguyên vẹn, dọc theo triền núi ở xã Tam Vinh.
Từ nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu, khảo cổ đã tìm thấy một hệ thống lũy đá nối dài từ địa đầu Quảng Ngãi đến Bình Định - kết quả của các đồn, bảo từ thời cha ông mở đất vào phương Nam. Di tích “Trường lũy Quảng Ngãi” đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia, tại Quyết định số 800 ngày 9.3.2011. Thế nhưng, trong các bộ chính sử triều Nguyễn đều gọi tên công trình này là “Lũy dài Tĩnh Man” hoặc “Lũy át Man”, kéo dài từ huyện Hà Đông (Quảng Nam) đến phủ Hoài Nhơn (Bình Định)...
Phát lộ dấu vết lũy Đá Rồng tại Phú Ninh. Ảnh: Ngô Phú Thiện |
Lần tìm dấu vết
Từ thông tin ở các bộ chính sử triều Nguyễn, trong chuyến điền dã với cán bộ Trung tâm VH-TT huyện Phú Ninh, tháng 6.2013 vừa qua, chúng tôi đã phát hiện nhiều dấu vết của các đồn, bảo ở địa bàn Phú Ninh. Đặc biệt trong đó có lũy Đá Rồng - một “bảo định” được xây dựng khá sớm, dưới thời Lê Trung hưng.
Theo Tự điển Hán - Việt của Thiều Chửu, “bảo” là tên gọi cổ, chỉ một khu vực có quân lính đồn trú, chung quanh được xây thành bằng đá, vòng ngoài có hào sâu và trồng tre dày để án ngữ... Lũy Đá Rồng là một chiến lũy có cấu trúc như thế, nhưng hiện nay phần hào sâu đã bị vùi lấp. Đoạn lũy này có chiều dài ước chừng 1,5km, chạy ngang qua các thôn Tú Lâm, Tú Bình, Tú Khánh của xã Tam Vinh. Theo mô tả trong “Đại Nam thực lục” (tiền biên), đây là đoạn lũy còn khá nguyên vẹn. Địa đầu của lũy nằm ở cuối đồi Đá Đen, giáp với dãy Dương Ba Đầu về hướng bắc, kéo dài về phía nam đến dưới chân núi Thị. Cả công trình được xây dựng trên bề mặt đất - đá tự nhiên và dùng đá núi “lắp ghép” cũng rất tự nhiên, nghĩa là không có bất cứ vôi vữa hay chất kết dính nào. Mặt đáy của lũy rộng khoảng 3 - 3,5m, mặt trên rộng trung bình 1,2m; chiều cao có nơi 4m, có nơi chỉ có 2,5m. Nhiều đoạn được nối tiếp ngay dưới lòng khe sâu, dù trải qua bao thời gian, nước chảy xói mòn, bờ đá vẫn “trơ gan” như thế. Nhìn dọc theo dãy tường lũy chạy ven các triền đồi nhấp nhô, uốn lượn trông như hình tượng thân rồng. Phải chăng vì hình ảnh ấy nên người xưa gọi tên là lũy Đá Rồng? Nhưng, theo như một số người già sống gần đó, tên lũy đá này gắn với một loại lan rừng, rằng: từ lâu đời, cạnh triền đồi Đá Đen có một cây da cổ thụ, nhánh vươn rộng và rất to. Trên mỗi nhánh da có một chùm lan rồng cực lớn, có thể nhìn thấy từ rất xa. Để định vị lối đi qua truông có lũy đá này, người xưa đặt tên là lũy Đá Rồng”.
Không ít người nhầm tưởng rằng lũy Đá Rồng được dựng trong buổi đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta, khi tiến sĩ Trần Văn Dư xây dựng “Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam” ở Dương Yên (Trà My) đã cho dựng các phòng tuyến này để đương đầu với binh lực của thực dân Pháp (năm 1885). Thế nhưng, thời gian “Nghĩa hội” hình thành và cát cứ ở Dương Yên chưa tròn 3 tháng, không thể xây dựng được nhiều dãy tường đá quy mô như thế.
Theo dòng lịch sử
Vài nét về di tích “Trường lũy Quảng Ngãi” Theo sử liệu, vào khoảng giữa thế kỷ XVI, một vài đồn (bảo) ở miền Tây Quảng Ngãi được Bùi Tá Hán (1496 - 1568) cho xây dựng nhằm kiểm soát giao thương và bình định vùng miền núi phía tây của tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 1750, khi được cử làm Tuần vũ Quảng Ngãi, Nguyễn Cư Trinh cũng tiếp tục cho xây dựng một số đồn (bảo) khác trên vùng đất này. Tuy nhiên, để có một trường lũy dài hàng trăm cây số, nối kết hàng trăm đồn (bảo) với nhau, hình thành một hệ thống đồn - lũy liên hoàn, chạy từ huyện Hà Đông (tỉnh Quảng Nam) đến phía bắc phủ Bồng Sơn (tỉnh Bình Định), phải nhờ đến công sức của hàng nghìn binh lính và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cùng nhau xây dựng vào năm 1819 dưới sự chỉ huy của Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832). Các đồn (bảo) phần lớn hình chữ nhật có chiều dài mỗi cạnh phổ biến 25 - 30m, độ cao trung bình tường đồn 4m, đáy rộng 5m, bề mặt rộng trung bình 1m. Ở những vị trí quan trọng về quân sự và kinh tế có những đồn lớn có diện tích hàng chục héc ta. Dọc theo lũy còn có các con đường cổ, hào và có các chợ phiên nằm lân cận. Vì vậy, theo các nhà khoa học, trường lũy - đồn (bảo) không chỉ có chức năng bảo vệ mà còn có chức năng giao thương kinh tế, trao đổi văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược.(L.V) |
Trong các sử sách của triều Nguyễn như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Ô Châu cận lục”... đều có ghi lại khá cụ thể về nguyên nhân và thời gian xây dựng các đồn, bảo ở “nguồn Chiên Đàn”. Dựa theo sách “Đại Nam thực lục”, trong “Quảng Nam - Đất nước và nhân vật” ông Nguyễn Q. Thắng có trích một đoạn như sau: “Đời Lê Anh Tông, năm Chính trị (1558 - 1571) danh tướng Bùi Tá Hán được phong làm Bắc quân Đô đốc, Thiếu bảo, Trấn Quốc công, phụng chỉ vào trấn doanh. Tại đây, ông cùng người con trai là Bùi Tá Thế dày công khai hoang, lập ấp, dẹp yên trộm cướp... Chính ông đã đốc suất dân quân xây đắp lũy dài Tĩnh Man, cao 2 thước, chạy dài từ miền Tây Quảng Ngãi đến địa giới huyện Hà Đông (Quảng Nam)”- (tr.153/sđd).
Nguồn sử liệu này cho thấy: Tên gọi “Lũy dài Tĩnh Man” đã xuất hiện từ thế kỷ XVI - dưới thời Lê Trung hưng, và người đầu tiên đốc suất dân binh xây dựng là Trấn Quốc công Bùi Tá Hán. Nhưng vì sao vừa vào trấn nhiệm Doanh Quảng Nam, Bùi Tá Hán cho xây đắp lũy dài này? Cũng từ sách trên cho biết: “Tại vùng núi Nam - Ngãi, ông (Bùi Tá Hán) áp dụng biện pháp đặc biệt để chế ngự các sắc dân miền Thượng, mà nhất là mọi Đá Vách. Ông cho lập sáu đồn binh ở ranh giới dọc theo vùng núi cao của hai tỉnh để canh giữ. Mỗi vùng có sắc dân thiểu số, ông đặt chức “giao dịch” là người Thượng để trông nom đồng bào mình...”. Nhưng mãi đến đầu thế kỷ XIX, khi Gia Long lên ngôi lập cơ đồ nhà Nguyễn (1802), vùng này vẫn còn tranh chấp quyết liệt với các tộc đảng người H’rê, Co. Vì sự “không thuần phục” của các sắc dân thiểu số, nên khi vừa lên ngôi vua Gia Long đã nhận thấy tầm quan trọng và sự bất ổn của vùng đất “nguồn Chiên Đàn”. Năm Gia Long thứ tư (1805), vua đã chọn quan Đại thần Tả quân Lê Văn Duyệt vào trấn nhiệm Quảng Nam. Lúc bấy giờ dinh Quảng Nam bao hàm từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông (Phú Yên). Tả quân họ Lê vào đóng đô ở Quảng Ngãi để trực tiếp đốc suất tướng sĩ và dân binh tiến hành trùng tu, kết nối những đoạn lũy dài trước kia lại với nhau, gọi là “Lũy Bình Man” hay “Lũy Át Man”. Sách “Đại Nam thực lục” viết: “Ngoài lũy trồng tre, dưới ngăn bằng hào. Phía bắc đến Gia Tiền, giáp phủ Thăng Bình, dinh Quảng Nam; phía nam đến Đồng Xanh, giáp phủ Hoài Nhơn, trấn Bình Định. Địa giới dài 37.479 trượng...”.
Chứng tích hữu hình
Đến thời vua Minh Mạng, địa giới hành chính ở phía nam được phân chia lại và đổi dinh, trấn thành tỉnh. Từ đó, các nhà chép sử ghi lại cụ thể hơn trong “Đại Nam nhất thống chí” về “Lũy dài Tĩnh Man”: “Lũy dài Tĩnh Man ở cách tỉnh thành 23 dặm, phía bắc giáp địa giới huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam; phía nam giáp địa giới huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định; lũy dài 177 dặm. Hồi đầu bản triều, đặt binh 6 đạo để phòng giữ át Man Thạch Bích. Năm Gia Long thứ tư đặt cơ Lục kiên, theo địa thế các bảo, sở mà đắp thêm lũy dài, đặt 27 lân Phụ lũy; mỗi lân đặt một Cai lân và một Phó lân chia nhau đóng giữ...” (trang 501- bản dịch, tập 2). Từ cách mô tả này, chúng ta có thể hình dung: địa giới huyện Hà Đông lúc bấy giờ bao gồm cả Tiên Phước, Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành ngày nay. “Lũy dài Tĩnh Man” tiếp giáp với huyện Hà Đông ở vùng hạ nguồn Chiên Đàn - nghĩa là lũy đá này được bắt đầu xây dựng ở địa bàn rừng núi của Phú Ninh và Tiên Phước.
Nếu đem đối chiếu một số hình ảnh, tư liệu về “Trường Lũy Quảng Ngãi” được báo Quảng Ngãi đăng tải (năm 2011 - 2012) với lũy Đá Rồng ở Quảng Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy tính “nguyên mẫu” của những đoạn lũy này. Trong khi ở vùng Tây Trà (Quảng Ngãi) dãy trường lũy còn hiển lộ sự kết nối liên hoàn, thì nhiều đoạn lũy Đá Rồng, Truông Mua, Suối Đá, Ngọc Giáp... ở Phú Ninh vẫn còn xé lẻ theo từng đồn, bảo khác nhau. Ngoài lũy Đá Rồng ở Tam Vinh, các đoạn lũy đá còn lại chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát đầy đủ nên chưa thể mô tả cụ thể. Dẫu vậy, qua các nguồn sử liệu trên có thể cho thấy: Những đoạn lũy đá từ huyện Phú Ninh đến Tiên Phước, thuộc “nguồn Chiên Đàn” xưa là một mắt xích quan trọng, đầu tiên của hệ thống trường lũy (Lũy dài Tĩnh Man). Riêng những đoạn lũy ở Phú Ninh và Tiên Phước, trong buổi đầu Pháp xâm lược đã được thủ lĩnh “Nghĩa hội Quảng Nam” tận dụng gia cố, trở thành chiến lũy chống thực dân Pháp.
Thời gian dâu bể và sự tàn phá của chiến tranh đã làm biến dạng không ít những thành lũy xưa ở Tiên Phước lẫn Phú Ninh. Nhưng những gì còn lại đến hôm nay là một chứng tích hữu hình về lịch sử vùng đất dinh trấn Quảng Nam thời mở nước. Nếu được đầu tư, nghiên cứu, phát lộ đầy đủ những lũy đá ở “nguồn Chiên Đàn” này, ắt hẳn sẽ còn cho thấy nhiều giá trị khác về chính trị, văn hóa, kiến trúc cổ... trong thời kỳ đầu mở đất vào phương Nam của cha ông.
NGÔ PHÚ THIỆN