Phát triển bền vững nghề khai thác hải sản

VIỆT NGUYỄN 12/11/2019 10:16

Tận diệt nguồn lợi hải sản diễn ra gay gắt ở các vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh đã đặt ra vấn đề cấp thiết về việc phát triển nghề cá bền vững.

Nghề giã cào gây nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nghề giã cào gây nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Giã cào hoành hành

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã tiến hành 79 đợt kiểm tra, kiểm soát khai thác hải sản ở các vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh. Ngành chức năng đã xử lý 131 vụ việc vi phạm, xử phạt hành chính gần 492 triệu đồng, thu giữ nhiều ngư lưới cụ của nghề giã cào.

Giã cào là nghề thả lưới xuống tầng sâu của đáy biển rồi dùng công cụ hỗ trợ kéo đi để đánh bắt hải sản. Mỗi mẻ lưới của nghề này tận diệt tất cả cá, tôm, mực trong phạm vi hoạt động vì có mắt lưới rất nhỏ. Tàu giã cào thường đi sản xuất theo cặp, gọi là tàu giã cào đôi. Ngày trước tàu giã cào công suất nhỏ khoảng dưới 90CV, chỉ được khai thác hải sản ven bờ. Ngày nay tàu giã cào được nâng cấp nên công suất lớn đến vài trăm mã lực, theo quy định, chỉ được sản xuất ở tuyến lộng và xa bờ nhưng lại hoạt động ven bờ, sức tàn phá nguồn lợi cũng lớn hơn.

Ở Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An), nhiều tàu giã cào đôi vẫn lén lút khai thác hải sản, đe dọa nghiêm trọng cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học. Theo TS. Chu Mạnh Trinh - Phòng Nghiên cứu & hợp tác quốc tế (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp ngư dân chuyển nghề giã cào, hạn chế những tác động xấu.

Các ngư dân hành nghề giã cào cho biết, rất khó chuyển sinh kế từ nghề giã cào sang các nghề khai thác hải sản khác hoặc chuyển hẳn lên bờ tham gia nghề khác.

Ngư dân Trần Minh Cả (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-00507 hành nghề giã cào cho biết, rất muốn chuyển nghề nhưng không đủ vốn nên lực bất tòng tâm. Vì muốn chuyển sang nghề lưới chụp hay lưới rê thì cần hơn 2 tỷ đồng để mua sắm ngư lưới cụ mới và cải hoán, nâng cấp tàu cá cũ. Trong khi đó, lâu nay, nguồn lợi hải sản ven bờ cạn kiệt dần mà chi phí sản xuất lại tăng lên nên hiệu quả sản xuất kém, không huy động đủ vốn để chuyển nghề.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều ngư dân hành nghề giã cào ở thôn Phú Đông (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) cho rằng, đi biển đã quen rồi, tuổi ngày càng già thêm, nếu chuyển lên bờ tham gia các nghề du lịch, dịch vụ thì không đáp ứng được yêu cầu công việc. Nếu ngư dân chuyển sang buôn bán thì lạ lẫm. Họ chia sẻ, biết Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam cho ngư dân vay 1,5 tỷ đồng không lãi suất để đóng tàu lớn, sản xuất xa bờ, giảm thiểu nghề giã cào sản xuất ven bờ. Cái khó là muốn tiếp cận chính sách ưu đãi thì bắt buộc phải có 1,5 tỷ đồng đối ứng để đủ vốn đóng tàu mới. Thiếu vốn nên cơ chế ưu đãi luôn rất xa vời.

Phát triển bền vững

Trong khi ở phía nam của tỉnh, ngư dân khó chuyển nghề giã cào thì ở khu vực phía bắc, ngư dân đã mạnh dạn chuyển nghề giã cào sang các nghề câu, đem lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là câu cá hố, như ở các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) hay Cửa Đại, Cẩm An (TP.Hội An). Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, câu cá hố là nghề khai thác hải sản đang ăn nên làm ra, ngư dân có thể thu được hàng trăm triệu đồng chỉ với chuyến câu cá hố thành công trong vòng 15 ngày với hơn 10 lao động ở cac vùng biển thuộc tuyến lộng và xa bờ.

Mới đây, tại phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đưa ra một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm phát triển bền vững nghề khai thác hải sản.

Theo đó, từ Trung ương đến các địa phương, cần chuyển phương thức khai thác hải sản truyền thống sang công nghiệp hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ mới. Các ngành chức năng cần tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản, tái cơ cấu nghề cá theo hướng phát triển bền vững gắn với bảo vệ nguồn lợi hải sản, bảo vệ môi trường. Tàu cá cần trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, triển khai Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện các quy hoạch cho từng năm và 5 năm trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, chú ý chuyển dịch cơ cấu lao động khai thác hải sản không phù hợp sang nuôi trồng thủy sản để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống người dân khu vực ven biển. 

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, sẽ nghiên cứu, thử nghiệm nghề nuôi thủy sản ở trên biển với các loại cá đem lại giá trị kinh tế cao như cá bớp để có thể áp dụng, nhân rộng. Việc này mới mẻ nhưng các tỉnh, thành ven biển đã triển khai hiệu quả trong thời gian qua. Nguồn nhân lực nghề cá sẽ được ngành thủy sản phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề, góp phần điều chỉnh cơ cấu nghề phù hợp, hiệu quả hơn. Chủ trương của tỉnh đối với nghề khai thác hải sản là phát triển bền vững, bảo vệ nguồn lợi, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển bền vững nghề khai thác hải sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO