Phát triển bằng tiềm năng sẵn có

HƯỜNG VĂN MINH Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước 02/12/2015 09:35

Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà (Sơn - Cẩm - Hà) là 3 xã vùng căn cứ cách mạng thuộc huyện Tiên Phước. Tri ân vùng đất cách mạng của quê hương, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Tiên Phước đã tập trung chăm lo, ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế vùng Sơn - Cẩm - Hà dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Đường quê Tiên Sơn (Tiên Phước). Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đường quê Tiên Sơn (Tiên Phước). Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Quá khứ hào hùng

Trong thời kỳ Cách mạng Tháng 8.1945, vùng Sơn - Cẩm - Hà đã có truyền thống yêu nước, sớm có phong trào cách mạng chống thực dân phong kiến, chống sưu thuế; nơi đây là cơ sở liên lạc hoạt động bí  mật  của Tỉnh ủy, Xứ  ủy Trung kỳ giai đoạn 1936 - 1939. Giai đoạn 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), 3 xã thuộc vùng tự do của ta, là căn cứ hậu phương đáng tin cậy của cách mạng. Đã có nhiều cơ quan đóng trên địa bàn để lãnh đạo cuộc kháng chiến  chống Pháp như: Cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính, Bệnh viện quân y. Nhân dân 3 xã đã đóng góp nhiều tài lực phục vụ cho kháng chiến và tiền tuyến.

Giai đoạn 1954 - 1960 là thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng miền Nam nói chung và Tiên Phước, Quảng Nam nói riêng. Tại vùng đất Sơn - Cẩm - Hà, địch ra sức đàn áp, khủng bố, giết hại rất nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng trung kiên với cách mạng. Đặc biệt, vụ bọn Quốc dân đảng đã giết hại dã man hơn 500 đồng bào, đồng chí, đảng viên trung kiên rồi chôn sống  dưới các hầm heo trong những ngày đầu tháng 12.1955 đã khiến lòng căm hận giặc của nhân dân ta lên đến cao trào. Cán bộ và nhân dân Sơn - Cẩm - Hà không nao núng, vẫn một lòng kiên trung, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, một lòng theo cách mạng, che chở, bảo vệ, tiếp tế, nuôi giấu nhiều cán bộ Huyện ủy, Tỉnh ủy hoạt động bí mật. Trong đó có đồng chí Đào Đắc Trinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và đồng chí Nguyễn Thành - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.

Với vị trí chiến lược quân sự quan trọng, Khu ủy 5 và Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định mở chiến dịch vượt sông Tiên giải phóng 3 xã Sơn - Cẩm - Hà vào tháng 9.1962. Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, nhân dân 3 xã đã nổi dậy diệt ác, phá kèm, phá ấp chiến lược, thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng thôn,  xã chiến đấu đánh địch càn quét, lấn chiếm giữ vùng giải phóng, đóng vai trò to lớn đối với phong trào cách mạng.

Hòa bình dựng xây

Sau chiến tranh, vùng đất Sơn - Cẩm - Hà tan hoang, nhân dân đói ăn thiếu mặc. Nhưng bằng tinh thần kiên trung, vượt khó, nhân dân 3 xã cùng với chính quyền xây dựng lại nền kinh tế từ đống hoang tàn. Vùng đất này có tiềm năng, thế mạnh phát triển nông - lâm nghiệp toàn diện, nhất là kinh tế vườn, kinh tế trang trại, chăn nuôi, trồng rừng sản xuất, cây nguyên liệu, cây ăn quả, cây dược liệu. Từ đó huyện đã đề ra những định hướng phát triển theo đặc trưng của vùng, từng bước đưa Sơn - Cẩm - Hà trở thành vùng đất phát triển vượt bậc sau 40 năm giải phóng.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực giáo dục ở vùng Sơn - Cẩm - Hà được chăm lo. Ảnh: D.LỆ
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực giáo dục ở vùng Sơn - Cẩm - Hà được chăm lo. Ảnh: D.LỆ

Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng, trong đó giao thông được xác định là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay trên địa bàn 3 xã có 2 tuyến đường tỉnh 614 và 615 đi qua. Cùng với đó, các trục giao thông huyết mạch quan trọng như đường Tiên Châu - Tiên Hà, Tiên Hà - Bình Sơn, Tiên Cẩm - Tiên Hà được đầu tư xây dựng. Hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, đã mở ra nhiều cơ hội, tạo thuận lợi trong việc đi lại, kết nối, giao lưu kinh tế, thương mại,  hàng hóa, phát triển sản xuất. Giao thông đã thực sự  đóng vai trò quan trọng tạo đột phá cho phát triển vùng này, củng cố quốc phòng, an ninh. Vùng Sơn - Cẩm - Hà đã  kết nối thông suốt với trung tâm huyện và các huyện Phú Ninh, Hiệp Đức, trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam. Cơ sở hạ tầng điện, thủy lợi,  y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao cũng được chú trọng đầu tư trên địa bàn Sơn - Cẩm - Hà.

Nông nghiệp phát triển khá toàn diện theo hướng chuyển dịch từ sản xuất cây lương thực là chủ yếu sang phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, cây nguyên liệu, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bằng nhiều cơ chế hỗ trợ, tác động trực tiếp mạnh mẽ của Nhà nước, đã khuyến khích nhân dân mạnh dạn trong đầu tư xây dựng, cải tạo vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng theo mô hình trang trại, gia trại. Trên địa bàn cũng đã hình thành và mở rộng các vùng sản xuất liên vườn với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, tạo khối lượng hàng hóa đem lại hiệu quả và thu nhập đáng kể, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân. Phong trào cải tạo, chỉnh trang vườn nhà xanh, sạch, đẹp, hiệu quả gắn xây dựng nông thôn mới  đang được nhân dân hưởng ứng thực hiện khá tốt. Nhiều mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại đem lại thu nhập hàng năm 80 - 100 triệu đồng. Nhiều hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển khá, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của địa phương.

Tiên Sơn là một trong 3 xã của huyện và là xã đầu tiên trong vùng thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, xã đặc biệt chú trọng xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình hiệu quả, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng. Bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu kiên trì của người dân, đến nay xã Tiên Sơn đã được kiểm tra công nhận xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới.

HƯỜNG VĂN MINH
Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển bằng tiềm năng sẵn có
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO