Ngày 14.4.2021, Thành ủy Tam Kỳ ban hành Nghị quyết số 03 về “Đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021- 2025”. Một trong những nội dung quan trọng là đẩy mạnh thực hiện phong trào “Dân vận khéo” và xây dựng mô hình tự quản, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Tại phường Hòa Hương có một địa điểm khá nổi tiếng với cái tên “Tam giác vàng”, điểm giao nhau giữa 3 khối phố Hương Sơn, Hương Chánh và Hồng Lư. Cái tên này đã có từ lâu không phải để chỉ một địa danh đẹp mà bởi ở đây đã tồn tại một bãi rác tự phát do người dân ở cả 3 khối phố tùy tiện vứt vào, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hàng năm, các hội đoàn thể địa phương đã huy động lực lượng ra quân dọn vệ sinh nhưng thực trạng nêu trên vẫn diễn ra. Mới đây, Đoàn thanh niên và Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường Hòa Hương ra quân san bằng bãi rác, phát quang bụi rậm và đặt bên vệ đường loạt bồn hoa tái chế. Những người thực hiện công trình này mong muốn sẽ xóa sạch “điểm đen” môi trường tại đây.
Anh Bùi Trần Khoa Huân - Phó Bí thư Đoàn phường Hòa Hương, cho biết: “Chúng tôi sẽ làm sạch và đẹp địa điểm này để người dân nâng cao nhận thức, cùng chung tay giữ gìn vệ sinh công cộng”.
Còn ở phường An Sơn, sát Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam (nay là Trường Cao đẳng Quảng Nam) là tuyến đường chính vào khối phố 4 từ lâu cũng là điểm đen về môi trường vì người dân tùy tiện xả rác thải và phóng uế bừa bãi. Cách đây gần 2 tháng, Hội LPHN phường An Sơn đã khởi xướng thực hiện mô hình “Tuyến đường tự quản về môi trường”.
Những ngày đầu phát động, hội liên tục ra quân dọn vệ sinh toàn khối phố. Sau đó gắn biển quy định về tuyến phố văn minh đô thị. Đồng thời, hội phối hợp với Công an phường triển khai mô hình tự quản đảm bảo về an ninh trật tự (ANTT) và gắn bảng số điện thoại đường dây nóng để người dân liên hệ khi cần thiết. Sau khi phát động mô hình và đảm bảo ổn định, Hội LHPN phường bàn giao lại cho các chi hội đoàn thể ở khối phố tự quản.
Bà Lê Thị Phụng (khối phố 4, phường An Sơn) chia sẻ: “Từ ngày phát động mô hình khối phố tự quản, cán bộ khối phố đi tuyên truyền thường xuyên nên ai cũng ý thức trách nhiệm và tự giác dọn vệ sinh chung.
Hằng ngày, chúng tôi thu gom rác tại nhà và các ngày thư hai, tư, sáu thì đưa ra xe rác trung chuyển, không còn tình trạng đổ rác ra đường nữa. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp thông tin với công an qua đường dây nóng để phát hiện và ngăn chặn ngay các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật. Nhờ đó mà khối phố bây giờ bình yên”.
Từ tháng 8 đến nay, tại Tam Kỳ có rất nhiều mô hình dân vận khéo được củng cố, làm mới, nhất là ở các xã phường. Từng hội đoàn thể đã ra mắt những mô hình dân vận khéo, mô hình tự quản sát với khu dân cư, tổ đoàn kết.
Đơn cử mô hình bảo vệ môi trường - tuyến đường hoa ở xã Tam Thăng được thực hiện tại tuyến đường ĐX3; các chi hội nông dân ra mắt mô hình tự quản về ANTT; phụ nữ, thanh niên thực hiện mô hình tuyến đường tự quản về môi trường. Các mô hình đều xuất phát từ tình hình thực tế, những vấn đề tồn tại ở khu dân cư.
Trên cơ sở đó khi phát động thực hiện, địa phương có kế hoạch và phân công cụ thể thành viên tham gia, người dân kiểm tra giám sát thường xuyên để các mô hình thực sự hiệu quả và có tính bền vững. Từ những mô hình này góp phần hiện thực hóa các chỉ tiêu xây dựng văn minh đô thị, nông thôn mới, cũng như góp phần quan trọng hướng tới các tiêu chí đô thị loại 1 mà trong đó người dân có vai trò chủ thể.