Áp lực môi trường du lịch, thiếu sản phẩm giải trí đẳng cấp, sức cạnh tranh yếu…, vấn đề không mới của du lịch Hội An một lần nữa được phân tích mổ xẻ tại buổi tọa đàm “Du lịch Hội An hội nhập và phát triển bền vững” vừa diễn ra sáng qua 1.11 tại TP.Hội An.
Sức chứa du lịch Hội An đang quá tải. Ảnh: G.K |
Sức chứa quá tải
Qua gần 20 năm, kể từ khi khu phố cổ được công nhận di sản văn hóa thế giới, du lịch Hội An phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm. Thống kê 5 năm gần đây cho thấy, khách du lịch đến Hội An tăng gấp 2 lần, từ khoảng 1,6 triệu lượt (2013) lên trên 3,3 triệu lượt (2017), tốc độ phát triển bình quân 5 năm (2013 - 2017) gần 119%. Riêng 9 tháng đầu năm 2018, Hội An đã đón 4,55 triệu lượt khách, tăng 76,84% so với cùng kỳ. Mặc dù khách lưu trú tăng 18,29% đạt con số 1,32 triệu lượt khách, tuy nhiên số ngày lưu trú có chiều hướng giảm. Nếu năm 2013, bình quân ngày lưu trú của khách là 2,3 ngày thì năm 2017 con số này đã giảm xuống còn 2,11 ngày, 9 tháng đầu năm 2018 số ngày lưu trú ước khoảng 2,18 ngày, công suất sử dụng phòng đạt 54%.
Đặc biệt, vài năm gần đây, thị trường khách truyền thống Hội An (châu Âu, Bắc Mỹ) sụt giảm mạnh, ngược lại khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông tăng nhanh. Nguyên nhân chủ yếu ngày càng có nhiều đường bay thẳng từ Đà Nẵng đến các nước trên và ngược lại. Hiện tại đã có 16 đường bay trực tiếp từ Trung Quốc đến Đà Nẵng với tần suất 79 chuyến/tuần và 4 đường bay từ Hàn Quốc, tần suất 127 chuyến/tuần, đến Osaka là 11 chuyến/tuần.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VHTT TP.Hội An, sức cạnh tranh của du lịch Hội An còn yếu, chất lượng phát triển chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực. Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ và chưa hiện đại, mật độ dân số cao (gấp 7 - 8 lần bình quân cả nước và khoảng 40 lần so với mật độ chuẩn thế giới), riêng mật độ dân trong khu phố cổ hiện đã hơn 10 nghìn người/km², dẫn đến quá tải giao thông, ô nhiễm môi trường… Còn theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, sức chứa của Hội An đã đến ngưỡng, nên cần phải có những nghiên cứu cụ thể để tìm giải pháp hợp lý.
Nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp
Tại buổi tọa đàm, bên cạnh những tồn tại cố hữu như thiếu hụt nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường… một số ý kiến doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên thể hiện ở công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của du lịch. Bà Trịnh Diễm Vy - Tổng Giám đốc Công ty Tổ chức sự kiện ẩm thực Hội An nhìn nhận, để du lịch phát triển bền vững thành phố cần thành lập tổ tư vấn du lịch để giải đáp cho doanh nghiệp cũng như lãnh đạo thành phố những vướng mắc, giải pháp hữu hiệu. “Có nhiều vấn đề phát sinh hàng ngày thành phố cần phải biết để xử lý. Đơn cử như tình trạng taxi không chở khách đường ngắn hay cau có với khách, dù đây là vấn đề nhỏ nhưng nó sẽ ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh du lịch Hội An trong mắt khách” - bà Vy dẫn chứng. Theo ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, một vấn đề cần quan tâm chính là xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng. “Bên cạnh những lễ hội về gốm hay ẩm thực đã được tổ chức, thành phố cũng cần nghiên cứu nâng tầm nghề may đo, biến Hội An như là xưởng may đo du lịch của thế giới vì đây là một một sản phẩm riêng có từ rất lâu của Hội An kể từ khi thành phố làm du lịch” - ông Vũ đề xuất.
Ông Kiều Cư - Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, những đóng góp của doanh nghiệp cho sự phát triển du lịch Hội An là không bàn cãi, nhưng doanh nghiệp không thể trông chờ và đổ hết trách nhiệm cho nhà nước. “Hội An thiếu khu vui chơi giải trí tầm cỡ, không có nhà hàng tầm cỡ, không có trung tâm thương mại phục vụ khách… thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất nhưng đã có doanh nghiệp nào đầu tư vào các lĩnh vực này chưa” - ông Cư đặt câu hỏi. Theo ông Kiều Cư, sắp đến thành phố sẽ xây dựng 3 trung tâm đón tiếp khách, ngoài ra cũng sẽ mở rộng phố đi bộ xuống đường Phan Bội Châu để giảm áp lực phố cổ. “Chất lượng sản phẩm du lịch Hội An phải dựa trên giá trị văn hóa của Hội An, đó là di sản, là sự nhân tình thuần hậu vốn trở thành nét riêng níu chân du khách. Đặc biệt, mỗi doanh nghiệp phải là một đại sứ du lịch để tuyên truyền giới thiệu hình ảnh, du lịch Hội An ra thế giới để Hội An trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện và hiếu khách” - ông Kiều Cư nói.
GIA KHANG