Phát triển cân bằng giữa các lợi ích

MINH KIỆT 28/06/2013 12:46

Trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam, cuộc gặp gỡ giữa ngoại giao đoàn và các địa phương dành cho các tỉnh, thành duyên hải miền Trung với 4 cuộc thảo luận mở thực sự đã  tìm được tiếng nói chung trong việc định hướng phát triển bền vững và hài hòa các yếu tố: kinh tế, môi trường, văn hóa, đời sống người dân.

  • Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V năm 2013
Các đại biểu tham dự hội nghị gặp gỡ địa phương và ngoại giao đoàn. Ảnh: M.KIỆT
Các đại biểu tham dự hội nghị gặp gỡ địa phương và ngoại giao đoàn. Ảnh: M.KIỆT

Xác định mục tiêu ưu tiên

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa phục hồi, khu vực duyên hải miền Trung vẫn chưa thấy được hiệu quả đầu tư của những dự án trọng điểm thì việc cần thiết chính là rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá đúng tiềm năng của mình, xác định trúng cơ hội và tận dụng được nguồn lực nước ngoài để bổ trợ cho nguồn lực trong nước còn hạn hẹp… Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh chia sẻ, Quảng Nam xác định ngành du lịch là trọng điểm. Tuy nhiên, để du lịch phát triển bền vững thì điều thiết yếu là cơ sở hạ tầng phải được đảm bảo một cách tốt nhất. Điểm yếu chung của các địa phương Duyên hải miền Trung là cơ sở hạ tầng chưa được phát triển đồng bộ. Môi trường đầu tư gọi là thuận lợi nhưng thực ra vẫn chưa thu hút được nhiều dự án. “Riêng với Quảng Nam, để trở thành tỉnh công nghiệp thì mục tiêu trước mắt là tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng thật tốt; cảng biển, sân bay phải đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển mạnh ngành công nghiệp phụ trợ để biến công nghiệp cơ khí chế tạo ô tô thành chiến lược” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.

Đồng quan điểm với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, ông Lê Thành Ân - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng sự liên kết giữa các địa phương duyên hải miền Trung là điều cần thiết. Nhiều điểm chung và những kinh nghiệm của mỗi địa phương sẽ giúp lãnh đạo đưa ra được định hướng tốt nhất. Về việc phát triển cơ sở hạ tầng, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau, nên tận dụng hỗ trợ qua lại những lợi thế mà mỗi tỉnh đang sở hữu chứ đừng theo xu hướng tỉnh kia có gì thì tỉnh mình cũng có nấy. Vấn đề kêu gọi đầu tư nước ngoài, các địa phương cũng nên xác định những mục tiêu ưu tiên để kêu gọi hiệu quả và hợp lý, không nên kêu gọi tràn lan.

“Các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau, nên tận dụng hỗ trợ qua lại những lợi thế mà mỗi tỉnh đang sở hữu chứ đừng theo xu hướng tỉnh kia có gì thì tỉnh mình cũng có nấy...”.
(Ông Lê Thành Ân - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh)

Nâng cao năng lực canh tranh phải bắt đầu từ nguồn nhân lực là ý kiến được phần đông các đại biểu quốc tế cũng như đại diện nhiều địa phương tán thành. Môi trường đầu tư được xem là hấp dẫn khi doanh nghiệp được hướng dẫn và làm việc với một đội ngũ chuyên nghiệp. Ông H.E. Ranjit Rae - Đại sứ Ấn Độ chia sẻ: “Dù gì thì cũng nên lấy nông nghiệp làm nền tảng, đã có nhiều quốc gia trên thế giới này dù phát triển mạnh về công nghiệp đến đâu thì họ vẫn chú trọng phát triển nông nghiệp. Vấn đề là làm sao đưa khoa học công nghệ đến được với nông dân, nâng cao năng suất lao động và quan trọng nhất là làm sao để giá nông sản bán ra phải tương thích với thành quả lao động của người nông dân. Khoa học công nghệ áp dụng triệt để vào nông nghiệp cũng thể hiện được rằng nền kinh tế ở đó phát triển tốt”. Cũng theo ông H.E Ranjit Rae, việc phân công từng khu vực, ưu tiên phát triển từng ngành cũng nên dựa vào điều kiện địa lý. Điều này mới nghe qua thì đơn giản nhưng thực ra lại quyết định rất nhiều đến sự thành công của một chiến lược kinh tế.

Môi trường là vấn đề hàng đầu

Không phải đến khi hội nghị ngoại giao đoàn diễn ra vấn đề môi trường mới được đại biểu đến từ các nước quan tâm và chia sẻ. Điều đặc biệt ở trong phiên thảo luận thứ 2 của hội nghị được nhắc đến nhiều nhất chính là làm sao hình thành được cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ môi trường trong quá trình kêu gọi đầu tư. Theo ông Lê Văn Dũng - Phó ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất, việc tồn tại đan xen nhiều dự án FDI cùng những dự án khác của địa phương sẽ dẫn đến tình trạng khó áp dụng tiêu chí môi trường cho những doanh nghiệp có dự án đầu tư tại địa phương đó. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc áp dụng tiêu chí môi trường quá cao cũng tạo khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên nếu tiêu chí đó không hợp lý hoặc không triệt để thì lại để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ông Dũng khẳng định: “Ngay khi kêu gọi đầu tư, địa phương phải quán triệt và đưa ra những tiêu chí cụ thể về môi trường cho doanh nghiệp, phải chỉ cho họ thấy rõ những ràng buộc yêu cầu về bảo vệ môi trường. Để doanh nghiệp có thể chủ động và xác định họ có thể đáp ứng được những yêu cầu đó không? Nếu doanh nghiệp nào không đáp ứng được thì kiên quyết từ chối. Đó sẽ là những tiền lệ tốt về việc bảo vệ môi trường và theo tôi nghĩ doanh nghiệp nào cũng muốn hoạt động kinh doanh của họ đảm bảo được vấn đề môi trường. Nhân tố quan trọng không gì khác chính là sự quyết liệt ngay từ đầu của chính quyền địa phương và các ngành có liên quan”.

Điểm nhìn hội tụ tại hội nghị là Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng có nguồn nhân lực đông đảo, cần cù với chi phí cạnh tranh hợp lý. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tác quốc tế, cần có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc phát triển, đào tạo, quản lý và sử dụng lao động giữa các địa phương và phía nước ngoài; Nhà nước cần quan tâm thiết lập các trung tâm công nghệ cao để hỗ trợ sự phát triển của các địa phương.

Với nội dung phát triển văn hóa và du lịch, hội nghị đã thống nhất nhận diện khu vực miền Trung có nhiều tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, tham quan biển đảo, di sản văn hóa, di tích lịch sử độc đáo. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng Việt Nam cần nghiên cứu học tập kinh nghiệm phát triển du lịch của các nước, đặc biệt các nước trong khu vực Đông Nam Á; một chiến lược phát triển du lịch theo hướng bền vững cần phải được chú trọng ngay từ thời điểm bây giờ và với Quảng Nam thì hơn bao giờ hết Hội An phải được bảo vệ tốt nhất về môi trường.

Hỗ trợ các địa phương phát triển kinh tế đối ngoại

Ngay sau hội nghị gặp gỡ địa phương và ngoại giao đoàn dành cho các địa phương duyên hải miền Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn báo chí về việc hỗ trợ, phối hợp với các địa phương phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là kinh tế đối ngoại. Bà Nga cho biết, thời gian qua Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ, triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế của nhiều địa phương khu vực duyên hải miền Trung.

Các đại biểu tham dự hội nghị gặp gỡ địa phương và ngoại giao đoàn.Ảnh: M.KIỆT
Các đại biểu tham dự hội nghị gặp gỡ địa phương và ngoại giao đoàn.Ảnh: M.KIỆT

Cụ thể, Bộ Ngoại giao đã có nhiều hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, văn hóa du lịch trong và ngoài nước thông qua các tuần văn hóa, diễn đàn xúc tiến thương mại..., giúp các địa phương quảng bá tiềm năng cũng như thu hút các nguồn đầu tư từ bên ngoài; đồng thời hỗ trợ địa phương trong quá trình phát triển, xây dựng chương trình hành động thực hiện các chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường ngoại giao phục vụ kinh tế cũng như hội nhập quốc tế. Ngoài ra cung cấp cho địa phương các thông tin cần thiết để nắm bắt tình hình kinh tế của bên ngoài cũng như nhu cầu của bên ngoài để địa phương có được những địa chỉ tin cậy trong việc hợp tác phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao còn thiết lập những trang thông tin để địa phương có thêm cơ hội quảng bá với bạn bè quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đồng thời hỗ trợ các địa phương thông tin quảng bá ra bên ngoài và phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam tìm kiếm các đối tác tin cậy, các nguồn vốn đầu tư để giới thiệu cho các địa phương khu vực duyên hải miền Trung…M.Đ (tổng hợp)

MINH KIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển cân bằng giữa các lợi ích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO