Sự ra đời của một số nhà máy dăm gỗ trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần giải quyết bài toán kinh tế cho người trồng nguyên liệu. Ngoài ra, các cung đường đã bớt kêu cứu vì những chuyến xe quá tải.
Không bị ép giá
Cơn bão số 11 gây thiệt hại nặng cho người dân trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Huyện Tiên Phước có hơn 4.300ha keo trồng bị ngã đổ, trong đó rừng keo từ 1 - 2 năm tuổi là 645ha, 3 - 4 năm tuổi là 1.937ha, keo đến kỳ thu hoạch là 2.367ha và rất nhiều diện tích các loại cây hoa màu khác. Đặc điểm của vườn vùng Tiên Phước là đa cây, không gian nhiều tầng với nhiều loại cây trồng giá trị kinh tế cao nên sự tàn phá của bão là không hề nhỏ. Một bộ phận người dân sống bằng kinh tế vườn gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ tái nghèo. Theo lời Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - ông Hường Văn Minh, diện tích keo ngã đổ quá lớn đã gây tổn thất nặng đối với bộ phận nông dân Tiên Phước. Nhưng nói đi phải nói lại, tuy bị thiệt hại nặng từ keo nhưng so với các loại cây kinh tế vườn khác như lòn bon, thanh trà, dó bầu, quế, tiêu… thì cây keo vẫn được người dân Tiên Phước “gỡ gạc” lại chút ít, chứ không hoàn toàn mất trắng như các loại cây khác.
Nhà máy gỗ mộc của Công ty TNHH Khải Kha giải quyết nhu cầu tiêu thụ keo nguyên liệu trên địa bàn. Ảnh: C.T.ANH |
Trừ số keo bị ngã đổ có tuổi quá nhỏ (1 – 2 năm) không thể bán cho thương lái, còn cây keo khoảng 3 – 4 năm tuổi trở lên vẫn được người dân khai thác. Thêm nữa, giá keo nguyên liệu không bị “o ép” như dự đoán của người dân. Ông Nguyễn Văn Phúc (thôn 1, xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước) cho biết: “Rừng keo của tui dự tính hơn năm nữa mới có thể thu hoạch nhưng bão làm ngã đổ nhiều. Tuy nhiên, tui vẫn bán được keo nguyên liệu với giá cả chấp nhận được. Dù lợi nhuận không cao như dự tính nhưng so với các trận bão trước thì số tiền gỡ gạc từ keo vẫn tương đối”. Còn ông Thái Viết Hương - một thương lái thu mua gỗ keo ở thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước) thì nói: “Sau trận bão năm 2009, keo bị ngã đổ, bà con cố vớt vát để cưa bán nhưng vẫn rất khó bán vì những người thu mua như chúng tôi không mấy mặn mà. Lý do là giá nhà máy đưa ra thấp hơn giá keo ngày chưa bão là 300 nghìn đồng/tấn và xe keo luôn trong tình trạng xếp hàng rồng rắn ở nhà máy trong Chu Lai, Dung Quất. Nhưng nay, giá keo chỉ thấp hơn so với khi chưa bão chỉ 15 nghìn đồng/tấn và nếu không bán được ở nhà máy này thì đem đi nhà máy khác. Thương lái thu mua keo có nhiều lựa chọn hơn so với trước đây”.
Nguyên liệu tại chỗ
UBND tỉnh vừa đồng ý cho Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF tại huyện Hiệp Đức. So với các nhà máy dăm gỗ đã ra đời và hoạt động lâu nay thì nhà máy chế biến gỗ MDF là một bước tiến mới trong công nghiệp sản xuất gỗ. |
Theo báo cáo của Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), đến nay trên toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp và cơ sở chế biến dăm gỗ. Trong đó chỉ có Công ty CP Lâm sản Pisico Quảng Nam hoạt động năm 2004 và Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Nam Chu Lai hoạt động từ năm 2007, còn trong vòng 2 năm (2012 - 2013) có tới 11 công ty hoạt động chế biến dăm gỗ ra đời. Đó là chưa kể một số công ty gỗ, mộc có liên quan đến nguyên liệu gỗ keo. Ông Lê Văn Hiệu – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Bình An Phú cho biết: “Nhà máy sản xuất dăm gỗ chính thức hoạt động từ tháng 5.2013, năng suất thiết kế là 1.000 tấn/ngày. Hiện nay vùng nguyên liệu chủ yếu của chúng tôi là vùng rừng huyện Tiên Phước, đáp ứng tương đối đầy đủ cho nhà máy vận hành. Giá cả thu mua luôn đảm bảo để bà con yên tâm trồng”. Trong khi đó, ông Lê Minh Sơn – Phó Giám đốc Công ty TNHH Khải Kha (thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh) cho rằng, giá cả gỗ keo ổn định nhờ sự ra đời của nhiều nhà máy. Mặt khác, các nhà máy được xây dựng gần dân hơn nên giảm một khoản đáng kể chi phí vận chuyển. Nhiều nhà máy ra đời nên có lúc cầu vượt cung, nguyên liệu ít nên các nhà máy tranh nhau mua”.
Đến nay, gần như mỗi huyện phát triển vùng keo nguyên liệu như Tiên Phước, Phú Ninh, Hiệp Đức… đều tính đến việc hình thành các nhà máy dăm gỗ đóng chân trên địa bàn. Nhiều dự án, kế hoạch xây dựng phát triển nhà máy dăm gỗ ở một số địa phương đang đệ trình xin phép. Thế nên, theo những thương lái, hầu như các nhà máy chế biến dăm gỗ thường thu mua gỗ keo nguyên liệu không theo quy chuẩn yêu cầu rõ ràng. Gỗ keo có thể khai thác tốt nhất là 6 – 7 năm, tuy nhiên với keo có độ tuổi 3 – 4 năm người dân vẫn có thể khai thác nếu chấp nhận giảm khối lượng gỗ. Chỉ những công ty làm gỗ mộc như Khải Kha (huyện Phú Ninh) mới yêu cầu gỗ phải 5 năm tuổi trở lên hoặc có yêu cầu đường kính keo tối thiểu bao nhiêu. “Nhiều năm nay, nông dân không lo chuyện giá cả của gỗ keo nên ở những huyện miền núi, trung du bà con nông dân chú ý đến phát triển rừng, đời sống kinh tế khá hẳn lên. Có chuyện, một số nơi, người dân hết tiền sinh hoạt phí đã chặt xe bò keo đến bán cho nhà máy để lấy tiền dùng tạm. Thêm nữa, độ hư hại đường sá do xe keo gây ra đã giảm đi khá rõ do quãng đường vận chuyển được rút ngắn. Đó là lợi ích thấy được của sự xuất hiện hàng loạt nhà máy dăm gỗ trên địa bàn” - ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Công Thương nói.
CHIÊU THỤC ANH