Phát triển các cụm công nghiệp còn bất cập

VIỆT NGUYỄN 26/08/2019 10:33

Tại hội nghị công bố quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, có xét đến năm 2035 được Sở Công Thương tổ chức cuối tuần qua, nhiều địa phương cho rằng quản lý và thu hút đầu tư ở các CCN đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. 

Hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh được đầu tư chưa đồng bộ. Ảnh: QUANG VIỆT
Hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh được đầu tư chưa đồng bộ. Ảnh: QUANG VIỆT

Cơ chế chưa thống nhất

Theo quy hoạch, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, các CCN có tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 75%. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho rằng, rất khó thực hiện bởi rất nhiều nguyên nhân. Thủ tục đầu tư rất phức tạp, doanh nghiệp dù rất muốn đầu tư vào CCN nhưng nhiều văn bản quá chung chung lại chồng lấn nội dung nên khó triển khai. Địa phương muốn thu hút đầu tư nhưng nhiều khi không biết nên áp dụng cơ chế nào cho phù hợp. Phải chăng các sở, ngành của tỉnh không quan tâm tới hội nghị công bố quy hoạch phát triển các CCN nên đã vắng họp quá nhiều. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, không năm nào ngành chức năng tổ chức sơ kết, tổng kết thu hút đầu tư ở các CCN để các địa phương “tỏ bày” những khó khăn, vướng mắc, trao đổi, bàn bạc, tìm hướng giải quyết để thúc đẩy phát triển. “Mô hình quản lý CCN được các địa phương quản lý mỗi nơi mỗi kiểu bởi hiện tại không có cơ chế rõ ràng, một số quy định đã hết hiệu lực, cần Sở Công Thương xem xét, tham mưu UBND tỉnh thống nhất mô hình chuẩn. Cơ chế hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng còn chưa thỏa đáng, nên chăng rà soát, nghiên cứu, áp dụng thiết thực hơn” - ông Chơi nói.

Ông Phạm Thúy - Trường phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đại Lộc cho rằng, các CCN trên địa bàn quá nhiều, lên đến 18 CCN lại phân tán, nhỏ lẻ. Các CCN Đại Tân 1, Đại Tân 2, Đại Phong 1, Đại Phong 2 nên gộp lại thành khu công nghiệp (KCN) để thuận lợi hơn trong quản lý cũng như thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. “CCN là đối tượng nhỏ, phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp không hấp dẫn bằng KCN. Trong khi đó cả CCN và KCN đều muốn phát triển thì phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật rất tốn kém. Do đó nên gộp 4 CCN thành KCN để áp dụng các chế tài, chính sách phù hợp hơn” - ông Thúy nói.

Cũng theo ông Phạm Thúy, do giải phóng mặt bằng tốn kém, địa hình khó khăn, kinh phí đầu tư hạ tầng quá lớn nên hơn 40 tỷ đồng ngân sách huyện áp dụng chưa tạo được mặt bằng sạch để thu hút nhà đầu tư. Sở Công Thương cần tham mưu UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh có cơ chế tăng mức hỗ trợ đầu tư hạ tầng giúp các địa phương tăng tỷ lệ lấp đầy các CCN.

Cần mở rộng quy mô

Theo phê duyệt quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, có xét đến năm 2035, toàn tỉnh có 92 CCN với tổng diện tích 2.613,14ha. Mục tiêu là đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp ở các CCN chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tương ứng với 30 nghìn tỷ đồng. Lao động tại các CCN đến năm 2025 là 35 nghìn người, chiếm 20 % tổng số lao động của ngành công nghiệp toàn tỉnh.

Trái ngược với khó khăn trong thu hút đầu tư, phát triển CCN của nhiều địa phương, ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, tỷ lệ lấp đầy của các CCN trên địa bàn là... 200%. “Hiện tại 2 CCN xã Ba (13,2ha) và A Sờ (7ha) đã vượt gấp đôi diện tích đầu tư theo quy hoạch. Huyện đã nhiều lần gửi văn bản đến Sở Công Thương đề xuất mở rộng phạm vi đầu tư của 2 CCN trên địa bàn nhưng đến nay chưa được giải quyết. Có rất nhiều doanh nghiệp lớn như Sun Group lên khảo sát, dạm hỏi đầu tư nhưng đã hết đất ở CCN thì thu hút sao được khi đầu tư bên ngoài CCN rất tốn kém, không được thụ hưởng cơ chế hỗ trợ, lại nguy về môi trường” - ông Minh nói. Theo đó, ông Hồ Quang Minh đề xuất: “Phát triển công nghiệp khởi sắc ở huyện miền núi khó khăn về kinh tế - xã hội là đáng mừng. Tỉnh nên mở rộng phạm vi diện tích đầu tư CCN, giúp huyện thu hút đầu tư, vừa tạo động lực phát triển, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập vừa giảm bớt sức ép về an sinh xã hội”.

Ông Trần Thọ - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hiệp Đức cho rằng, huyện đề xuất tỉnh cho phép thành lập 12 CCN nhưng chỉ được phân cấp 11 CCN là hạn chế. Do nguyên nhân không phù hợp về ngành nghề đầu tư nên nhiều doanh nghiệp đã muốn chọn lựa thêm địa điểm mới để đầu tư và huyện đã nhận thấy yêu cầu này chính đáng. “Miền núi khó thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Trong khi đó, mô hình quản lý CCN trên địa bàn tỉnh bất cập, mỗi nơi “tùy nghi” nên Sở Công Thương cần tham mưu tỉnh áp dụng một mô hình kiểu mẫu, thuận tiện như mô hình quản lý chợ cho thấy nhiều ưu điểm” - ông Thọ nói.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, tỉnh quy hoạch quá nhiều CCN nhưng lại “phân khu” quá nhỏ, lại manh mún, nhỏ lẻ trong đầu tư hạ tầng, rất bất cập nên khó đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân là 90% vào năm 2035. Có CCN chỉ có 3ha, không đủ đất cho đầu tư của 1 doanh nghiệp là rất bất cập. Hiện tại, các ngành nghề đầu tư ở các CCN còn quá đơn điệu, lại không phù hợp, khó phát triển kinh tế lại gây ô nhiễm môi trường. “Chỉ vướng mắc nhỏ về đất đai khi doanh nghiệp đầu tư, chúng tôi kiến nghị Sở TN-MT rất nhiều lần nhưng chưa nhận được hướng dẫn nào” - ông Thịnh nói.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, các địa phương đề xuất mở rộng thêm diện tích ở các CCN là chính đáng vì phù hợp với xu hướng đầu tư lớn của doanh nghiệp. Ở các CCN, ngành công thương sẽ rà soát lại các ngành nghề đầu tư, qua đó tham mưu UBND tỉnh phân bố hợp lý, thuận tiện cho hoạt động của doanh nghiệp, khơi thông lợi thế về nguyên liệu, lao động, thế mạnh của từng địa phương, đồng thời giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường. “Sở Công Thương ghi nhận các ý kiến, đề xuất của các địa phương, sẽ tham mưu UBND tỉnh áp dụng cơ chế hỗ trợ phù hợp để các địa phương tạo mặt bằng sạch, hạ tầng thuận lợi, thu hút đầu tư của doanh nghiệp cũng như áp dụng mô hình quản lý CCN phù hợp để vận hành tốt hơn” - ông Quang nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển các cụm công nghiệp còn bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO