Những năm qua ngành nông nghiệp cùng các địa phương tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn dịch bệnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hiệu quả kinh tế cao
Ông Võ Văn Minh (thôn Thuận An, Hiệp Thuận, Hiệp Đức) cho biết, nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và được ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi - thú y, năm 2014 gia đình ông đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 5 con bò nái ngoại 3B về thả nuôi. Ngoài lượng rơm thu được từ 5 sào ruộng lúa, ông Minh cải tạo 5 sào đất vườn để trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò.
“Nhờ thức ăn đảm bảo, chú trọng công tác phòng dịch nên đàn bò của tôi phát triển mạnh và sinh sản rất tốt. Trong 8 năm qua, hằng năm đàn bò nái này đẻ 5 con, nuôi bò con khoảng 6 tháng thì tôi xuất chuồng với giá bán bình quân mỗi con 20 triệu đồng. Mỗi năm vợ chồng tôi có nguồn thu nhập không dưới 100 triệu đồng” - ông Minh chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Dương - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận thông tin, tại địa phương còn có 5 mô hình nuôi bò ngoại 3B sinh sản và vỗ béo với số lượng 8 - 12 con.
“Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, hằng năm trung bình mỗi mô hình nuôi bò thâm canh có mức lãi ròng 160 - 240 triệu đồng. Đây được xem là hướng mở để người dân Hiệp Thuận phát triển mạnh kinh tế hộ trong những năm tới” - ông Dương nói.
Sở NN&PTNT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng các loại thịt hơi xuất chuồng của Quảng Nam đạt khá cao. Cụ thể, thịt heo hơi đạt gần 11.700 tấn (tăng 648 tấn so với cùng kỳ năm 2021), thịt bò hơi đạt 5.400 tấn (tăng 335 tấn), thịt trâu hơi đạt hơn 1.130 tấn (tăng 62 tấn) và thịt gia cầm hơi đạt hơn 10.500 tấn (tăng 431 tấn). Tổng sản lượng trứng gia cầm xuất bán ước đạt gần 133 triệu quả, tăng 5,5 triệu quả so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lê Văn Bảy - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, những năm gần đây, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, người dân trong huyện có điều kiện đầu tư tái đàn và chú trọng phát triển lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn dịch bệnh.
Đến nay, tổng đàn heo của Hiệp Đức là 11.700 con, đàn bò 10.125 con (trong đó bò lai chiếm tỷ lệ 92,6%), đàn trâu gần 1.900 con và 118.555 con gia cầm các loại.
“Toàn huyện có khoảng 320 mô hình nuôi bò lai sinh sản và bò thịt vỗ béo quy mô từ 5 con trở lên, 50 mô hình nuôi heo thịt với số lượng từ 50 con trở lên và 70 mô hình nuôi gà thịt thương phẩm với quy mô đàn từ 100 con trở lên. Bình quân hằng năm, mỗi mô hình cho người dân mức thu nhập 60 - 200 triệu đồng” - ông Bảy nói.
Tại Điện Bàn, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho hay, hiện tổng đàn heo của địa phương khoảng 58.000 con, đàn bò 24.000 con, đàn trâu 515 con và đàn gia cầm 1,5 triệu con các loại.
Toàn thị xã có 57 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt các tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 02 (ngày 28.2.2020) của Bộ NN&PTNT. Trong đó, có 1 trang trại nuôi heo thịt với quy mô lớn, 44 trang trại quy mô vừa (6 bò, 22 heo, 16 gia cầm) và 12 trang trại quy mô nhỏ.
Theo ước tính, năm nay, tổng giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi của Điện Bàn đạt khoảng 1.485 tỷ đồng, trong đó chăn nuôi theo hình thức trang trại chiếm tỷ lệ 22,7%.
Tập trung hỗ trợ phát triển
Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho rằng, bên cạnh lĩnh vực lâm nghiệp thì chăn nuôi được xác định là hướng phát triển chủ lực của huyện. Địa phương ưu tiên nguồn lực hỗ trợ để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chăn nuôi, trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất trang trại và gia trại.
“Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện, từ nay đến năm 2025, địa phương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân xây dựng thêm ít nhất 20 mô hình nuôi thâm canh bò 3B lấy thịt và bò cái lai Zêbu sinh sản. Cạnh đó, hỗ trợ xây dựng 10 mô hình nuôi heo nái sinh sản và 20 gia trại nuôi gia cầm lấy thịt, sinh sản” - ông Nam nói.
Mới đây, tại cuộc làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhờ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi cơ bản được khống chế, thị trường tiêu thụ và giá cả ổn định ở mức tương đối cao nên thời gian qua lĩnh vực chăn nuôi từng bước khôi phục, phát triển mạnh.
Tổng đàn heo toàn tỉnh có hơn 317.000 con (tăng 3.090 con so với cùng kỳ năm 2021), đàn bò 173.830 con (tăng 830 con), đàn trâu 59.870 con (tăng 270 con) và đàn gia cầm khoảng 8,85 triệu con các loại (tăng 235.000 con).
Toàn tỉnh có 347 trang trại chăn nuôi (trong đó có 3 mô hình nuôi gia cầm được công nhận phù hợp với quy trình VietGAP), gồm: 12 trang trại quy mô lớn, 134 trang trại quy mô vừa, 201 trang trại quy mô nhỏ. Số trang trại tập trung chủ yếu tại Đại Lộc, Điện Bàn, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước.
Theo ông Phạm Viết Tích, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp hơn nhằm phát triển mạnh những mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức sản xuất tập trung, đảm bảo an toàn dịch bệnh để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ưu tiên hỗ trợ, khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi theo liên kết chuỗi giá trị.