Cùng với việc phục hồi rừng dừa nước, người dân Cẩm Thanh (TP.
Nghề tranh tre, dừa nước giúp người dân xã Cẩm Thanh ổn định cuộc sống. Ảnh: N.Q.V |
Sinh kế bền vững
Tại các ngả rẽ từ thôn Thanh Tam Đông qua các thôn Cồn Nhàn và Thanh Đông, một nhóm du khách người nước ngoài đang được các hướng dẫn viên du lịch chuẩn bị phương tiện để khám phá rừng dừa. Bà Casey Luckey, du khách người Bỉ hào hứng: “Đồng quê mênh mông sông nước sẽ cho chúng tôi cảm giác mới lạ. Điều thú vị nhất có lẽ là mình sẽ tự thâm nhập vào các điều kiện sống của các bạn”. Từ mấy tháng nay, cùng với các tour đi dạo, bơi ghe, làm ngư dân quanh rừng dừa… nhiều du khách đã trực tiếp tham gia vào các công đoạn nấu ăn cùng người dân bản địa như một cách tự phục vụ bữa ăn cho chính mình. Chị Trương Thị Tám, thành viên trong tổ du lịch cộng đồng thôn Vạn Lăng cho biết: “Với các tour du lịch sinh thái mới được khai thác thời gian gần đây, du khách lại thích tự mình trực tiếp tham gia các công đoạn đó. Lẽ ra, chúng tôi là những bà nội trợ thì du khách lại giúp chúng tôi trở thành… người hướng dẫn du lịch, có thêm thu nhập”.
Ngoài việc giúp người dân tạo thu nhập bằng du lịch sinh thái, cây dừa nước cũng đã giúp các nông hộ nơi đây sinh sống được bằng nghề tranh tre, dừa nước. Ông Đỗ Văn Hạng (Thanh Tam Đông) cho biết: “Gia đình tôi có 1ha diện tích mặt nước trồng dừa. Với định kỳ thu hoạch 2 lần trong năm, chúng tôi sản xuất được hàng nghìn nệp tranh dừa. Nếu nguồn nguyên liệu đó được dùng hết để làm nhà tranh, tre dừa, mỗi năm, chúng tôi có thể thu được hàng trăm triệu đồng”. Hiện tại, các hộ ông Lê Công Thắng, Võ Tất Thắng, Trần Đình Xê… cũng đã thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề làm nhà tranh tre, dừa nước.
Ưu tiên phát triển
Tăng khả năng bảo tồn biển Rừng dừa nước Cẩm Thanh là một trong những hệ sinh thái rừng ngập mặn rất phong phú tại vùng hạ lưu sông Thu Bồn. Đây là nơi trú ngụ, sinh trưởng, sinh sản của nhiều loài động vật sống dưới nước, các loài thủy sinh vùng cửa sông ven biển. Rừng dừa nước Cẩm Thanh còn là nơi ngăn gió, trốn bão của ngư dân và tàu thuyền theo các mương lạch. Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, hiện tại, chất lượng nước của Khu dự trữ sinh quyển thế giới đang bị tác động xấu bởi các nguồn thải từ trong đất liền ra biển, cụ thể nhất là từ vùng cửa sông Thu Bồn. Mở rộng phạm vi của bảo tồn biển vào cửa sông Thu Bồn là điều cấp thiết hiện nay. Theo đó, phục hồi, phát triển rừng dừa nước Cẩm Thanh là điều có ý nghĩa thiết thực cho hiện tại và mai sau. |
Do việc người dân tự phát đào ao nuôi tôm tràn lan, diện tích rừng dừa nước ở Cẩm Thanh đã bị suy giảm. Nhờ dự án “Phục hồi và bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh phục vụ du lịch sinh thái và phát triển bền vững” với nguồn kinh phí gần 2 tỷ đồng do Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam tài trợ cùng vốn đối ứng của UBND TP.Hội An, nhiều diện tích dừa nước đã được khôi phục và mở rộng từ sự cần cù và năng động của người dân địa phương. Theo ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, xã đang phối hợp với các chuyên gia, nhà quản lý tiến hành điều tra để đánh giá lại hiện trạng phân bố của rừng dừa nước. Việc thẩm định các yếu tố môi trường xung quanh rừng dừa nước ảnh hưởng gì đến sự phát triển của dừa nước cũng được đề ra. Điều đó rất cần thiết cho mục tiêu phát triển bền vững. “Một tín hiệu rất vui là sau khi sản phẩm tre, dừa Cẩm Thanh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể thì từ nguồn vốn đầu tư của chính quyền thành phố, Trung tâm Làng nghề tranh tre, dừa nước Cẩm Thanh cũng đã được xây dựng. Đây là cơ hội lớn để chúng tôi quảng bá và phát triển nghề truyền thống này” - ông Lê Thanh nói.
UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “Tái tạo, phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng”. Các ngành chức năng của Quảng Nam cũng đã xúc tiến các bước nhằm phân bổ nguồn vốn 1,6 tỷ đồng để UBND TP.Hội An triển khai thực hiện. Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Thanh, từ nguồn vốn này cộng với nguồn vốn hỗ trợ gần 500 triệu đồng của thành phố, xã Cẩm Thanh sẽ bắt tay thực hiện nhiều chương trình thiết thực. “Cùng với việc đầu tư hạ tầng, đường sá; kiện toàn hệ thống nước sạch, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng bến thuyền; sửa sang nhà đón và tiếp khách. Bên cạnh việc tổ chức lại dịch vụ homestay, chúng tôi sẽ thực hiện nạo vét sông Đình - con sông chính xuyên suốt khu rừng dừa Bảy Mẫu để tạo điều kiện phát triển rừng dừa này và ổn định hơn dịch vụ du lịch sinh thái” - ông Nguyễn Văn Nguyên nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT