Phát triển chăn nuôi gà ở Phú Ninh: Cần chú trọng quy hoạch

VĂN HÀO 30/12/2013 14:15

Chăn nuôi gà theo hướng trang trại, gia trại ở Phú Ninh phát triển mạnh trong những năm trở lại đây. Song, tình trạng chăn nuôi mang tính tự phát vẫn chưa được kiểm soát, chưa mang tính quy hoạch và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Việc lập gia trại tại cánh đồng thôn 2 (xã Tam Lộc) tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao.
Việc lập gia trại tại cánh đồng thôn 2 (xã Tam Lộc) tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao.

Nuôi gà trên đệm lót sinh học

Tháng 6.2013, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông - khuyến lâm và Phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học cho 10 hộ dân trên địa bàn. Được tiếp cận các nguồn vốn vay, nhiều gia đình ở Tam Thái, Tam Đàn, Tam Lộc… đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà trên đệm lót sinh học và đem lại hiệu quả bước đầu, đến nay mô hình này đã được nhân rộng ra hàng chục hộ khác. Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Hoàng (thôn Hòa Bình, xã Tam Thái) là một trong những hộ đầu tiên ứng dụng phương pháp này trong chăn nuôi gà với gần 7 ngàn con và xuất bán liên tục. Chị cho biết: “Sau khi rải trấu dày khoảng 10cm trên bề mặt chuồng được làm bằng gạch hoặc xi măng thì thả gà con vào. Được vài ngày thì cào sơ qua lớp nệm lót rồi rắc đều chế phẩm men lên toàn bộ bề mặt chất độn, dùng tay xoa trên bề mặt để men được phân tán khắp nơi”.

Tổng kết năm 2013, ngành chăn nuôi huyện Phú Ninh đạt 384,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43,9% giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó số lượng gà tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái với tổng đàn trên 665 nghìn con. Việc quy hoạch khu giết mổ đạt 70%, trong đó các lò giết mổ Tam Phước, Tam Đàn đã đi vào hoạt động, đáp ứng 90% nhu cầu.

Cũng theo chị Hoàng, cách làm chế phẩm men có công thức cũng khá đơn giản: 1kg chế phẩm Balasa - N01 trộn đều với 5 - 7kg bột bắp hoặc cám gạo, cho thêm khoảng 3 lít nước sạch xoa cho ẩm đều, sau đó cho vào túi hoặc thùng để ủ từ 2 – 3 ngày. Ông Đinh Long Toàn - Phó phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết chăn nuôi gà ứng dụng đệm lót sinh học sẽ giúp tiêu hủy hết chất thải, do đó sẽ không tạo ra mùi hôi thối, khí độc trong chuồng cũng như ảnh hưởng đến môi trường xung quanh: “Phương pháp này sẽ tạo cơ hội phát triển chăn nuôi gà ngay cả ở khu dân cư đông đúc. Gà được sinh trưởng khỏe mạnh, giảm rõ rệt công lao động cũng như tỷ lệ gà bị mắc bệnh, chi phí thuốc thú y; phù hợp với việc phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp sạch, bền vững” - ông Toàn nói.

Cần chú trọng quy hoạch

Tình hình chăn nuôi tự phát theo hướng gia trại với quy mô trên 1 ngàn con, phát triển rầm rộ tại thôn 2 (xã Tam Lộc). Vài ba năm gần đây, tại cánh đồng đất sản xuất 1 vụ của thôn này có gần chục hộ chuyển đổi mục đích sử dụng đất để chăn nuôi gà. Tuy nhiên, việc người dân tự ý tận dụng diện tích đất màu để làm chuồng trại chăn nuôi gà theo hướng truyền thống hiện tồn tại nhiều bất cập. Trước hết đây là khu vực thấp trũng, có con suối chảy qua, xung quanh người dân vẫn sử dụng đất để trồng trọt nên tiềm ẩn nguy cơ ủ bệnh. Ngoài ra, đây là khu vực gần đường giao thông và khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ đó dẫn đến hệ lụy người chăn nuôi có nguy cơ mất trắng nếu dịch bệnh bùng phát, thị trường tiêu thụ biến động.

Ông Lê Văn Hùng lập trại chăn nuôi trên những thửa đất màu trước đây. Ảnh: V.H
Ông Lê Văn Hùng lập trại chăn nuôi trên những thửa đất màu trước đây. Ảnh: V.H

Ông Lê Văn Hùng (54 tuổi, trú thôn 2, xã Tam Lộc) là một trong gần chục hộ chăn nuôi gà “mới nổi” tại cánh đồng này. Ông cho biết năm 2011, gia đình đầu tư gần 100 triệu đồng để làm 4 chuồng trại với tổng diện tích 2.500m2 và mua con giống, vật tư nhưng đến nay vẫn chưa lấy lại được vốn. “Thấy mấy hộ xung quanh chăn nuôi có lãi nên gia đình tôi cũng đi vay mượn tiền đầu tư nhưng thực ra tôi rất lo lắng về tình hình dịch bệnh, hơn nữa giá con giống quá cao, có thời điểm lên đến 27 nghìn đồng/con nên chi phí đầu vào rất lớn. Đợt bão số 9 vừa rồi có 1 chuồng bị tốc mái, nước vào làm chết hơn 100 con gà khoảng 1 tháng tuổi” - ông Hùng cho biết.

Ông Đỗ Thọ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh cho biết, bên cạnh hiệu quả của việc chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học, địa phương vẫn xuất hiện nhiều trường hợp chăn nuôi tự phát; giá cao thì tăng đàn ồ ạt khiến giá con giống, thức ăn tăng. “Trong đề án xây dựng nông thôn mới của huyện, thời gian tới sẽ quy hoạch khu vực Hố Rọ để vận động các hộ chăn nuôi tự phát tại thôn 2 đến xây dựng khu chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, an toàn sinh học. Tuy nhiên cái khó ở đây là người cần đất, cần mặt bằng chăn nuôi thì lại không có tiền nên họ tận dụng đất canh tác hoa màu để chăn nuôi và tiềm tàng nguy cơ rủi ro” - ông Thọ nói.

VĂN HÀO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển chăn nuôi gà ở Phú Ninh: Cần chú trọng quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO