Phát triển bền vững kinh tế hộ nông thôn

NGÔ VĂN HÙNG 03/07/2020 03:52

Kinh tế hộ nói chung, kinh tế hộ nông thôn nói riêng ở Quảng Nam luôn có vai trò quan trọng bởi không những đảm bảo đời sống cho các thành viên trong gia đình, mà còn đóng góp ngân sách cho Nhà nước và là đơn vị tiêu dùng của nền kinh tế. Vì vậy, thời gian tới cần có những giải pháp phù hợp, hiệu quả để phát triển bền vững.

Nông dân đầu tư cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ảnh: H.QUANG
Nông dân đầu tư cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ảnh: H.QUANG

Thành quả và hạn chế

Theo số liệu điều tra về nông nghiệp và nông thôn năm 2016, trên địa bàn Quảng Nam có 301.696 hộ nông thôn với hơn 1.030.000 nhân khẩu và 522.113 lao động. Thời gian qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế hộ nông thôn luôn được quan tâm và không tách rời vấn đề “tam nông”, nên đạt được những kết quả quan trọng.

Số lượng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh khu vực nông thôn giảm tương đối do tốc độ đô thị hóa của tỉnh tăng nhanh. Cơ cấu hộ có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm khá nhanh tỷ trọng của nhóm hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Theo kết quả điều tra, toàn tỉnh có 47,63% hộ nông nghiệp, 2,82% hộ lâm nghiệp, 3,64% hộ thủy sản và 10,86% hộ công nghiệp.

Hoạt động kinh tế của các hộ nông thôn trên địa bàn tỉnh được tổ chức đa dạng. Các hộ nông nghiệp không còn trồng lúa đơn thuần mà đã chủ động chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để tăng thu nhập, như kết hợp với ngành dệt, may, làm chổi đót, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt (Duy Trinh, Duy Xuyên); phát triển chăn nuôi bò thịt, làm các nghề xây dựng, mộc, cơ khí (Đại Minh, Đại Lộc)… Đồng thời, có sự liên kết giữa các hộ với các thành phần kinh tế khác, cũng như phát triển kinh tế trang trại, bước đầu tạo nên sản xuất hàng hóa lớn. Đáng chú ý, Quảng Nam có số lượng trang trại nhiều nhất so với các địa phương khác trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với 139 trang trại. Tuy nhiên, trang trại chăn nuôi chiếm tỷ trọng khá cao (98,21%).

Kinh tế hộ nông thôn của tỉnh cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Nhìn chung, quy mô sản xuất, nhất là sản xuất lúa còn manh mún, nhỏ lẻ. Điều đó đã gây khó khăn trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, làm cho hiệu quả sản xuất không cao. Cơ cấu ngành nghề có chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế sản xuất hàng hóa lớn; tuy nhiên, phát triển chưa vững chắc. Đáng chú ý, dịch bệnh thường xuyên xảy ra làm thiệt hại lớn đến lĩnh vực chăn nuôi.

Kinh tế hợp tác cũng như làng nghề ở nông thôn còn nhiều bất cập, chưa đạt được kết quả tốt. Theo số liệu điều tra năm 2016, Quảng Nam có 74 tổ hợp tác (chiếm 35,75% số xã) và có 18 xã có làng nghề (chiếm 8,7%), nhưng hoạt động rất khó khăn. Mục tiêu giảm nghèo, nhất là giảm nghèo ở khu vực miền núi khó đạt được, nhiều xã vùng cao, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao 70 - 80%. Mặt khác, kinh tế hộ nông thôn chủ yếu dựa vào thiên nhiên là chính, nên nguy cơ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường ngày càng  tăng. Đáng chú ý là mất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ven biển; ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng thuốc trừ sâu; ô nhiễm môi trường tại các làng nghề…

Mô hình chế biến thủy sản đã giúp nhiều hộ dân vùng ven biển cải thiện kinh tế. Ảnh: H.QUANG
Mô hình chế biến thủy sản đã giúp nhiều hộ dân vùng ven biển cải thiện kinh tế. Ảnh: H.QUANG

Giải pháp nào?

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh trong thời gian đến là vấn đề cần thiết. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế hộ nông thôn cũng là một nhiệm vụ quan trọng.  Vì vậy, cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn.

Thứ nhất, Quảng Nam cần rà soát quy hoạch sử dụng đất để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách đất đai đối với kinh tế hộ nông thôn; trong đó có các chính sách quan trọng như “dồn điền, đổi thửa”, xây dựng cánh đồng mẫu lớn… nhằm thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, tiến hành hiện đại hóa sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún. Cùng với đó, có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện liên doanh, liên kết sản xuất, tăng tỷ lệ hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Nông dân có thể góp quyền sử dụng đất và các nguồn lực của gia đình với doanh nghiệp để trồng rừng, hình thành vùng cây, con chuyên canh tập trung gắn với công nghiệp chế biến, nhằm tăng chuỗi giá trị của hàng hóa. Thực hiện các chính sách phát triển hiệu quả kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại.

Thứ hai, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 60% lao động nông thôn chưa qua đào tạo. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh cần có chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn nói chung, kinh tế hộ nói riêng thiết thực và hiệu quả, trong đó tập trung đào tạo nghề cho nông dân. Cùng với đó là đào tạo kỹ năng về sản xuất bền vững, kiến thức về thị trường, đạo đức kinh doanh… Cùng với đào tạo nghề, cần tích cực thông tin, truyền bá kiến thức KH&CN thông qua các đoàn thể nông dân, phụ nữ, thanh niên, đặc biệt gắn với phong trào khởi nghiệp sáng tạo để xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế - xã hội.

Thứ ba, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế hộ nông thôn của tỉnh theo hướng giảm nhanh tỷ lệ hộ thuần nông, tăng tỷ trọng kinh tế phi nông nghiệp, đặc biệt kinh tế hỗn hợp. Hiện nay tỷ lệ hộ có thu nhập cao nhất vẫn là trong sản xuất nông nghiệp, chiếm hơn 48%, công nghiệp chỉ có 10,86%. Để có thể chuyển dịch nhanh chóng cơ cấu kinh tế hộ nông thôn, Quảng Nam cần thực hiện đồng bộ các chính sách, từ chính sách tín dụng đến các chính sách hỗ trợ kỹ thuật, khuyến nông, khuyến công; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển các loại thị trường cung ứng sản xuất và bao tiêu hàng hóa của kinh tế hộ. Có chính sách nhằm gắn kết phát triển du lịch nông thôn - nông nghiệp và miền núi thời kỳ hậu dịch bệnh Covid-19.

Thứ tư, làm tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn. Đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, hướng dẫn đăng ký và áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất; thực hiện các chương trình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, áp dụng hệ thống biogas, áp dụng các quy trình VietGAP trong sản xuất nông nghiệp. Tổ chức quản lý, xử lý hiệu quả chất thải từ các làng nghề, từ sản xuất nông nghiệp, nhất là chất thải độc hại (bao bì thuốc trừ sâu) và rác thải sinh hoạt của nhân dân. Vận động không sử dụng túi ny lon…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển bền vững kinh tế hộ nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO