Phát triển bền vững nghề cá: Cần các giải pháp thiết thực

VIỆT NGUYỄN 15/01/2019 02:54

Triển khai chiến lược phát triển bền vững nghề cá, Quảng Nam cần các giải pháp thiết thực về bảo vệ nguồn lợi hải sản và tạo cú hích khai thác hải sản xa bờ.

Đội tàu vỏ thép của tỉnh cần tổ chức lại sản xuất xa bờ tốt hơn trong năm 2019. Ảnh: QUANG VIỆT
Đội tàu vỏ thép của tỉnh cần tổ chức lại sản xuất xa bờ tốt hơn trong năm 2019. Ảnh: QUANG VIỆT

Bảo vệ nguồn lợi

Trong năm 2018, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã tiến hành 10 đợt tuần tra trên biển, bắt quả tang 41 vụ ngư dân trên địa bàn tận diệt nguồn lợi hải sản, xử phạt hành chính hơn 134 triệu đồng. Việc sử dụng xung điện, kích điện, súng điện để đánh bắt trái phép tôm hùm và tôm hùm con đang trong mùa sinh sản diễn ra liên tục. Có đến 20 vụ các tàu giã cào của ngư dân trên địa bàn tỉnh và Quảng Ngãi khai thác hải sản trái phép, đặc biệt là phạm vi lại xảy ra ngay vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An). Có 7 vụ ngư dân Núi Thành sử dụng pha cao áp để hành nghề pha xúc trái phép. Theo ngành chức năng, nguồn lợi hải sản tại các vùng biển thuộc phạm vi quản lý của tỉnh bị suy giảm nghiêm trọng. Ngoài các vụ việc đã được thống kê, do lực lượng bảo vệ hải sản của tỉnh thiếu, nhiều đối tượng đã lợi dụng đêm tối để hoạt động, không thể quán xuyến hết. Nhiều khu vực cấm khai thác hải sản, nhiều loài hải sản cấm khai thác vẫn bị ngư dân tàn phá vì thu được giá trị kinh tế cao.

Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, Luật Thủy sản đã có hiệu lực, trong đó có nhiều nội dung về bảo vệ nguồn lợi hải sản là kim chỉ nam để ngành triển khai thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế ở Quảng Nam. Theo đó, sẽ huy động cộng đồng ngư dân ở các vùng ven biển tham gia, cùng tuần tra, phát hiện, xử lý các hành vi tận diệt hoặc làm suy giảm nguồn lợi. Xây dựng các khu bảo vệ nguồn lợi hải sản bị suy giảm nghiêm trọng là việc cần kíp. “Mô hình đồng quản lý nghề cá đã được áp dụng trên địa bàn tỉnh nhưng thất bại do chưa có cơ sở pháp lý nhưng sẽ được rút kinh nghiệm để triển khai khi Luật Thủy sản đã có hiệu lực” - ông Định nói. Theo đó, sẽ điều tra, khoanh vùng các bãi đẻ, vùng sinh trưởng của các loài hải sản còn nhỏ ở khu vực cửa biển An Hòa (Núi Thành), Cửa Đại (Hội An), cấm khai thác hải sản có thời hạn, hạn chế khai thác ở một số vùng “nhạy cảm”. Ngư dân và các cộng đồng ven biển cùng các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các loài hải sản còn nhỏ, hải sản có nguy cơ tuyệt chủng. Quan trọng hơn là giảm các nghề không thân thiện với môi trường biển như giã cào, pha xúc.

Sản xuất xa bờ

Quảng Nam hiện có hơn 800 tàu cá có công suất hơn 90CV, trong đó có đến 400 tàu cá có công suất từ 400CV trở lên, bám biển thường xuyên ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Các nghề chủ lực của tỉnh là câu mực khơi, lưới vây, lưới chụp đóng góp hơn 50% sản lượng hải sản khai thác được. Tuy nhiên, nhiều tàu vỏ thép theo nghề lưới rê hỗn hợp đang phải nằm bờ vì sản xuất kém. Trong khi đó, hầu hết chủ tàu vỏ thép đều không đủ vốn để chuyển nghề hoặc kiêm nghề nên rất nguy nan. Hiện tại, các tàu vỏ thép đều xuống cấp nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ theo Nghị định 67 để bảo dưỡng thân tàu, các thiết bị hàng hải. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam cho các chủ tàu vỏ thép vay vốn để chuyển nghề, kiêm nghề nhưng không thực hiện được vì ngư dân không còn tài sản thế chấp. Sở cũng đã đề xuất Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ bổ sung cơ chế để các ngân hàng thương mại cho ngư dân vay thêm 1,5 - 2 tỷ đồng/tàu với lãi suất ưu đãi để đầu tư cải hoán kiêm thêm nghề khai thác khác, cải thiện doanh thu, trả nợ ngân hàng nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm từ Trung ương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo Sở NN&PTNT triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ để ngư dân thụ hưởng, tạo động lực vươn khơi như hỗ trợ dầu với mức 400 triệu đồng/năm, hỗ trợ mua sắm thiết bị định vị vệ tinh, máy movimar, hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm, hỗ trợ ứng phó với thiên tai, sự cố trên biển. Ngành thủy sản cần theo dõi tình hình khai thác, diễn biến ngư trường nguồn lợi, diễn biến thời tiết kết hợp với dự báo ngư trường nguồn lợi của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương để hướng dẫn giúp ngư dân sản xuất hiệu quả, an toàn. Về phía ngư dân, cần tổ chức lại quá trình sản xuất trên biển được hiệu quả hơn bằng cách gắn khai thác với dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, sơ chế sản phẩm trên tàu để tăng thời gian bám biển, giảm chi phí vận chuyển, giữ chất lượng sản phẩm tốt sau khai thác. “Ngư dân cần năng động ứng dụng công nghệ khai thác hải sản mới, các nghề mới có hiệu quả cao cũng như trang thiết bị bảo quản hải sản sau thu hoạch tiên tiến, qua đó nâng cao giá trị kinh tế thu được sau mỗi chuyến biển” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển bền vững nghề cá: Cần các giải pháp thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO